Nằm ven sông Châu, An Ninh (Bình Lục) từ lâu được biết đến là xã thuần nông. Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của xã có sự thay đổi căn bản. Hạ tầng nông thôn (điện, đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế…) được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Những thay đổi này có đóng góp rất lớn từ thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiện nay, An Ninh không còn đơn thuần chỉ trông vào sản xuất nông nghiệp như xưa. Xã đã chuyển đổi và đa dạng hóa ngành nghề theo hướng phù hợp với điều kiện của địa phương. Nổi bật là nghề may công nghiệp, có sự phát triển mạnh, trở thành nghề chính của số đông lao động nông thôn. Nghề may tại địa phương phát triển mạnh từ năm 2020 – 2021, khi dịch Covid - 19 bùng phát, người lao động không thể ra bên ngoài làm việc do hạn chế đi lại. Từ khó khăn đó, các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn dần được hình thành.
Có lợi thế giáp thôn Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) chuyên sản xuất hàng may mặc (quần, áo các loại…), phần lớn hàng may mặc của các cơ sở may công nghiệp tại xã đều được nhận từ thôn Sắc về gia công. Hiện trên địa bàn xã có hơn 90 cơ sở may công nghiệp có quy mô từ 5 lao động trở lên và 2 công ty may… Nhiều hộ làm dịch vụ, kinh doanh nhỏ lẻ tại nhà cũng sắm máy may nhận hàng về làm thêm để tăng thu nhập. Hiện cả xã có đến gần 1.700 lao động tham gia làm nghề may công nghiệp, chiếm 40% tổng số lao động trên địa bàn.
Cơ sở sản xuất của anh Trần Ngọc Tuấn (thôn An Thuận) hoạt động từ năm 2015 chỉ có 10 máy, đến năm 2021, anh phát triển lượng máy tăng lên gấp 2 lần do thu hút được nguồn lao động địa phương. Đồng thời, anh đầu tư thêm một số máy chuyên dụng để khép kín các công đoạn sản xuất sản phẩm may, như: máy cắt, máy vắt sổ… Như vậy, anh Tuấn chỉ nhận vải, mẫu mã từ cơ sở của thôn Sắc về và chủ động gia công toàn bộ để nâng cao lợi nhuận cũng như thu nhập cho người lao động.
Anh Tuấn tâm sự: Nghề may công nghiệp phát triển do có nguồn hàng gia công ổn định. Hàng quần áo gia công chủ yếu bán ở thị trường tự do không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương. Đây là hướng phát triển thu hút tốt nguồn lao động tại chỗ. Cơ sở may của gia đình luôn có hơn 20 lao động làm việc thường xuyên.
Cùng với nghề may, trên địa bàn xã An Ninh còn phát triển thêm một số nghề khác, như: Mộc, xây dựng, cơ khí… Phát triển đa dạng ngành nghề đã góp phần quan trọng giải quyết tốt việc làm cho lao động tại chỗ. Nghề may công nghiệp thu hút đa số lao động có tuổi đời từ khoảng 40 trở lên, không có điều kiện làm tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đồng thời tiết kiệm được chi phí đi lại cho người lao động. Những hộ làm may nhỏ lẻ tại nhà còn kết hợp làm thêm nhiều việc khác. Không những vậy nghề may công nghiệp còn tận dụng lao động cao tuổi cho các công đoạn phụ, như: Nhặt chỉ, thu dọn, vệ sinh nhà xưởng, nấu cơm phục vụ công nhân… Thu nhập của lao động làm nghề may công nghiệp tại An Ninh bình quân đạt 6 – 8 triệu đồng/người/tháng, nhiều lao động đạt hơn 10 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Định, lao động làm cho cơ sở của anh Trần Ngọc Tuấn cho biết: Trước đây tôi làm cho doanh nghiệp tại Nam Định, xa nhà hơn 10 km, thường đi sớm, về muộn, tiền xăng xe 400 – 500 nghìn đồng/tháng. Vào những ngày mưa, rét đi làm càng vất vả hơn. Về làm việc tại quê, cách nhà chưa đầy 1 km, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại rất nhiều. Do vậy, có điều kiện tập trung cho công việc, thu nhập cao hơn trước đây.
Ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển giúp kinh tế của xã An Ninh có bước thay đổi mới; giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp xuống còn hơn 20%, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng lên 40%, thương mại dịch vụ trên 39%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Thu nhập được nâng lên, người dân có điều kiện đóng góp nguồn lực cho quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), như: xây dựng đường điện chiếu sáng trên các trục đường trong khu dân cư, đổ bê tông lề đường. Các hộ tự xây dựng nhà kiên cố, tường rào khang trang, mua sắm trang thiết bị gia đình hiện đại… Hướng tới chuyển đổi số, người dân tự trang bị hệ thống phát wifi gia đình, điện thoại thông minh để áp dụng kết nối, trao đổi, giao tiếp, kinh doanh trên mạng, định danh điện tử, tham gia các dịch vụ công trực tuyến…
Theo ông Phạm Trọng Tâm, Chủ tịch UBND xã An Ninh, ngành nghề phát triển mạnh là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên. An Ninh hiện đã hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (năm 2023), hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.
Từ địa thế không thuận lợi, nằm cuối huyện (giáp tỉnh Nam Định), giao thông đi lại khó khăn, An Ninh đã chủ động biến khó khăn thành lợi thế chủ động liên kết trong sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Từ nguồn lực hiện có, địa phương đang tạo sức bật mới để tiến kịp sự phát triển chung của huyện và của tỉnh theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành nghề công nghiệp – xây dựng, dịch vụ một cách hiệu quả, bền vững.
Mạnh Hùng