Phát triển chăn nuôi bò sữa của thị xã Duy Tiên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để phát triển chăn nuôi bò sữa, thị xã khuyến khích các hộ tích cực tham gia mô hình chăn nuôi bò sữa tập trung và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường (BVMT).
Từ năm 2017, cùng với nguồn vốn của tỉnh, thị xã hỗ trợ mua máy ép phân, xây dựng hệ thống bể biogas để xử lý chất thải cho một số hộ ở khu chăn nuôi tập trung xã Trác Văn. Đến nay tất cả các hộ nuôi bò sữa trên địa bàn đều xây dựng bể biogas, nhiều hộ áp dụng biện pháp ngâm ủ chất thải bằng vi sinh, đệm lót sinh học, nuôi giun quế. Chăn nuôi bò sữa tập trung ở Duy Tiên gắn với các biện pháp BVMT từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Để BVMT trong các khu chăn nuôi bò sữa tập trung, thị xã Duy Tiên đã quy hoạch xây dựng các khu chăn nuôi cách xa khu dân cư với hạ tầng đồng bộ, như: giao thông, điện, nước, hệ thống thoát nước, xử lý chất thải bằng hầm biogas bảo đảm môi trường và an toàn vệ sinh phòng bệnh. Đến nay, trên địa bàn có 1 khu chăn nuôi bò sữa của Công ty Friesland Campina, diện tích 66 ha và 5 khu chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã: Mộc Bắc, Trác Văn, Chuyên Ngoại với tổng diện tích 69 ha. Cùng với đó, các địa phương đã vận động 66 hộ không nuôi bò trong khu dân cư, chuyển sang đầu tư chăn nuôi bò sữa thành khu tập trung. Trong đó, xã Mộc Bắc có 46 hộ, xã Chuyên Ngoại 15 hộ, xã Trác Văn 5 hộ. Thị xã đã phê duyệt quy hoạch 11 vùng chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô, cỏ với diện tích 76,43 ha. Tính đến hết tháng 8/2022, thị xã có 3.576 con bò sữa (Mộc Bắc 2.157 con, Trác Văn 534 con, Chuyên Ngoại 790 con, Yên Nam 95 con) với sản lượng sữa bình quân mỗi ngày đạt 28 tấn.
Tiêu biểu về quy mô chăn nuôi tập trung với số lượng bò cho khai thác sữa lớn phải kể đến hộ ông Tống Văn Bính (Mộc Bắc), ông Nguyễn Văn Khu (Chuyên Ngoại), bà Trần Thị Thanh Thoan (Mộc Nam). Bà Thoan cho biết: Trang trại nằm trong khu chăn nuôi bò sữa tập trung của Công ty Friesland Campina với diện tích 6 ha, phần chuồng trại 1.500m2 và hiện nuôi 95 con, trong đó 45 con bò đang cho khai thác sữa. Những năm qua, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí, áp dụng các công nghệ mới xử lý chất thải đồng bộ đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn chuồng trại theo quy định của ngành chức năng. Chính vì thế, nơi đây không chỉ là khu chăn nuôi bò sữa bảo đảm môi trường sinh thái, mà còn là điểm đến của nhiều đoàn khách ngoại tỉnh tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm mang thương hiệu của trang trại (HANAMILK) đang cung cấp tại hơn 300 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc. Trang trại đã tạo việc làm ổn định cho 23 lao động và 20 người làm thời vụ với mức lương bình quân từ 5 triệu đồng – 17 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù vậy, hiện nay chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thị xã Duy Tiên vẫn còn những tồn tại, đặc biệt một số hộ nuôi bò trong khu dân cư chưa di chuyển về khu chăn nuôi tập trung làm ảnh hưởng môi trường trong khu vực. Ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: Xã có hơn 70 hộ nuôi bò sữa với tổng số bò sữa chiếm 2/3 tổng đàn bò sữa của thị xã. Đến nay, Mộc Bắc đã quy hoạch 3 khu chăn nuôi bò sữa tập trung trên diện tích 54,58 ha. Tuy vậy, hiện xã vẫn còn 20 hộ chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư chưa thực hiện di chuyển đến các khu chăn nuôi tập trung. Hiện nay, xã đang tích cực vận động các hộ khẩn trương di chuyển đàn bò về khu tập trung để vừa bảo đảm môi trường, vừa thuận lợi cho việc thu gom sữa, phòng chống dịch bệnh.
Có thể nói, thực hiện nghiêm quy định, nhất là các biện pháp xử lý môi trường là giải pháp quan trọng trong phát triển đàn bò sữa trên địa bàn. Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Duy Tiên cho biết: Hiện các hộ chăn nuôi bò sữa của Duy Tiên đã có kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị dịch bệnh ở các mùa vụ và nhân đàn. Hầu hết các hộ đều xây dựng hệ thống xử lý chất thải có bể lắng bảo đảm tối thiểu 1m3/con bò và nhiều gia đình áp dụng biện pháp xử lý bằng vi sinh, nuôi giun quế. Vì thế, đã góp phần bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và tạo thêm nguồn thức ăn bổ sung cho đàn bò sữa, gia cầm. Đối với các hộ nuôi ở khu dân cư cần sớm di chuyển ra khu chăn nuôi tập trung để bảo đảm môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, thị xã đề nghị với tỉnh cho phép có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện về quỹ đất để thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở thu gom chất thải tại các khu chăn nuôi bò sữa tập trung xử lý thành phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Chăn nuôi bò sữa ở Duy Tiên đang tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ gia đình. So với các loại vật nuôi khác, nuôi bò sữa hiện mang lại giá trị cao, đầu ra thuận lợi, ổn định. Để duy trì, phát triển bền vững đàn bò sữa, thị xã tiếp tục khuyến khích, vận động các hộ đầu tư chăn nuôi tập trung, hạn chế quy mô nhỏ lẻ, chăn nuôi ở khu dân cư; bảo đảm vệ sinh môi trường.
Phùng Thống