Mặc dù, không phải là một địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo qui mô lớn nhưng những năm qua, cùng với việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đặc biệt là sau 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo luồng sinh khí mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn ở Hà Nam.
Hình thành nhiều sản phẩm đa giá trị
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến thời điểm này, Hà Nam đã có 92 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 46 chủ thể. Cụ thể: thị xã Duy Tiên 32 sản phẩm; thành phố Phủ Lý 18 sản phẩm; huyện Lý Nhân 9 sản phẩm; Bình Lục 11 sản phẩm; Thanh Liêm 14 sản phẩm; Kim Bảng 8 sản phẩm... Riêng năm 2023, toàn tỉnh có 49 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình của 38 chủ thể. Tháng 8/2023, Chi cục đã phối hợp với đơn vị tư vấn Chương trình tiến hành rà soát, lựa chọn ý tưởng sản phẩm khả thi để trình UBND tỉnh phê duyệt sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2023.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhận định: Hầu hết các sản phẩm OCOP được xếp hạng đều bảo đảm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên sau khi được công nhận đã xây dựng chiến lược marketing, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nên đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, như các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc; Bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam… Đặc biệt, một số sản phẩm đã được đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị Vinmart như các loại rau sạch HTX Nông sản hữu cơ Phù Vân, HTX Nông sản Cát Lại, sản phẩm sữa của trang trại Mục đồng, Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, Bánh đa nem làng Chều; Sản phẩm của Chi nhánh Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi tại Hà Nam đã vào hệ thống siêu thị Thành Đô, chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Sói Biển… Nhờ đó, sản lượng và doanh thu bán hàng đối với các sản phẩm này đều tăng so với trước khi công nhận sản phẩm OCOP.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định, Chương trình OCOP đã thực sự có những tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, phát triển các sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu giúp hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời, có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Từ việc triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.
Tiếp tục phát huy vai trò “đòn bẩy”
Mặc dù, Chương trình OCOP được đánh giá như một “luồng gió mới” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, do những hạn chế về kinh phí hỗ trợ; vai trò sự tham gia của chính quyền cấp xã ở một số địa phương còn mờ nhạt; các chủ thể khi tham gia chương trình còn e dè, thiếu linh hoạt, chủ yếu là các hộ gia đình, HTX sản xuất với qui mô nhỏ, liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu; việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm... nên Chương trình vẫn chưa đạt được những mục tiêu như kỳ vọng.
Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, theo ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm, trong thời gian tới, chương trình OCOP cần tập trung vào việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa theo “trục sản phẩm địa phương làng, xã”. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Cùng với đó, phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất, quản trị, đổi mới, sáng tạo về sản phẩm, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, marketing và phát triển thị trường.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp phải phối hợp với các địa phương đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP. Trong đó, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm. Rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh…
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết thêm, hiện ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để Chương trình OCOP tiếp tục phát huy vai trò “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đối với sản phẩm đã được công nhận đạt hạng 3 sao trở lên thiết nghĩ các địa phương cần có sự quan tâm hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là khâu bảo quản chế biến, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng thương hiệu sản phẩm (đăng ký nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam, chỉ dẫn địa lý) nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu và bản sắc văn hóa vùng, miền. Tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa đặc thù để đưa sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa quy mô lớn. Từ đó, xây dựng và hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch và hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm hướng tới xuất khẩu.
Minh Thu