Trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục được đánh giá là một trong những công nghệ nổi bật trong năm 2024. Bên cạnh đó, các xu hướng phát triển của công nghệ liên quan an ninh mạng, điện toán lượng tử, tự động hóa, metaverse… cũng được các chuyên gia dự đoán sẽ có những bước tiến vượt bậc trong năm 2024.
Sự phát triển mạnh mẽ của AI
Theo hãng nghiên cứu và tư vấn thị trường kỹ thuật số Gartner (Mỹ), năm 2024 tiếp tục sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ của AI. Gartner cho rằng, AI sẽ tạo ra 10% tổng số dữ liệu của thế giới vào năm 2025. Trong khi đó, Goldman Sachs nhận định, AI có thể góp phần giúp GDP toàn cầu tăng lên 7% trong 10 năm tới, tác động to lớn đến các doanh nghiệp và toàn xã hội.
Những bước phát triển gần đây của AI, trong đó có sự kiện công ty khởi nghiệp OpenAI ra mắt ứng dụng “đình đám” ChatGPT vào cuối năm 2022, cho tới mức tăng trưởng doanh thu nhanh chóng của “gã khổng lồ” Nvidia của ngành công nghiệp chip đã khiến mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với AI tăng vọt.
Microsoft, Nvidia, IBM, AMD, Google, Meta, Amazon, Alibaba, Baidu, ServiceNow, Intuit, Adobe và Salesforce là những cái tên nổi bật đã đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Các công ty khởi nghiệp như OpenAI, Hugging Face, Anthropic, Cohere, AlphaSense, Gong, Jasper, C3 AI, DeepMind, Databricks, Synthesis AI, Stability AI, Lightricks, Glean và Inflection được đánh giá chiếm ưu thế vượt trội trong nhóm các công ty mới nổi trong lĩnh vực AI.
AI sáng tạo là công nghệ đứng đằng sau sự thành công của ChatGPT vào năm 2023. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành của Viện Đổi mới và công nghệ châu Âu (EIT Digital) Federico Menna, AI có cảm xúc với các chức năng phát hiện và giải mã các tín hiệu cảm xúc của con người sẽ là xu hướng phát triển mới của công nghệ này trong năm 2024. Chuyên gia này cho rằng, AI có cảm xúc sẽ là chìa khóa cho ngành y tế trong tương lai khi cho phép những người mắc các bệnh mãn tính hay các vấn đề liên quan tuổi tác hoặc sức khỏe tâm thần có được cuộc sống tốt hơn.
Công nghệ theo hướng bền vững
Gartner dự đoán, một trong những xu hướng quan trọng khác của công nghệ trong năm 2024 đó là phát triển theo hướng bền vững, bao gồm công nghệ sạch, công nghệ xanh và công nghệ khí hậu. Báo cáo của Harvard Business Review chỉ ra rằng, việc cứu Trái đất khỏi thảm họa sinh thái chính là cơ hội trị giá tới 12 nghìn tỷ USD. Chỉ riêng việc đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như thực phẩm và nông nghiệp, thành phố, năng lượng và vật liệu, sức khỏe và hạnh phúc… đã đem tới những thay đổi to lớn. Các nhà khoa học kỳ vọng tái chế, xe điện, xây dựng, năng lượng xanh, công nghệ thu hồi carbon… sẽ là những lĩnh vực chiến lược, đạt được bước tiến nhảy vọt về công nghệ trong năm 2024, để góp phần hiệu quả vào mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.
Công nghệ vệ tinh vũ trụ được nhiều chuyên gia đánh giá có thể là xu hướng lớn tiếp theo trong năm 2024. Adam Niewinski, đồng sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm châu Âu OTB Ventures tin rằng, năm 2024 sẽ mang lại bước đột phá lớn hơn nữa trong công nghệ vũ trụ. Cũng như ngày nay mọi người nhắc nhiều tới AI, thời gian tới công nghệ vũ trụ sẽ được đề cập tới nhiều hơn.
Theo ông Niewinski, du hành vũ trụ không phải là xu hướng công nghệ phát triển nổi trội, mà là vệ tinh vũ trụ. Công nghệ vệ tinh cho phép con người phát hiện những gì đang xảy ra trên hành tinh như các thảm họa thiên nhiên, giúp con người dự đoán được các kiểu thời tiết, hiểu rõ hơn về tốc độ băng tan, cũng như cách thức mà con người nên quản lý tài nguyên nước. Dữ liệu không gian sẽ rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. Vệ tinh cũng có thể giúp ghi lại những thiệt hại về môi trường như trong các sự cố tràn dầu trên biển.
