Thúc đẩy phát triển, tiêu thụ các sản phẩm làng nghề

Các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nam đã và đang góp phần quan trọng trong tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0 cùng xu hướng chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi các làng nghề cần phải linh hoạt thay đổi để thích ứng.

Quan tâm bảo tồn, phát triển làng nghề

Tỉnh Hà Nam có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động, bao gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề. Sản phẩm của các làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại; mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện, nâng cao, có sức hấp dẫn du khách, khách hàng trong và ngoài nước. Điển hình như: mây tre đan Ngọc Động, dệt Đại Hoàng, trống Đọi Tam, sừng mỹ nghệ Đô Hai, rượu Vọc, bánh đa nem làng Chều, lụa Nha Xá, hàng thêu ren Thanh Hà, gốm sứ Quyết Thành…

Thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024-2025 và Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì, phát triển làng nghề, trọng tâm là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề bền vững. Cụ thể là hỗ trợ các làng nghề tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển làng nghề gắn với du lịch; quan tâm công tác bình xét, công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở làng nghề ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm làng nghề; hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ; quan tâm công tác đào tạo nghề, tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề…

Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua sản phẩm bánh đa nem làng Chều (Nguyên Lý, Lý Nhân) trên các kênh thương mại điện tử.

Đến nay, Hà Nam đã có 7/58 làng nghề (chiếm 12,1%) có sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên; 16/58 làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 27,6%). Một số tuyến du lịch gắn với làng nghề đã được khảo sát để đưa vào khai thác như: Đền Lảnh Giang - làng nghề truyền thống dệt Nha Xá - làng nghề truyền thống mây giang đan Ngọc Động - Khu Du lịch Tam Chúc; chùa Long Đọi Sơn - làng nghề truyền thống trống Đọi Tam - Khu Du lịch Tam Chúc - làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành. Năm 2024, tỉnh đã tiến hành công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ của năm 2023 cho 31 người; công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 cho 9 sản phẩm của 4 làng nghề. Cũng trong năm 2024, các huyện Lý Nhân, Kim Bảng đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 700 người với tỷ lệ lao động có việc làm tại các làng nghề sau đào tạo đạt 95%...

Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh được duy trì tương đối ổn định. Số doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề liên tục tăng, góp phần quan trọng trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Hiện, các làng nghề đang có 7.400 cơ sở sản xuất, kinh doanh, gồm trên 7.300 hộ gia đình, trên 130 doanh nghiệp, hợp tác xã. Năm 2024, tổng doanh thu năm của các làng nghề ước đạt trên 2.589 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 18.200 lao động với thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, có 22 làng nghề có thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/người/tháng (chiếm 37,9%), tập trung chủ yếu ở nhóm chế biến lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử

Là nhà phân phối lớn đối với sản phẩm bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân), thời gian qua, Công ty TNHH HaNa Food (xã Chân Lý, Lý Nhân) đã rất nhạy bén nắm bắt cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ bằng việc quảng bá, bán hàng theo phương thức đa kênh (trực tiếp và trực tuyến). Đến nay, HaNa Food đã xây dựng 6 website, 1 fanpage và đăng ký tài khoản trên các sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki, Lazada, Tiktok... để giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề. Anh Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Công ty TNHH HaNa Food cho biết: Không thể nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số và sự phát triển của thương mại điện tử, HaNa Food đã sử dụng các kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm truyền thống bánh đa nem làng Chều. Bằng hình thức này, sản phẩm làng nghề tiếp cận khách hàng nhanh, rộng khắp hơn. Mọi giao dịch mua bán, thanh toán đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến nên rất an toàn, nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả. Khách hàng của HaNa Food ngày càng được mở rộng, sản phẩm làng nghề hiện đã có mặt ở hầu khắp các kênh phân phối lớn của các tỉnh, thành trên cả nước.

Nhiều sản phẩm làng nghề tham gia trưng bày tại hội nghị kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ sản phẩm do Sở Công thương tổ chức.

Tương tự, việc đổi mới phương thức kinh doanh, kết hợp giữa kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử cũng mang lại nhiều lợi nhuận và sức sống mới cho làng nghề truyền thống lụa Nha Xá (xã Mộc Hoàn, thị xã Duy Tiên). Nhờ chuyển hướng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và livestream trực tiếp bán hàng đã giúp doanh thu của nhiều hộ sản xuất tại làng nghề tăng thêm 20-30% so với trước đây. Đặc biệt, qua các phiên livestream có nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, thậm chí ở nước ngoài cũng chủ động liên hệ đặt hàng. Chị Đào Thị Liên, thôn Nha Xá,  cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng trong việc đưa sản phẩm của làng nghề lên sàn thương mại điện tử, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, lụa Nha Xá ngày càng được khách hàng trong nước và quốc tế biết đến. Từ khi đăng sản phẩm giới thiệu và bán hàng trên website, sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, nhất là qua hình thức livestream, tôi đã bán được lượng sản phẩm rất lớn, nhất là áo dài truyền thống. Lượng khách hàng tiềm năng tăng nhiều lần so với trước đây.

Theo Sở Công thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là qua kênh thương mại điện tử, hàng năm, Sở đều phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai đề án hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đề án cũng đã xây dựng phần mềm bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân bảo vệ thương hiệu, uy tín, giúp người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất ứng dụng các bộ giải pháp hoàn tất đơn hàng, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong tỉnh, trong nước và quốc tế...

Có thể thấy, trong xu hướng chuyển đổi số và thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh mẽ, các làng nghề, làng nghề truyền thống của Hà Nam cũng không thể ngoại lệ. Để bảo tồn, phát triển làng nghề, yêu cầu đặt ra là phải mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề đã tận dụng tốt cơ hội phát triển của thương mại điện tử để đưa sản phẩm của làng nghề ra các tỉnh, thành phố trên cả nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các làng nghề đang gặp phải là người làm nghề còn hạn chế về kỹ năng, chiến lược kinh doanh trực tuyến. Do đó, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề, từng bước tiếp cận xu hướng tiêu dùng hiện đại, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh làng nghề cần chủ động học hỏi, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng tổ chức bán hàng online; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao giá trị, bộ nhận diện cho sản phẩm để tăng tính đặc trưng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.