kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nam có 3 cơ sở đào tạo và 2 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Một buổi thực hành của các học viên tại Trung tâm sát hạch lái xe Việt Úc thuộc Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc.

Trung tâm sát hạch lái xe Việt Úc (thuộc Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc) - một trong hai cơ sở sát hạch lái xe trên địa bàn Hà Nam hiện mỗi năm đào tạo hàng nghìn học viên. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, những năm qua, trung tâm thường xuyên rà soát, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, sân bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Hiện trung tâm đã đầu tư lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động, hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên ôtô sát hạch kết nối với các màn hình theo dõi để công khai quá trình, kết quả sát hạch lái xe nhằm ngăn chặn việc thi hộ, cũng như phục vụ quá trình hậu kiểm. Cùng với việc đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, công tác giảng dạy cũng từng bước đi vào nền nếp, thời gian học lý thuyết và thực hành luôn được bảo đảm, trong đó giáo dục đạo đức đối với người lái xe được chú trọng hơn.

Ông Hoàng Bá Khánh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề giao thông và xây dựng Việt Úc cho biết: Đáp ứng nhu cầu học lái xe ô tô ngày càng cao của người dân, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên rà soát bổ sung các nội dung mới vào giảng dạy, tổ chức hội thi thao giảng, tự kiểm tra trình độ… để nâng cao năng lực trình độ đội ngũ giáo viên.

Trong giảng dạy lý thuyết, nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin để học viên được tiếp cận phương pháp giảng dạy thông qua hệ thống máy chiếu, mô hình thực tế… Các môn học như: Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái xe bảo đảm đúng và đủ về nội dung, thời gian. Đồng thời, siết chặt việc thi sát hạch, bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 3 cơ sở đào tạo và 2 trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp GPLX, những năm gần đây, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn.

Trong đào tạo lý thuyết, các cơ sở đào tạo luôn chú trọng xây dựng, đổi mới giáo án, phương pháp giảng dạy theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam “Quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ”. Các môn học như Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái xe được chú trọng đúng, đủ cả về nội dung, thời gian… 100% cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã trang bị hệ thống máy chiếu phục vụ cho công tác giảng dạy lý thuyết; trang bị đủ máy vi tính cho học viên học Luật Giao thông đường bộ và sử dụng phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ nghề, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ. Hệ thống sân, bãi tập lái đáp ứng tiêu chuẩn.

Cùng với việc kết hợp giữa các bài giảng lý thuyết và thực hành, các cơ sở còn tổ chức cho học viên lái xe ô tô đi thực tế để làm quen trên các cung đường khó, phức tạp, giúp học viên không bỡ ngỡ trong việc xử lý các tình huống gặp phải trên đường. Việc thi sát hạch lái xe ô tô được tổ chức tại các trung tâm có đủ điều kiện, trang bị hệ thống chấm điểm tự động, camera, thiết bị lưu sát hạch, hoạt động với lượng xe lớn và tần suất cao, mặt sân có thể sát hạch được nhiều học viên cùng lúc, đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe.

Xác định, để nâng cao hiệu quả đào tạo, chất lượng đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch, trong đó, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ đối với giáo viên dạy lái. Các trung tâm đào tạo phải bố trí những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và uy tín dạy môn đạo đức cho người lái xe. Giáo viên khi lên lớp có giáo án, giáo trình giảng dạy theo đúng kế hoạch đào tạo của một khóa học, các môn học được chú trọng tập trung dạy đủ số tiết, nhất là môn pháp luật giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe và thực hành lái xe.

Ông Nguyễn Bạch Dương, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái (Sở GTVT) cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý cấp GPLX, sở đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thường xuyên kiểm tra, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm các điều kiện theo quy định. Quán triệt cho các học viên biết quy định mới của Bộ GTVT khi tham gia dự sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, sở tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với những cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cấp GPLX, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm nếu có.

Không chỉ siết chặt các khâu đào tạo, sát hạch, thời gian qua, Sở GTVT còn không ngừng nâng cao chất lượng cấp đổi GPLX. Kịp thời triển khai cấp đổi GPLX bằng vật liệu mới, cải thiện quy trình, cũng như rút ngắn thời gian cấp, đổi thông qua việc thông báo công khai các thủ tục, thông tin cần thiết về việc cấp, đổi GPLX qua cổng thông tin điện tử của sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở xa có thể chủ động chuẩn bị hồ sơ thực hiện việc cấp, đổi mà không mất thời gian đi lại. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã cấp, đổi 6.936 GPLX ô tô các loại. Việc cấp, đổi GPLX, sở đã triển khai hệ thống quản lý cấp, đổi GPLX theo mẫu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Thời gian cấp, đổi được rút ngắn. Việc trả kết quả hồ sơ, GPLX được thực hiện trực tiếp hoặc qua chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện, giúp giảm chi phí, đi lại cho người dân.

Một người lái xe có đạo đức, trách nhiệm, ngoài việc học ở cơ sở đào tạo, sát hạch cấp GPLX còn cần phải có cách ứng xử, thái độ và ý thức chấp hành pháp luật  giao thông. Nếu không sẽ hình thành ý thức chủ quan, xem GPLX như một loại giấy thông hành mà không chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật và  kỹ năng lái xe. Thời gian tới các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục có những giải pháp tích cực, siết chặt hơn nữa việc quản lý đối với các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch GPLX, góp phần hạn chế những vụ tai nạn giao thông thương tâm do người điều khiển phương tiện gây ra.

Lê Mai

Lê Mai

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy