Thời gian qua, sản xuất trên đồng ruộng của huyện Lý Nhân đã có sự thay đổi đáng kể theo hướng hàng hóa, giá trị cao. Người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Có được kết quả này, phải khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ luôn thể hiện rõ vai trò trong chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy phát triển sản xuất tại địa phương. Với mục tiêu hướng đến sản xuất theo quy mô tập trung, HTX đã xây dựng 9 cánh đồng mẫu, cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Trong đó, 2 cánh đồng mẫu có quy mô lớn, đạt 30 ha/cánh đồng, các cánh đồng còn lại có diện tích từ 7 – 15 ha/cánh đồng. Theo đó, để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trên diện tích 50 ha tại các cánh đồng mẫu với Công ty TNHH lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục) theo hình thức bán thóc tươi. Hiện, HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ cũng đang đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào khâu gieo cấy. Sau 3 vụ, từ gần 2 ha đến vụ mùa 2023 đã nâng lên 27 ha lúa được cấy bằng máy và phun thuốc bằng máy sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Cùng với đó, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật cũng đang được HTX tính toán, triển khai cách làm mới thay thế phương pháp thủ công… Trong sản xuất vụ đông, từ cách làm hiệu quả của HTX, đã duy trì trên 100 ha mỗi vụ, chủ lực là cây bí xanh, bí đỏ chiếm 80% diện tích.
Để thúc đẩy sản xuất HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ đã thực hiện hiệu quả các khâu dịch vụ. Theo đó, ngoài việc bảo đảm những dịch vụ thiết yếu cho mùa vụ như: dịch vụ thủy nông, khuyến nông, bảo vệ thực vật…, Hội đồng quản trị HTX đã triển khai những khâu dịch vụ thỏa thuận, gồm: cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu thụ sản phẩm, cấy lúa bằng máy. Mỗi vụ, HTX đã nhập về bán cho người dân khoảng 5 tấn thóc giống (trong đó có toàn bộ lượng giống trên diện tích liên kết sản xuất với doanh nghiệp), 30 tấn phân bón tổng hợp NPK, doanh thu bán thuốc bảo vệ thực vật từ 700 – 800 triệu đồng. Từ những dịch vụ thỏa thuận giúp tăng vốn, quỹ cho HTX, nhất là bảo đảm chất lượng và bình ổn giá các mặt hàng phục vụ sản xuất trên thị trường tại địa phương.
Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ cho biết: Để phát triển sản xuất HTX phải điều hành và thực hiện tốt các khâu dịch vụ. Đồng thời, mạnh dạn trong việc đưa và nhân rộng các mô hình sản xuất mới áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng. Với HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ hiện nay, hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác đã tăng thấp nhất từ 20 – 30% so với cách đây 10 năm…
Tại nhiều địa phương khác trong huyện Lý Nhân, sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng cũng đang duy trì và phát triển hiệu quả. Như tại xã Chân Lý, diện tích dưa chuột xuất khẩu đã phát triển lên 50 – 70 ha trong cả vụ xuân và vụ đông. Những diện tích này cho giá trị bình quân đạt hơn 200 – 300 triệu đồng/ha/năm. Có được kết quả này là do cả 3 HTX nông nghiệp trên địa bàn đều thể hiện rõ vai trò điều hành, thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột xuất khẩu với doanh nghiệp chế biến cho người dân.
Còn tại xã Đạo Lý để góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, HTX nông nghiệp đã tổ chức hỗ trợ thành lập tổ thu mua dưa chuột xuất khẩu trên diện tích gần 10 ha/vụ để người dân yên tâm sản xuất. Cùng với đó, thành lập tổ hợp tác cơ giới hóa làm các dịch vụ về cày, bừa, thu hoạch và gieo mạ khay, cấy máy. Chỉ tính riêng khâu gieo cấy bằng máy, tại HTX đã mở rộng được 40% diện tích, thay thế dần cho phương pháp lúa gieo thẳng kém hiệu quả. Theo ông Trương Đăng Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đạo Lý, HTX Nông nghiệp cần phát huy được vai trò dẫn dắt, điều hành trong quá trình phát triển sản xuất. Nếu để đơn lẻ từng hộ dân sẽ không thể thực hiện được, khi ruộng đất còn nhỏ lẻ, manh mún.
Hiện nay, tại huyện Lý Nhân đang duy trì hoạt động của 39 HTX nông nghiệp. Toàn bộ các HTX đều thực hiện đầy đủ các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất; tích cực điều hành, xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất trên địa bàn; tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng. Bà Đỗ Thị Thu Hòa, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Lý Nhân đánh giá: Vai trò các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện được thể hiện nổi bật trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. HTX nông nghiệp cũng đóng góp quan trọng vào quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất (trạm bơm, kênh mương, giao thông nội đồng…).
Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các HTX nông nghiệp tại huyện Lý Nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản xuống cấp và thiếu; hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh còn hạn chế… Một số HTX nông nghiệp sau khi tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 chưa mạnh dạn, tích cực đổi mới dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các hoạt động thiết yếu (thủy nông, bảo vệ thực vật, khuyến nông). Bên cạnh đó, năng lực của đội ngũ cán bộ tại nhiều HTX nông nghiệp còn hạn chế...
Để nâng cao vai trò hoạt động của HTX nông nghiệp, huyện Lý Nhân đang hướng đến tiếp tục tổ chức lại hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp. Từ đó, nâng cao và phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng hướng đến sản xuất hàng hóa giá trị cao, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất…
Mạnh Hùng