Nhiều doanh nghiệp lao đao do dịch Covid - 19

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) làm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Như đang “ngồi trên đống lửa” hiện nay là những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải; doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu với Trung Quốc, hay doanh nghiệp sử dụng lao động kỹ thuật cao là người Trung Quốc…

Doanh nghiệp vận tải mất cân đối thu - chi

Bến xe khách Vĩnh Trụ (Lý Nhân) thường xuyên duy trì hoạt động của gần 80 đầu xe chở khách các loại, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trong vùng. Thông thường, mỗi ngày có khoảng gần 50 lượt xe rời bến đi các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên... Sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm “ăn nên làm ra” của bến xe cũng như các doanh nghiệp vận tải do nhu cầu đi tham quan, du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, số lượng khách hàng và doanh thu trong tháng Giêng năm nay (tức tháng 2/2020) của bến xe giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2019. 

Nói về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Bến xe khách Vĩnh Trụ cho biết: Mặc dù nhà xe đã tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo về phòng dịch của Bộ Y tế, đồng thời phát khẩu trang, trang bị dung dịch nước rửa tay miễn phí cho nhân viên, khách đi xe, khách tới giao dịch… nhưng gần 3 tuần nay, nhiều xe xuất bến vẫn rất vắng khách. Có những chuyến xe rời bến chỉ với vài ba người. Thực tế này khiến không ít chủ xe đã phải bù lỗ do chi phí nhiên liệu, thuê lái xe. 

Trong hoàn cảnh tương tự, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch cũng như đang “ngồi trên đống lửa” khi doanh thu sụt giảm mạnh trong chính mùa cao điểm làm ăn. Qua trao đổi với ông Phạm Đức Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Du lịch Tiến Lâm, xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm) được biết, ngoài những tháng hè với lượng khách đi nghỉ mát, nghỉ dưỡng tăng cao thì những ngày đầu năm mới cũng chính là thời điểm được các doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển khách du lịch mong đợi nhất trong năm. 

Do nhu cầu đi du lịch tâm linh đầu năm tăng cao nên trong 3 tháng đầu năm 2019, công ty đạt mức doanh thu tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2018. Năm nay được dự đoán là sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, tuy nhiên, chúng tôi chỉ ký được vài ba hợp đồng trong và những ngày sau kỳ nghỉ Tết. Khoảng 3 tuần nay, khi dịch bệnh Covid – 19 có những diễn biến phức tạp hơn, gần như toàn bộ số xe của công ty phải dừng hoạt động.

Theo thống kê, tỉnh Hà Nam hiện có trên 20 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và vận chuyển khách du lịch, khoảng 400 doanh nghiệp vận tải. Theo đánh giá của ông Nguyễn Bạch Dương, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Phương tiện, người lái, Sở Giao thông vận tải, dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến cỗ máy hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải. Tháng 2, hầu hết doanh nghiệp vận tải không đạt mức doanh thu theo kế hoạch. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải “gánh” các khoản chi phí đầu ra như chi phí nhân công, lương lái xe, phụ xe, chi phí nhiên liệu, các khoản phí, thuế, lãi vay ngân hàng... Điều này khiến không ít doanh nghiệp vận tải mất cân đối thu - chi.

Dịch Covid - 19 đã làm cho ngành dệt may gặp khó khăn do không xuất được đơn hàng và không nhập được nguyên phụ liệu của Trung Quốc phục vụ sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần may Kinh Bắc (CCN Cầu Giát, Duy Tiên).

Hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất

Không chỉ doanh nghiệp vận tải, lữ hành gặp khó mà những doanh nghiệp ngành may mặc, sản xuất hàng điện tử, cơ khí, chế tạo... cũng đang phải hoạt động cầm chừng do sản phẩm không tiêu thụ được, thiếu nguyên liệu sản xuất hay thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao là người Trung Quốc. 

Đơn cử như tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tonghe Vina, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên), các khâu lắp ráp thủ công đang phải hoạt động cầm chừng. Hiện, công ty đang đứng trước nguy cơ không có nguồn nguyên liệu sản xuất, không hoàn thành các đơn hàng cũ cũng như không thể nhận thêm đơn hàng mới do hơn 50% nguyên phụ liệu phục vụ gia công bề mặt kim loại được nhập từ Trung Quốc. 

Không chỉ khó khăn về nguyên liệu đầu vào, dịch Covid-19 còn khiến Tonghe Vina phải tạm ngừng hoạt động gần 2 tuần trong tháng 2 do thiếu lao động kỹ thuật cao người Trung Quốc. Được biết, doanh nghiệp có 9 chuyên gia là người Trung Quốc thì mới có 3 chuyên gia trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, còn 6 chuyên gia chưa thể sang làm việc do dịch bệnh. Do thiếu chuyên gia Trung Quốc nên một số công đoạn sản xuất quan trọng như: kiểm tra chất lượng, đứng máy, nghiệm thu sản phẩm… phải thực hiện nhỏ giọt.

Trao đổi về khó khăn này, bà Trần Thị Nga, Quyền Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Tonghe Vina cho hay: Công suất hoạt động của công ty đã sụt giảm tới 70% so với ngày thường. Cán bộ, công nhân viên của Việt Nam dù đã được đào tạo nhưng vẫn chưa đủ trình độ, tay nghề để thay thế được chuyên gia Trung Quốc ở những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao. Hiện tại, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi dịch bệnh đi qua để đội ngũ chuyên gia Trung Quốc có thể sang làm việc và công ty sớm nhập được nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất.

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, kết quả tổng hợp báo cáo nhanh của các doanh nghiệp trong các KCN mới đây cho thấy, dịch bệnh Covid – 19 đang khiến một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không nhập được nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng như không xuất được đơn hàng. Có thể kể đến như Công ty TNHH Sebang Chain Vina (KCN Hòa Mạc, Duy Tiên), Công ty TNHH Dongjun Art Craft (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý), Công ty TNHH Pomme International, Công ty TNHH Gemtek Việt Nam (KCN Đồng Văn II, Duy Tiên),  Công ty TNHH Jeio Vina (KCN Đồng Văn IV, Kim Bảng)...

Đa số nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp này được nhập từ Trung Quốc vì giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh. Việc nhập khẩu thay thế các nguyên phụ liệu, linh kiện từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp khó do giá thành cao. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện sản xuất gia công, ít có doanh nghiệp sản xuất theo hình thức bán thành phẩm nên việc thay đổi nguyên liệu còn phụ thuộc vào phía đơn vị đặt hàng. Ông Đỗ Văn Huynh, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh nhận định: Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài thì nhiều doanh nghiệp có đối tác là khách hàng Trung Quốc cũng lâm vào cảnh khó khăn vì đối tác Trung Quốc chưa sang được Việt Nam hoặc đang bị cách ly do dịch bệnh.

Có thể thấy, dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như “sức khỏe” của nền kinh tế. Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng 2 tuy không bị giảm sút nhưng chỉ đạt mức tăng 0,3% so với tháng 1/2020 – đây là mức tăng chậm so với bình quân các tháng trong năm 2019 (tăng trên 1% mỗi tháng). 

Để không giảm sút chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong những tháng tiếp theo, ngành công thương sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó tham mưu với tỉnh có những giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Nguyễn Oanh

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy