kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão

Thời điểm lũ trên hệ thống các sông chảy qua địa bàn tỉnh dâng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Lũ dâng cao trên hệ thống sông Hồng gây ngập úng cho Nhà máy gạch tuynel của Công ty TNHH Minh Hiếu (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân). Đây là một trong những doanh nghiệp được đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại có công suất 40 triệu viên/năm. Nước tràn vào nhà máy gây ngập lụt toàn bộ hệ thống lò nung, làm ngập nhiều mô tơ cỡ lớn; làm hỏng hàng chục triệu viên gạch mộc chưa nung… gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông An Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiếu cho biết: Trước khi chưa ngập lụt bình quân mỗi tháng công ty duy trì sản xuất khoảng 1,5 – 3 triệu viên gạch các loại (tăng 30 - 50% công suất so với cùng kỳ năm trước), giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Khi nước sông Hồng dâng cao, doanh nghiệp đã huy động công nhân và thiết bị máy móc đắp bờ khoanh vùng song nước vẫn tràn vào nhà máy. Hệ thống lò nung, mô tơ điện, dây chuyền sản xuất gạch bị ngập làm gián đoạn sản xuất của doanh nghiệp; phải mất vài tháng để tu sửa lò, vệ sinh máy móc. Trước mắt, công ty thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng (bao gồm cả dây chuyền và gạch). Nếu tính cả thiệt hại gián đoạn sản xuất sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp gần chục tỷ đồng. Doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ trong thời gian vừa qua. 

Nhà xưởng của Công ty cổ phần VLXD Lý Nhân bị tốc mái do bão số 3.

Cũng như Công ty TNHH Minh Hiếu, cơn bão số 3 đã làm hàng trăm m2 mái che của Công ty cổ phần VLXD Lý Nhân (xã Nhân Mỹ, Lý Nhân) bị tốc mái; hệ thống lò nung, mô tơ điện bị nước tràn vào gây thiệt hại 500 – 600 triệu đồng. Trong hai tuần qua, công ty phải huy động công nhân tập trung lợp lại mái che, xây dựng cải tạo lại lò nung, sửa chữa mô tơ điện… để nhanh chóng vận hành sản xuất. Ảnh hưởng của bão, lũ ngoài thiệt hại về tài sản, doanh nghiệp cũng phải dừng sản xuất khoảng 1 tháng, song vẫn phải chi trả lương công nhân và sản phẩm lại không sản xuất được, tính ra thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Trong thời gian này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tự khắc phục thiệt hại sau bão song cũng rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Theo đó, việc thực hiện chính sách hoãn, giãn nợ và giảm lãi suất là những giải pháp vô cùng cần thiết để giúp doanh nghiệp đứng vững trong thời gian khủng hoảng; khắc phục được khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển dài hạn khi các nguồn vốn được giải phóng và dòng tiền có thể tiếp tục lưu thông. Chẳng hạn, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng trong khoảng 4 đến 6 tháng có thể giúp doanh nghiệp duy trì dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vốn cho việc khôi phục sản xuất hiện nay là rất lớn.

Đối với các ngân hàng cũng nên giảm bớt thủ tục cho vay, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Theo tổng hợp của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Nam, trên địa bàn tỉnh có 219 khách hàng của các ngân hàng thương mại bị thiệt hại 219 tỷ đồng và dư nợ thiệt hại của khách hàng đến hết tháng 9 năm 2024 là 386 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất cho 33 khách hàng, dư nợ được miễn, giảm lãi là 23 tỷ đồng; cho vay mới 03 khách hàng, với doanh số 1,4 tỷ đồng. Một số ngân hàng vẫn đang tiếp tục thống kê mức độ thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Cụ thể, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng và sẽ điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024. Vietcombank cũng cho biết đã giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9/2024 đến hết năm nay.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sau bão lũ, các doanh nghiệp kiến nghị: Chính phủ và cơ quan chức năng cần triển khai kịp thời, đồng bộ chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tái thiết sản xuất. Các ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giãn hoãn các khoản vay trước đó, đồng thời, có chính sách giảm lãi suất phù hợp. Cơ quan thuế nghiên cứu xem xét miễn giảm, giãn hoãn một số loại thuế, phí. Các ngành và các cấp cần có chính sách hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý…

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy