kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp

Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại hàng hóa đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội nếu sử dụng, bảo quản không đúng quy cách…Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp sử dụng VLNCN.

Thanh Tân (Thanh Liêm) là một trong những xã có nhiều doanh nghiệp hoạt động VLNCN đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Hiện toàn xã có 9 doanh nghiệp tham gia hoạt động VLNCN, tập trung nhiều nhất ở thôn Nam Công. Bình quân mỗi năm, các doanh nghiệp này sử dụng khoảng 850 tấn thuốc nổ.

Trao đổi với ông Đào Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, được biết, những năm trước đây, chính quyền xã luôn nhận được phản ảnh của người dân về việc doanh nghiệp nổ mìn thường xuyên gây rung chấn mạnh, ảnh hưởng đến công trình nhà ở. Khói bụi bao trùm khắp nơi khiến sinh hoạt, sản xuất rau màu của nhân dân gặp khó khăn.

Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây, các ngành chức năng, chính quyền xã đã tích cực vào cuộc nên thực trạng này đã được cải thiện đáng kể. Một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần đầu tư vật liệu xây dựng Hồng Hà, Công ty cổ phần khoáng sản Nam Hà… đã đầu tư hệ thống hút bụi công nghệ cao, đồng thời có đội ngũ công nhân thực hiện vệ sinh các tuyến đường sau mỗi lần nổ mìn, nhờ vậy đã giảm thiểu được tình trạng đất đá văng và khói bụi ảnh hưởng tới môi trường.

Nhiều doanh nghiệp chưa sử dụng hệ thống phun sương để hạn chế ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến đá.

Tương tự xã Thanh Tân, tại hầu hết các xã có hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh, người dân đều cho hay, tần suất nổ mìn của doanh nghiệp hiện nay đã hạn chế hơn nhiều so với trước đây. Hiện tượng nổ mìn với khối lượng lớn làm nứt tường nhà, trần nhà đã giảm.

Tuy nhiên, bụi bẩn từ việc khai thác đá vẫn làm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, hư hại cây cối, hoa màu... Có những đoạn mương phục vụ sản xuất nông nghiệp bị tắc do đá khai thác khiến nông dân gặp khó khăn về tưới tiêu cho đồng ruộng.

Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc quy định về hoạt động nổ công nghiệp; chưa chấp hành đúng cam kết về công tác vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp không sử dụng hệ thống nước phun sương để hạn chế bụi bẩn trong quá trình khai thác, chế biến đá mặc dù lãnh đạo các địa phương đã nhiều lần nhắc nhở…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp cung ứng và gần 80 doanh nghiệp hoạt động có sử dụng VLNCN, với trên 80 điểm sử dụng VLNCN, tập trung chủ yếu tại hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng.

Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 5/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý VLNCN; bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý hoạt động VLNCN, nhất là tại những địa điểm thường xuyên gây bức xúc trong nhân dân.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN cho cán bộ, công nhân làm việc tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương có doanh nghiệp hoạt động VLNCN tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý hoạt động VLNCN; quán triệt, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng VLNCN tới các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp có tham gia hoạt động VLNCN ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về hoạt động nổ công nghiệp…

Năm 2018, các doanh nghiệp sử dụng gần 9.400 tấn thuốc nổ các loại (tăng gần 30% so với năm 2017). Số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản có sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh không nhiều, nhưng do nhu cầu xây dựng nhà ở và các công trình ngày càng tăng khiến nhu cầu xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp cũng tăng lên.

Trước thực tế này, năm 2018, Sở Công thương đã thành lập và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát của Tổ Giám sát VLNCN nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác khoáng sản của doanh nghiệp, hạn chế tai nạn, sự cố đáng tiếc do thuốc nổ gây ra.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương) cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, Tổ Giám sát VLNCN đã tiến hành kiểm tra đột xuất và định kỳ 6 lần tại 5 doanh nghiệp hoạt động VLNCN trong tỉnh. Qua đó, đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Sơn Hữu và Công ty cổ phần Nam Kinh (huyện Thanh Liêm) do sai phạm trong lập hộ chiếu nổ mìn (thông tin trong hộ chiếu thể hiện chưa đầy đủ nội dung theo quy định, số liệu còn tẩy xóa…).

Nhờ siết chặt quản lý, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp được cấp giấy phép nổ công nghiệp đều hoạt động đúng mục đích, thực hiện nghiêm các quy định về thời gian nổ, lượng thuốc nổ trong mỗi lần khai thác, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ…

Hân Hân

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy