Doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới tăng cao

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tăng nhanh và liên tục trong công nhân lao động thời gian gần đây đã tác động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Duy trì hoạt động trong tình trạng thiếu nguồn lao động, các doanh nghiệp đã linh hoạt trong việc xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó, chủ động thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ khác nhau của dịch bệnh. 

Bình thường, Công ty cổ phần  Happytex Việt Nam (xã Thanh Hà, Thanh Liêm) thường xuyên có 250 công nhân lao động làm việc. Thế nhưng, thời điểm này, công ty chỉ còn duy trì trên dưới 170 công nhân làm việc. Số lao động còn lại thuộc đối tượng là F0, F1 đang nghỉ điều trị Covid-19 và cách ly theo quy định.

Việc thiếu hụt đến 30% lao động trong thời gian cao điểm cần đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng của quý I/2022 khiến  Happytex Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó, Happytex Việt Nam vẫn cơ bản bảo đảm tiến độ sản xuất, đáp ứng thời gian giao hàng cho đối tác. 

Doanh nghiệp ứng phó với dịch Covid19 khi số ca nhiễm mới tăng cao
Công ty TNHH Dệt Hà Nam (KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý) nỗ lực duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện thiếu lao động do dịch Covid -19.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Happytex Việt Nam cho biết: Chúng tôi đã dự trù trước được tình huống số F0, F1 trong công nhân lao động có thể sẽ tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên đối với các đơn hàng, khi ký hợp đồng, Happytex Việt Nam đều đàm phán và đề nghị đối tác đồng ý cho công ty kéo dài thời gian giao hàng thêm 40 ngày so với  bình thường nhằm ứng phó với tình huống thiếu người làm do dịch bệnh. Qua rà soát, chúng tôi nhận thấy phần lớn lao động của công ty là người dân xã Thanh Hà. Theo đó, chúng tôi cũng đã xây dựng phương án sản xuất mới để duy trì hoạt động nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Khi số F0, F1 chiếm từ 50-70% số công nhân lao động trong công ty, tuỳ thuộc vào mong muốn, tình hình sức khoẻ của người lao động, chúng tôi sẽ vận chuyển máy móc, thiết bị đến từng hộ gia đình để công nhân làm việc tại nhà. Như vậy, vừa bảo đảm công tác phòng dịch, vừa duy trì được việc làm, thu nhập và bảo đảm tiến độ các đơn hàng.

Tương tự, số ca nhiễm Covid -19 trong công nhân lao động tăng nhanh trong những ngày gần đây cũng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh bị thiếu nhân lực trầm trọng.

Là một trong những doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động bị nhiễm Covid -19 nhiều nhất tại KCN Đồng Văn II, Duy Tiên, Công ty TNHH Yokowo Việt Nam – doanh nghiệp chuyên sản xuất và lắp ráp các thiết bị liên lạc trên xe có động cơ cũng đang triển khai phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh mới để thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Hiện với trên 1.500 công nhân lao động là đối tượng F0 phải nghỉ làm để điều trị bệnh, Yokowo Việt Nam chỉ còn khoảng 2.000 lao động đang làm việc.

Để hạn chế số ca nhiễm mới, bảo đảm duy trì hoạt động ổn định với số lao động còn lại, Yokowo Việt Nam đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn trưa, ăn ca để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đồng thời tăng giờ làm từ 8 tiếng lên 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đẩy nhanh hơn tiến độ sản xuất. Với những đơn hàng sắp đến thời hạn giao hàng, Yokowo Việt Nam nhờ đến sự trợ giúp của một số nhà máy sản xuất khác của Tập đoàn Yokowo tại Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Đặc biệt, Yokowo Việt Nam cũng đang nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại hơn để rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nhân lực, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. 

Ông Bùi Minh Dũng, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Yokowo khẳng định: Với nỗ lực không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chúng tôi tăng cường hoạt động của tổ an toàn Covid-19 trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nghi nhiễm, trường hợp nhiễm Covid-19 phát hiện tại nhà máy, chủ động thực hiện quy trình bàn giao, vận chuyển người mắc Covid-19 từ nhà máy về địa phương cư trú theo hướng dẫn của Sở Y tế; khuyến khích người lao động tự test nhanh tại nhà để bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc gần các ca bệnh…

Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh, tính từ ngày 20/9/2021 đến 17 giờ ngày 12/3/2022, các KCN trong tỉnh ghi nhận 10.454 ca nhiễm Covid-19 của 223 doanh nghiệp. Trong đó, riêng từ ngày 5/2 (tức mồng 5 Tết Nhâm Dần) đến hết ngày 12/3, các doanh nghiệp trong KCN có trên 9.300 ca nhiễm Covid-19. Một số doanh nghiệp có số công nhân lao động dương tính với Covid -19 tăng nhanh như: Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam với trên 1.600 ca nhiễm, Công ty TNHH Yokowo Việt Nam với trên 1.500 ca nhiễm, Công ty TNHH Gemtek Việt Nam với trên 1.000 ca nhiễm, Công ty TNHH NMS Việt Nam với trên 500 ca nhiễm…

Như vậy, tại một số doanh nghiệp, số lao động thuộc diện F0 đang phải nghỉ việc để điều trị bệnh đã lên tới 30-50% tổng số công nhân lao động. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về tiến độ sản xuất, các doanh nghiệp đang quan tâm thực hiện tốt công tác phòng dịch nhằm hạn chế số ca nhiễm mới. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid -19 cho công nhân lao động; chủ động thay đổi phương án sản xuất, kinh doanh… 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bá Tùng, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, BQL các KCN tỉnh đã và đang chủ động cập nhật văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 các cấp để kịp thời thông tin tới doanh nghiệp. Ngoài ra, BQL cũng đang đẩy mạnh việc rà soát, lập danh sách người lao động trong diện tiêm phòng vắc-xin Covid-19. Phấn đấu đến hết quý I/2022, 100% người lao động trong KCN được tiêm đủ liều vắc-xin theo kế hoạch của tỉnh. 
Để duy trì ổn định sản xuất trong tình hình số ca mắc Covid -19 liên tục gia tăng, nhiều doanh nghiệp đề xuất Bộ Y tế có quy định mới đối với các trường hợp F0 không triệu chứng có thể đi làm để bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời giảm gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, đề xuất Bảo hiểm xã hội ban hành hướng dẫn khung mẫu hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động thuộc diện F0; đối với các trường hợp F1, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo y tế địa phương ra quyết định cách ly kịp thời để người lao động có thể sớm trở lại làm việc và doanh nghiệp có cơ sở giải quyết chế độ cho người lao động.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy