Chăn nuôi bò sữa những năm gần đây là hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tổng đàn bò sữa trên địa bàn hiện có gần 4.500 con, chiếm trên 10% tổng đàn đại gia súc của cả tỉnh. Một số địa phương trọng điểm đã xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tập trung, phần lớn nằm ngoài bãi ven sông Hồng như các xã: Mộc Bắc, Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); Nguyên Lý (Lý Nhân)...
Cùng với đó, khu chăn nuôi bò sữa do Công ty TNHH Fiesland Campina Hà Nam trên địa bàn xã Mộc Bắc có trên 500 con. Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa ở nhiều vùng trong tỉnh hiện đang gặp khó khăn rất lớn, dễ dẫn đến nguy cơ sụt giảm đàn.
Qua tìm hiểu được biết, phần lớn những khu chăn nuôi bò sữa trọng điểm nằm ở các xã khu vực ngoài bãi ven sông Hồng đều đang chịu tác động rất lớn sau đợt lũ lên trên báo động 3 vừa qua. Tại Khu chăn nuôi bò sữa xã Nguyên Lý (Lý Nhân) trước khi lũ lên, hầu hết các chủ hộ đều đã di chuyển kịp thời đàn bò đến nơi an toàn nhưng toàn bộ diện tích cỏ, ngô làm thức ăn xanh cho bò sữa trồng ngoài đê đều bị chết do ngâm nước lâu ngày. Sau khi lũ rút, bò sữa được đưa trở lại chuồng nuôi nhưng phát sinh bệnh dẫn đến nhiều con bị thải loại. Hộ ông Trần Văn Nhường trước lũ có gần 40 con bò sữa, hiện đã phải bán đi 15 con do bị bong móng, viêm khớp và yếu sức do ảnh hưởng trong quá trình di chuyển chạy lũ. Chưa kể, nhiều ngày qua do 3,6 ha cỏ, ngô đều chết chưa thể khôi phục lại, ông Nhường phải sử dụng rơm, bã bia thay thế phần lớn lượng thức ăn xanh cho bò. Ông Trần Văn Nhường chia sẻ: Chăn nuôi bò sữa thời điểm này đúng là "khó chồng khó", thiệt hại cả về số lượng con, thức ăn, sản lượng sữa. Tôi đang cố gắng duy trì và hồi phục dần trở lại sản xuất, vì bò sữa đang là hướng đi chính trong phát triển kinh tế của gia đình.
Xã Mộc Bắc (Duy Tiên) nơi có đàn bò sữa lên đến gần 2.000 con (chiếm hơn 40% tổng đàn bò sữa của cả tỉnh) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính chung cả trong và sau lũ, đàn bò sữa trên địa bàn xã Mộc Bắc đã giảm đến 200 con. Cùng với đó, 80% trong tổng số 50 ha cỏ, ngô ngoài vùng bãi bị chết. Những bể ủ chua thức ăn xanh chỉ giữ được một phần, còn lại bị úng nước dẫn đến hư hỏng. Vì thế nguồn thức ăn xanh cho bò sữa tại địa phương đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Người chăn nuôi bò sữa tại Mộc Bắc phải tìm các loại khác thay thế tạm thời thức ăn xanh. Điều này tác động trực tiếp đến quá trình phát triển đàn, năng suất, sản lượng sữa khai thác và thu nhập của người dân. Chỉ tính riêng sản lượng sữa bò khai thác trên địa bàn hiện giảm đến hơn 30% so với thời điểm có đủ thức ăn xanh. Theo đánh giá của cán bộ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Mộc Bắc, tổng thiệt hại từ chăn nuôi bò sữa của địa phương do ảnh hưởng của bão lũ đầu tháng 9 vừa qua ước hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, bò sữa bị thải loại bán ra bằng 30% giá trị; diện tích cỏ, ngô thiệt hại 2,4 tỷ; lượng sữa bò giảm gây thiệt hại đến 42 triệu đồng/ngày (3 tấn sữa bò tươi)… Diện thiệt hại trải rộng ở hầu hết các trang trại chăn nuôi bò sữa vùng bãi ven sông Hồng của xã. Đây là khó khăn lớn nhất trong suốt quá trình 20 năm nuôi bò sữa của người dân Mộc Bắc.
Để ổn định chăn nuôi, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người chăn nuôi bò sữa vệ sinh chuồng trại, vệ sinh thú y, chữa trị bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bò sữa về nguồn thức ăn sơ thay thế, chế độ dinh dưỡng… Tuy nhiên, khó khăn của các vùng chăn nuôi bò sữa ven đê sông Hồng giai đoạn tiếp theo vẫn còn kéo dài vì thiếu nguồn thức ăn xanh. Do diện tích cỏ trồng ngoài bãi đã bị chết gần hết nên để khôi phục lại người dân phải tự nhân giống từ diện tích không nhiều trồng ở trong đồng và mua giống ở bên ngoài. Theo tính toán, khoảng 6 tháng sau mới phủ kín lại diện tích cỏ như cũ, nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho bò mới được ổn định. Với cây ngô đông đang được triển khai sản xuất, nhưng cũng bị chậm do đất ướt chưa thể xuống giống ngay. Khoảng 3 tháng nữa mới có cây ngô làm thức ăn xanh cho bò sữa. Hiện, các địa phương đang cùng người dân tháo gỡ những khó khăn, trong đó có khó khăn về nguồn thức ăn xanh; tập trung rút nước nhanh trên ruộng để khi thu hoạch xong lúa mùa có đất tổ chức trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho bò sữa…; liên kết với một số địa phương khác cung cấp thêm lượng cây ngô cần thiết trong giai đoạn chưa thể có cỏ. Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN & PTNT), công tác khắc phục khó khăn trong chăn nuôi bò sữa được triển khai đồng bộ từ ngành chức năng đến các địa phương và người dân, nhất là giải quyết nguồn thức ăn xanh thời gian trước mắt. Khâu vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc môi trường, chuồng trại được tăng cường. Ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tăng cường giám sát, phát hiện bệnh trên bò sữa để kịp thời xử lý…
Bò sữa vẫn được xác định là một trong những hướng đi chính trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục duy trì và phát triển đàn bò sữa theo hướng bền vững, cùng với nỗ lực của các địa phương và người chăn nuôi rất cần cơ quan chuyên môn hỗ trợ trong việc phát hiện, chữa trị kịp thời các loại bệnh phát sinh và công tác thụ tinh nhân tạo cho bò sữa. Đồng thời, hỗ trợ nguồn hạt giống cỏ để gieo trồng khôi phục lại diện tích đã mất, giúp bảo đảm nguồn thức ăn xanh chất lượng và ổn định cho quá trình chăn nuôi.
Mạnh Hùng