Chương trình OCOP: Chuẩn hóa tiêu chuẩn và nâng cao chất lượng sản phẩm

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch, phát triển cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý, chính sách để thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Phú (bên trái), chủ cơ sở sản xuất gốm Quyết Thành Phú Thỏa ở thị trấn Quế, huyện Kim Bảng kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi giao cho khách hàng.

Theo kế hoạch, mục tiêu trong năm 2019, mỗi huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có từ 5-7 sản phẩm được đánh giá xếp hạng đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra, sẽ tiếp tục phát triển thêm các sản phẩm mới, đạt tiêu chuẩn; hỗ trợ hoàn thiện mẫu mã bao bì, logo, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu trí tuệ và công bố chất lượng đạt từ 60-70% sản phẩm đang được sản xuất tại các địa phương. Thông qua thực hiện Chương trình OCOP sẽ thúc đẩy việc củng cố, nâng cấp các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh hiện có.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) nhận định: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đang thực hiện Chương trình OCOP bước 2 (rà soát và đăng ký sản phẩm). Thực tế cho thấy, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm đến chương trình này.

Đến ngày 21/8/2019, mới có 2 huyện, thành phố đăng ký, đề xuất thẩm định các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Huyện Bình Lục đã gửi tờ trình đăng ký tham gia (đợt I) cho 1 HTX và 3 cơ sở sản xuất các sản phẩm rượu, kẹo lạc và bánh đa phở. Thành phố Phủ Lý đề xuất thẩm định 4 sản phẩm, gồm: bánh tráng chùm ngây, miến chùm ngây, phở chùm ngây và bún chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam có trụ sở ở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý.

Chương trình OCOP phải thực hiện theo chu trình 6 bước. Như vậy, sau khi đăng ký sản phẩm, các đơn vị sản xuất sẽ nhận phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện, cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá và phân hạng sản phẩm, trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Đối với những sản phẩm đang có lợi thế, đã có nhãn hiệu, việc thực hiện đúng chu trình 6 bước sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng đối với những sản phẩm mới đòi hỏi phải làm chặt chẽ từng bước. Do mới triển khai nên chương trình chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa. Nhiều cơ sở còn lúng túng không biết bắt đầu từ đâu và phải làm như thế nào.

Bà Trần Thị Yến, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Phủ Lý cho rằng, việc tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiểu về ý nghĩa khi tham gia chương trình OCOP là rất quan trọng. Vì chỉ khi hiểu ý nghĩa đó, các đơn vị mới chủ động tham gia chương trình, xây dựng kế hoạch và xác định phương án sản xuất một cách có khả thi. Có bước khởi đầu này cơ quan chức năng mới có căn cứ để hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển sản phẩm thông qua các bước tiếp theo.

Ngay khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm ở các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là sản phẩm làng nghề được định giá cao bởi yếu tố chất lượng, truyền thống và đã có chỗ đứng trên thị trường. Có điều, không phải sản phẩm nào cũng phát huy được thế mạnh. Mong muốn được hỗ trợ, phát triển thông qua Chương trình OCOP, nhiều chủ cơ sở vẫn còn trăn trở.

Ông Nguyễn Đức Phú, Chủ cơ sở sản xuất gốm Quyết Thành Phú Thỏa (thị trấn Quế, Kim Bảng) chia sẻ: Chúng tôi đang phải đối mặt với những thách thức lớn về thiếu nguồn lao động tay nghề cao, vốn đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất. Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất ở làng nghề, trước tiên phải tháo gỡ được những khó khăn đó.

Gốm Quyết Thành đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể, cũng như các sản phẩm được đăng ký bảo hộ về mặt sở hữu trí tuệ khác, gốm Quyết Thành được xem là có lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP. Có điều, việc quản lý, phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều địa phương (trong đó có gốm Quyết Thành) vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do vai trò quản lý của các tổ chức tập thể này còn mờ nhạt, khó khăn về kinh phí hoạt động, thiếu năng lực, kinh nghiệm tổ chức quản lý, thiếu tinh thần đoàn kết vì mục tiêu chung bền vững… Thêm vào đó, nhận thức của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn trong vấn đề bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa đúng và đầy đủ.

Các sản phẩm được bảo hộ thường chưa mang lại hiệu quả kinh tế ngay, mà đòi hỏi cần phải có sự tiếp tục đầu tư về kinh phí và thời gian nhất định. Tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để các đơn vị sản xuất hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất manh mún và tự phát, công nghệ lạc hậu là những trở ngại lớn trong việc nâng hạng tiêu chuẩn cho những sản phẩm hiện có.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Đăng, hiện nay, các địa phương đang chờ Trung ương ban hành bộ tiêu chí để đánh giá xếp hạng tiêu chuẩn sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đang rất cần chứng nhận sản phẩm OCOP để đưa sản phẩm của họ vào chuỗi phân phối trong siêu thị. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đánh giá, công nhận chất lượng sản phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường. Để được hưởng cơ chế hỗ trợ, đơn vị sản xuất nào khai thác thế mạnh địa phương sẽ có lợi thế hơn. Kinh nghiệm từ Quảng Ninh (tỉnh đi đầu trong việc thực hiện Chương trình OCOP) cho thấy, việc quan tâm phát triển những sản phẩm quy mô nhỏ là cần thiết.

Ở nông thôn, có thể một cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm, hoặc một sản phẩm có nhiều cơ sở sản xuất. Sản phẩm của đơn vị nào đạt tiêu chuẩn chất lượng sẽ được chứng nhận. Như vậy, với Chương trình OCOP, yếu tố tự chủ của mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Ngày 24/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1939 về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020. Theo đó, sẽ vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất... tích hợp các cơ chế chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP. Trong đó, bao gồm chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc hệ thống nhận diện thương hiệu; chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia hội chợ trong nước và thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao. Đây sẽ là khung chính sách quan trọng khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy