Theo Sở Công thương, thời gian qua, tuy còn những khó khăn về hạ tầng, nhân lực, thị trường nhưng các doanh nghiệp (DN) trong các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh vẫn từng bước khẳng định hiệu quả hoạt động. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng thu ngân sách, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Công ty TNHH Dũng Chung (CCN Tiêu Động, Bình Lục) tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động địa phương.
Công ty TNHH Dũng Chung (CCN Tiêu Động, Bình Lục) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Khi mới thành lập, công ty chỉ vận hành một dây chuyền sản xuất và sử dụng chưa đến 10 công nhân lao động.
Do quy mô nhà xưởng nhỏ, nhân lực hạn chế, sản phẩm may của công ty chỉ phục vụ thị trường nội địa. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, giới thiệu thị trường, phối hợp đào tạo nghề cho người lao động, Công ty TNHH Dũng Chung đã dần khắc phục được những khó khăn về nguồn lực đầu tư, tích cực tìm kiếm thị trường. Đến năm 2011, công ty mở rộng quy mô xưởng sản xuất, sử dụng 50 công nhân và bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Đến nay, Công ty TNHH Dũng Chung đã có khoảng 200 công nhân, trong đó có trên 100 công nhân làm việc thường xuyên tại xưởng với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Ngô Văn Chung, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Chung, trong những năm qua, khó khăn lớn nhất của công ty là sự biến động liên tục về lao động. Để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn hàng cho xuất khẩu, công ty luôn chú trọng thực hiện tốt các chế độ, chính sách, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Cùng với đó, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mới đây, công ty đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất.
Để đẩy mạnh sản xuất, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong các CCN trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu khó tính ở khu vực châu Âu, châu Mỹ...
Theo Sở Công thương, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 16/17 CCN đang hoạt động với tổng diện tích trên 300 ha. Các CCN hiện đang thu hút 187 dự án đầu tư, tạo việc làm cho trên 12.000 lao động (giai đoạn 2015-2019, bình quân tăng 1.000 lao động/năm. Vấn đề môi trường được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện tốt.
Trong số 16 CCN đang hoạt động có 10 CCN đã lắp đặt hệ thống cung cấp nước sạch; 2 CCN đã xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, 8 CCN vận hành hệ thống chiếu sáng. Số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án vào các CCN trên địa bàn tỉnh tăng đều qua các năm. Doanh thu năm 2018 tại các CCN đạt gần 12.800 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 7% so với năm 2017. Nộp ngân sách của các CCN tăng khá. Năm 2018, các doanh nghiệp trong CCN đã nộp ngân sách khoảng 310 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.
Đánh giá về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp tại các CCN trong tỉnh, bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Những năm gần đây, hiệu quả sản xuất của các CCN đã có sự chuyển biến tích cực. Tại các CCN trong toàn tỉnh hiện có 29 doanh nghiệp có hàng hóa tham gia xuất khẩu. Năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đạt gần 324 triệu USD (chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).
Trong năm 2019, các CCN của tỉnh sẽ tiếp tục được hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, tạo bước đột phá trong phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Nguyễn Oanh
Nguyễn Oanh