Sau đại dịch Covid-19, lao động nông thôn tìm nhiều cách để ổn định việc làm và thu nhập. Ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, người dân một số nơi đã chuyển nghề mới, phù hợp với nhu cầu xã hội, ổn định thu nhập và phát triển kinh tế gia đình.
Là một trong những địa phương tổ chức được nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn sau khi kết thúc Đề án 1956, năm 2021, toàn huyện Lý Nhân có 400 lao động được học nghề mới. Lần đầu tiên, nghề nuôi ốc nhồi trong ao đất được tổ chức dạy cho bà con nông dân, thu hút 40 học viên tham gia.
Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Lý Nhân cho biết: Trong bối cảnh Hà Nam đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao, nhưng nhiều lao động nông thôn không có nhu cầu vào làm việc. Sau khi khảo sát thực tế, nắm bắt được nguyện vọng của người dân muốn làm việc tại nhà, kể cả làm ruộng, chăn nuôi. Xét thấy nghề nuôi ốc nhồi trong ao đất là nghề mới, được một số hộ nông dân triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng chưa được nhân rộng. Do vậy, trung tâm đã phối hợp với hội phụ nữ, hội nông dân và chính quyền các địa phương tổ chức mở lớp dạy nghề.
Với quan điểm dạy cái gì người nông dân cần, việc triển khai đưa nghề mới vào các địa phương bước đầu có hiệu quả. Năm 2021, trung tâm mời một nông dân ở xã Nhân Thịnh có thâm niên nuôi ốc 14 năm tham gia lớp dạy nghề để truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật nghề nuôi ốc nhồi trong ao đất. Sau lớp học này, nhiều người đã về thực hiện, cải tạo ao, ruộng thành nơi nuôi ốc nhồi.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, Thôn 3, xã Nhân Nghĩa chia sẻ: Nuôi ốc nhồi không vất vả, người nuôi chỉ cần chăm chỉ cắt cỏ, cắt rau, thu gom củ quả thừa bỏ đi ngoài ruộng, tránh khu vực có thuốc trừ sâu để làm thức ăn cho ốc. Còn diện tích mặt nước để nuôi cũng không quá phức tạp, chỉ cần ruộng bảo đảm đủ nước, hoặc ao là được. Mỗi sào diện tích mặt nước có thể nuôi vài vạn con ốc, sau 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch.
Nhà anh Nguyễn Hữu Hưng, xã Nhân Thịnh có 1,5 mẫu ao nuôi ốc nhồi. Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi ốc nhồi ao đất, mỗi năm anh Hưng có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hiện tại, anh là người cung ứng giống, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân trong vùng và bảo đảm đầu ra cho bà con. Anh Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ: “Năm ngoái chúng tôi mở được nhiều mô hình. Từ đầu năm đến nay mới phát triển được 1 mô hình với trên 40 vạn con. Bà con nông dân khi phát triển nghề này được tôi cung ứng con giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Khi nào thu hoạch ốc, bà con mới phải trả tiền ốc giống”.
Mỗi ngày nhà anh Hưng bán trung bình gần 10 vạn ốc giống, giá 400 đến 500 đồng/con. Anh Hưng cho biết, mỗi sào ao có thể thả vài vạn ốc, nhưng mới vào nghề, nhiều hộ nông dân còn dè dặt trong việc chăn nuôi do thiếu vốn. Vì thế, các hộ chỉ có thể nuôi mỗi sào ban đầu hơn 1 vạn con. Sau đó nhân giống dần. Anh Hưng khẳng định: So với các nghề chăn nuôi truyền thống bà con đã làm trước đây, nuôi ốc nhồi ao đất vừa nhàn vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi vạn ốc giống cho ra 2,5 đến 3 tạ ốc thịt, giá mỗi kg ốc thịt bán tại nhà là 100.000 đồng.
Tại Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, người lao động nông thôn có nhu cầu học nghề chế biến món ăn ngày càng tăng. Theo ông Trần Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN thị xã Duy Tiên, năm 2021, trung tâm mở 5 lớp chế biến món ăn cho người dân trên địa bàn. Sau khi học xong, nhiều người xin làm việc tại các bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp. Số khác mở nhà hàng, phát triển dịch vụ ăn uống. Ông Trần Văn Tiến cho biết: “Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động xã hội trở lại bình thường, nhu cầu ăn uống và các dịch vụ làm đẹp tăng cao. Do đó, trung tâm đã lựa chọn tổ chức những lớp dạy nghề mà thực tế xã hội đang có nhu cầu.
Ở một số địa phương Bình Lục, Lý Nhân, TP Phủ Lý, chế biến món ăn cũng là nghề mới được nhiều người chọn học, chuyển đổi việc làm hiện nay. Người lao động nông thôn học chế biến món ăn không chỉ để vào làm việc ở các bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp mà còn mở dịch vụ nấu cỗ thuê. Chỉ tính trên địa bàn xã Hòa Hậu, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân hiện nay mỗi xã cũng có gần chục hộ gia đình làm nghề nấu cỗ thuê. Xu hướng này đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu vực khi đời sống kinh tế ngày một phát triển, không muốn bận rộn bếp núc vào những ngày gia đình có công có việc, tập trung đông người ăn uống. Mỗi mâm cỗ, thù lao cho người làm từ 170 nghìn đến 200 nghìn đồng.
Nghề mới cho lao động nông thôn hiện nay khác với các giai đoạn trước, không mang tính tập trung, không mang tính phong trào. Hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn giờ cũng không giống trước vì nguồn lực cho đào tạo do các địa phương chủ động. Vì thế, mục tiêu việc làm với lao động nông thôn được các địa phương đặt ra phải gắn với nhu cầu thực tế, học phải đi đôi với hành, học để lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Giang Nam