Sản phẩm từ trồng trọt vẫn luôn được xác định là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là gạo, rau, củ, quả. Về phía ngành, trong thời gian tới sẽ tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp chủ động tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm trồng trọt. Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói.
Vừa qua, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Hà Nam năm 2021 đã công nhận 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó, 10 sản phẩm (chiếm hơn 40%) từ trồng trọt. Những sản phẩm này khá đa dạng từ lúa gạo đến rau, củ, quả, trái cây…
Trong năm 2021, HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân, xã Phù Vân (TP Phủ Lý) có 2 sản phẩm được công nhận OCOP, gồm: Rau mùng tơi và rau cải. Đây là 2 sản phẩm chủ lực sản xuất trên diện tích 5.000m2 áp dụng phương pháp hữu cơ của HTX.
Được biết, sản phẩm rau hữu cơ của HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân đã có mặt trên thị trường từ khá nhiều năm nay. Đa phần lượng sản phẩm đều được HTX cung cấp cho chuỗi các cửa hàng bán nông sản an toàn, hữu cơ trên địa bàn TP Phủ Lý và TP Hà Nội. Đặc biệt, HTX đang thực hiện liên kết với HTX Nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ) đưa vào hệ thống siêu thị Vinmart. Giá bán các loại rau, củ, quả hữu cơ của HTX thường cao gấp 3 – 4 lần sản phẩm sản xuất thông thường. Việc sản phẩm rau mùng tơi và rau cải hữu cơ của HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân được công nhận OCOP là bước phát triển mới trong phát triển sản xuất của HTX.
Bà Nguyễn Thị Thú, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân cho biết: Việc được công nhận OCOP cho sản phẩm rau hữu cơ của HTX giúp nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là liên kết với hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn giúp sản xuất ổn định theo hướng bền vững. Đây là cách làm nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX đạt theo tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Những sản phẩm trồng trọt được công nhận OCOP đang thể hiện khá rõ ưu thế về chất lượng. Các chủ thể có sản phẩm OCOP tự tin trong việc đưa sản phẩm tiếp cận và xâm nhập vào những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng. Như sản phẩm dưa chuột, đậu tương khô của trang trại hữu cơ Happy Farm, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) đã cơ bản được tiêu thụ tại những chuỗi cửa hàng nông sản sạch của TP Hà Nội. Loạt sản phẩm nho mẫu đơn, nho hạ đen, thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du, xã Đồng Du (Bình Lục) đang được đưa vào các chuỗi siêu thị tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Các sản phẩm này đã tự tin cạnh tranh với sản phẩm nho và thanh long của những vùng trồng truyền thống khác.
Công ty TNHH Lương thực Long Vũ, thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) liên kết sản xuất với nhiều HTXDVNN trong tỉnh sản xuất các giống lúa chất lượng. Trong 2 năm 2020, 2021 đơn vị có 2 sản phẩm gạo chất lượng được công nhận OCOP, gồm: Gạo Bắc thơm số 7 và gạo LT2-KBL. Doanh nghiệp đang hướng đến đa dạng mô hình kinh doanh từ các sản phẩm OCOP. Theo đó, công ty đã sản xuất thêm phân khúc gạo OCOP túi (đóng trọng lượng 1kg/túi được hút chân không) đưa vào kênh bán lẻ tại chuỗi cửa hàng và siêu thị.
Theo ông Đặng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Long Vũ, sản phẩm gạo được công nhận OCOP là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp triển khai kênh bán lẻ. Với năng lực sản xuất thóc mỗi vụ của 2 loại sản phẩm gạo được công nhận OCOP 500 – 600 tấn, đơn vị sẽ bảo đảm tốt nguồn cung cho thị trường.
Sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt trên địa bàn tỉnh đang hướng đến hàng hóa tập trung và chất lượng. Đồng thời, các sản phẩm từ cây trồng cũng từng bước được thay đổi theo hướng đa dạng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Việc các chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia được công nhận OCOP là hướng đi và nhu cầu tất yếu. Sang năm 2022, qua tổng hợp các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP có 28 trong tổng số 59 sản phẩm từ trồng trọt.
Đánh giá về việc gia tăng các sản phẩm từ trồng trọt tham gia chương trình OCOP, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sản phẩm từ trồng trọt vẫn luôn được xác định là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhất là gạo, rau, củ, quả. Về phía ngành, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu để các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp tăng cường tham gia chương trình OCOP cho sản phẩm trồng trọt. Việc được công nhận OCOP giúp sản xuất được duy trì về chất lượng sản phẩm. Từ đó, sản phẩm trồng trọt tiếp cận tốt hơn thị trường, kể cả những thị trường cao cấp, đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm.
Thực tế, sản phẩm trồng trọt tham gia chương trình OCOP đang gặp những khó khăn nhất định. Theo đó, các sản phẩm từ trồng trọt phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ, sản xuất trong hộ gia đình; việc đánh giá tác động môi trường không được bài bản; việc tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, khó tham gia thị trường lớn… Vì thế, khi chấm điểm thường đạt thấp, khó đạt 4 sao cấp tỉnh.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các sản phẩm từ trồng trọt vẫn còn khá nhiều tiềm năng tham gia trương trình OCOP. Để khắc phục được khó khăn, hạn chế, trong quá trình sản xuất rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, nhất là tạo sự liên kết mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ… Có như thế, sản phẩm OCOP từ trồng trọt mới phát huy tốt được tiềm năng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
Mạnh Hùng