Đường đến đâu văn minh đến đấy

Tháng 8/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc tại tỉnh Hà Nam. Sau khi đi thực tế một số cơ sở sản xuất và địa phương, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư đánh giá cao những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời gợi mở những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh Hà Nam cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó có công tác quy hoạch phát triển hệ thống giao thông. Tổng Bí thư nêu rõ: “Hà Nam là một trung tâm rất nhiều đầu mối giao thông, đường thủy, đường bộ, đường sắt đi khắp các hướng. Đường đến đâu văn minh đến đấy rõ ràng như thế”. Từ quy hoạch chung tổng thể, Hà Nam cần “chú trọng đến việc mở rộng liên kết vùng, không nên loanh quanh khép kín trong 800 km2 này. Liên kết để bổ sung thế mạnh, khắc phục điểm yếu của tỉnh”.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, những năm qua, Hà Nam ưu tiên dành nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng khung giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải quốc gia và quy hoạch giao thông của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường trọng yếu trong khu vực, liên khu vực, các tuyến đường có tính kết nối vùng; đồng thời tập trung xây dựng mới hệ thống bến bãi, kho vận, trung tâm logistics đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm thôn Nam, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, ngày 2/8/2014. Ảnh: Chu Uyên

Ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông động lực, có sức lan tỏa, kết nối năm 2019 (giai đoạn 1) và cuối năm 2023 (giai đoạn 2), tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành xây dựng đưa vào hoạt động đã mang lại hiệu quả to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội không những đối với Hà Nam mà còn đối với  cả các tỉnh trong khu vực: giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển ra cảng Hải Phòng…

Ông Nguyễn Hùng Vũ (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) cho biết: Năm 2019, khi tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1) hoàn thành đã giúp cho các doanh nghiệp vận tải rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng Hải Phòng so với trước đây. Đặc biệt, thời gian gần đây tuyến đường này hoàn thành xây dựng mở rộng giai đoạn 2, việc đi lại càng trở nên thuận tiện hơn. Trước đây, do đường chỉ có 2 làn, có những thời điểm ùn ứ kéo dài, nhất là vào dịp cuối năm. Nay đường được mở rộng thông thoáng, giao thông hai chiều rất thuận lợi.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay qua nhiều kỳ đại hội, chủ trương xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề “mở rộng liên kết vùng”, “khắc phục điểm yếu của tỉnh”. Kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm tỉnh, đến nay, Hà Nam có nhiều dự án đã được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao như: Tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình; cải tạo nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa; Dự án nâng cấp, cải tạo ĐT493 đoạn Km0+00 – Km8+600... Có thể nói, đây là các tuyến đường động lực, liên kết vùng giúp “bổ sung thế mạnh, khắc phục điểm yếu của tỉnh” như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc tại Hà Nam.

Đường cao tốc Cầu Giẽ  - Ninh Bình qua địa bàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thế Trang

Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa (Bình Lục) cho biết, trước đây Bình Nghĩa là địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Bình Lục. Nhưng từ khi có đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy qua địa bàn nhân dân rất phấn khởi vì có điều kiện để phát triển. Hàng hóa thông thương, giá trị nông sản, đất đai trên địa bàn được nâng lên đã tạo thuận lợi cho xã phát triển về mọi mặt.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư thành mục tiêu phát triển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định “xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ” là một trong 3 khâu đột phá. Bảo đảm thực hiện thành công khâu đột phá thứ nhất này, tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng dịch vụ thương mại, logistics, du lịch… nhằm phấn đấu xây dựng Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Với mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nâng cao năng lực phục vụ của mạng lưới đường bộ, đáp ứng được mức tăng trưởng vận tải trung bình 11%-12%/năm, hiện nay, Hà Nam tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các trục đường Đông- Tây; củng cố mạng lưới đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn để tạo mạng lưới liên hoàn kết nối với đường quốc gia; chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường đô thị hiện có và xây dựng mới các tuyến đường trục chính trong các khu đô thị, các khu công nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng trình Trung ương quan tâm bố trí vốn và triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, tạo động lực phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, bảo đảm an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông như: Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý;  Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, kết nối hai di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (Hà Nam) và khu di tích lịch sử-văn hóa đền Trần (Nam Định); Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ đường vành đai 4-vành đai 5 qua QL38 đến QL21 huyện Kim Bảng; Dự án đầu tư xây dựng trục dọc Bắc-Nam (phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình), kết nối Hà Nam với các tỉnh Hưng Yên, Nam Định...

Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Đoàn Triệu

Với  kết cấu hạ tầng đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, những năm qua, Hà Nam luôn là địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nam có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 4 toàn quốc và thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Dọc các trục giao thông kết nối, tuyến đường động lực tỉnh đã hình thành và phát triển các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, đô thị tạo ra nhiều việc làm, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đường đến đâu văn minh đến đấy rõ ràng như thế”.

Có thể nói, sau 10 năm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hiện nay, giao thông của Hà Nam thực sự “đi khắp các hướng”. Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy