Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, năng lực quản trị có hạn… Đó là những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Thiên Sơn hoàn thiện kính cách âm, cách nhiệt.

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 5.500 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, trong đó có khoảng 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn lại 2% doanh nghiệp lớn, với tổng số vốn đăng ký hơn 70 nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh và thường xuyên giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gặp không ít khó khăn thách thức như: thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường, kỹ năng quản trị doanh nghiệp có hạn, chiến lược cạnh tranh chưa định hình rõ ràng, thiếu hệ thống kế toán chuẩn mực… dẫn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao.

Hơn nữa, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp không ít khó khăn về thủ tục hành chính, tình trạng gây phiền nhiễu của một số cán bộ công chức ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Trần Văn H., Giám đốc một doanh nghiệp dệt may ở Lý Nhân nói: Doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh  hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Còn ông Ngô Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Savina Hà Nam cho rằng: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về thông tin, định hướng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Nắm bắt ý kiến của các doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, xác định rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, tham mưu với UBND tỉnh tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Sở Công thương đưa Sàn giao dịch điện tử Hà Nam vào hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động khảo sát nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch giải ngân và tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với doanh nghiệp. Các ngân hàng cũng đã triển khai: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; thiết lập đường dây nóng; phối hợp với một số sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để cung cấp thông tin về nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong tháng 5/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hà Nam.

Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Hỗ trợ thủ tục hành chính; hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin, tư vấn; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh.

Trước mắt, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất mức hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến nay toàn tỉnh có khoảng 172 dự án của các nhà đầu tư trong nước có quy mô nhỏ và vừa tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN). Tổng diện tích đất các doanh nghiệp đã sử dụng là hơn 1,9 triệu m2, bằng 12% tổng diện tích đất công nghiệp trong các KCN, CCN đã cho thuê (diện tích bình quân là 11.282 m2/dự án). Trong số trên, tại các KCN có 95 dự án của nhà đầu tư trong nước có quy mô nhỏ và vừa, tổng diện tích đất sử dụng hơn 1,1 triệu m2, bằng 13,9% tổng diện tích đất trong các KCN (bình quân 11.698 m2/dự án).

Đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghệ cao đầu tư vào các KCN thuê đất trực tiếp của nhà đầu tư hạ tầng hoặc nhà xưởng của nhà đầu tư hạ tầng để sản xuất kinh doanh. Dự kiến mức hỗ trợ là 30% giá thuê mặt bằng tương ứng 10.296 đồng/m2/năm (nhưng không quá 100 triệu đồng/dự án/năm), chiếm 7,4% số nộp ngân sách của các doanh nghiệp nhỏ và vừa/m2 đất sử dụng/năm.

Theo kế hoạch dự kiến đến năm 2020 tổng diện tích đất các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng chiếm 13,9% tổng diện tích đất công nghiệp trong các KCN, tương đương 1,358 triệu m2 và số tiền hỗ trợ khoảng 11,6 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 11, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng hỗ trợ gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trong các KCN và CCN. Tuy nhiên, dự thảo đề nghị ban hành Nghị quyết không áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư trong các CCN vì hiện nay các CCN trong tỉnh đi vào hoạt động cơ bản đã được “lấp đầy”. Còn lại đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các KCN dự kiến đến năm 2020 có khoảng 116 dự án với tổng nộp ngân sách của các doanh nghiệp có thể đạt gần 189 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động.

Với hiệu quả kinh tế mang lại thì việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các KCN sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng trong thời gian tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc vươn lên sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh.

Trần Thoan           

Trần Thoan

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy