Tuyến đường tỉnh (ĐT) 495C chạy từ thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) qua các xã Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải (Thanh Liêm) từ lâu đã trở thành con đường riêng của các doanh nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng.
Tuyến đường này được nâng cấp, mở rộng từ năm 2002, thuộc Dự án đường phân lũ khu vực sông Đáy, nhưng khi hoàn thành lại chủ yếu phục vụ cho các phương tiện khai thác, chế biến vật liệu xây dựng thuộc địa bàn huyện Thanh Liêm. Thực tế hiện nay, xe chở vật liệu xây dựng chất cao có ngọn trên thùng, không che phủ bạt, làm đất đá rơi vãi... khiến nhiều người dân trong vùng không dám tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong khoảng 10 phút, cả chục xe tải chở vật liệu xây dựng đi trên đường, chủ yếu là các hãng xe HOWO được cơi nới thành thùng vượt 1,5 – 2 lần cho phép, chở đá hộc, đá mạt cao hơn thành thùng hàng chục cm, chạy nườm nượp gây ô nhiễm môi trường. Các phương tiện chạy tốc độ cao, gặp "ổ trâu, ổ voi" đất đá văng tung tóe, bụi mù. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, những năm gần đây UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Thanh Liêm yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức phun nước tưới đường. Tuy nhiên, sau mỗi lần phun nước, bùn, đất trộn với bột đá rơi vãi lại biến mặt đường thành thùng vũng nhầy nhụa, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Anh Nguyễn Văn Thành, thị trấn Kiện Khê bức xúc nói: Trước đây trên tuyến ĐT 495C còn có các phương tiện xe máy tham gia giao thông, nhưng gần đây bà con sợ không dám đi vào tuyến đường này. Nếu tham gia giao thông bằng xe máy chỉ cần đi khoảng 2 - 3 km, bụi bẩn, nước bẩn té lên người trắng xóa. Nguy hiểm hơn là đi gần xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải, đất đá rơi vãi dọc đường, không may văng vào người là gây thương tích, rất nguy hiểm. Chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành cần kiên quyết xử lý phương tiện vi phạm, không để tình trạng tuyến đường tỉnh làm bằng tiền ngân sách Nhà nước phục vụ dự án phân lũ, song lại để phục vụ cho một số doanh nghiệp khai thác đá, người dân sinh sống ở bên phía Tây sông Đáy không dám đi vào.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, loại xe HOWO nhập khẩu sau tháng 10/2012 đúng nguyên bản thành thùng cao 60 cm, nếu chở đá hộc bằng mặt thùng đã vượt 5 - 10 tấn so với quy định, còn nếu xe nhập khẩu trước tháng 10/2012 có thành thùng 1,2 m hoặc nhà xe tự ý cơi nới thành lên cao hơn 2 m, chở đá hộc lượng hàng trên xe khoảng 60 – 80 tấn, vượt 45 – 65 tấn so với quy định. Tại khu vực đường phân lũ phía Tây sông Đáy phần lớn xe HOWO đều cơi nới thành thùng cao hơn so với quy định, thường xuyên chở quá tải 30 – 40 tấn/xe. Các phương tiện này chạy cả ngày lẫn đêm, không chỉ tàn phá công trình giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của bà con trong vùng.
Trước tình trạng xe tải chở vật liệu xây dựng quá tải gây ô nhiễm môi trường ở phía Tây sông Đáy, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở các xã Thanh Thủy, Thanh Nghị, Thanh Tân, thị trấn Kiện Khê, nhiều lần các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; ký cam kết không chở vật liệu quá tải; tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm…, song xe chở quá tải trên tuyến ĐT 495C không hề giảm. Để xảy ra tình trạng này, trước hết là do các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kiên quyết trong việc xử lý các phương tiện vi phạm. Việc tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp không vi phạm chở quá tải vẫn chỉ là hình thức, chưa gắn với chế tài xử phạt...
Để giảm ô nhiễm môi trường vùng tây Đáy, thiết nghĩ, bên cạnh công tác giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá thực hiện theo đúng cam kết báo cáo đánh giá tác động môi trường, rất cần các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý xe chở quá tải, không che phủ bạt... khi lưu thông trên đường.
Trần Thoan