An ninh mạng và điện toán lượng tử
Cybersecurity Ventures dự đoán, tổn thất do tội phạm mạng gây ra sẽ chạm ngưỡng 10,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Trước các mối đe dọa ngày càng tăng nhanh này, các giải pháp công nghệ được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ dữ liệu trước các cuộc tấn công của tội phạm mạng. Các mối đe dọa mạng ngày càng trở nên tinh vi hơn, do đó cuộc cạnh tranh để tìm ra các giải pháp mới, hiệu quả, tận dụng các công nghệ đột phá như AI ngày càng trở nên gay gắt. Hệ thống quản lý tự động các mối đe dọa, bảo mật đám mây, quản lý danh tính, phân tích hành vi, bảo mật chuỗi khối… được dự đoán nằm trong những cải tiến an ninh mạng hàng đầu vào năm 2024.
Một số chuyên gia nhận định rằng, năm 2024 sẽ là năm điện toán lượng tử tạo ra bước nhảy vọt trong các lĩnh vực thiên về tính toán như AI, điện toán đám mây, mật mã, giải trình tự gen, khí tượng học, khoa học vật liệu, các mô hình tài chính và an ninh mạng…
Công nghệ mới nổi này sẽ giúp con người giải quyết các vấn đề phức tạp với tốc độ và quy mô mà trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Theo Fortune Business Insights, thị trường điện toán lượng tử được dự đoán sẽ tăng vọt từ 928,8 triệu USD vào năm 2023 lên 6,5 tỷ USD vào năm 2030. IBM, Microsoft, D-Wave Systems, IonQ, Rigetti, Intel, Honeywell, Alphabet, Alibaba, Nvidia và Baidu là những tập đoàn công nghệ hàng đầu đã đầu tư cho lĩnh vực điện toán lượng tử.
Tiến sĩ Axel Poschmann, người đứng đầu bộ phận đổi mới và bảo mật tại PQShield, một công ty khởi nghiệp an ninh mạng của Anh chuyên về các giải pháp an toàn lượng tử cho biết, Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) dự kiến sẽ công bố các tiêu chuẩn mật mã hậu lượng tử (PQC) cuối cùng trong năm 2024, đánh dấu sự hoàn tất của một dự án toàn cầu kéo dài 8 năm của cộng đồng mật mã. Tiến sĩ Poschmann cho rằng, việc công bố các tiêu chuẩn PQC sẽ là sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi an ninh mạng lớn nhất từ trước đến nay trong nỗ lực bảo vệ dữ liệu và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khỏi sự tấn công của máy tính lượng tử.
Tự động hóa và siêu kết nối
Năm 2024, tự động hóa công nghiệp được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển và đổi mới, được thúc đẩy bởi Internet vạn vật (IoT), AI, máy học, công nghệ 5G/6G… Các dữ liệu sẽ được AI phân tích theo thời gian thực để tối ưu hóa hoạt động hậu cần và dự báo chính xác nhu cầu, qua đó giúp giảm thời gian cũng như chi phí. Những đổi mới trong công nghệ quản lý chuỗi cung ứng sẽ đẩy nhanh dòng chảy hàng hóa. Tự động hóa cũng giúp giảm tình trạng hoạt động kém hiệu quả và dư thừa. Gartner dự báo, năm 2024 các tổ chức sẽ giảm được khoảng 30% chi phí hoạt động bằng cách sử dụng các giải pháp tự động hóa.
Mạng 5G cho phép kết nối nhanh hơn và đáng tin cậy hơn. Đây là thế hệ công nghệ không dây mới nhất, cung cấp tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp hơn. Với khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ cao, mạng 5G có tiềm năng cách mạng hóa cách con người sử dụng công nghệ. Một trong những ứng dụng hứa hẹn nhất của mạng 5G là lĩnh vực thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Với kết nối tốc độ cao do mạng 5G cung cấp, người dùng có thể trải nghiệm môi trường thực tế ảo và thực tế tăng cường một cách sống động và dễ dàng hơn trước.
Web 3.0 sẽ có thêm sức hút trong năm 2024, mở ra con đường phát triển cho các xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là metaverse và các thế giới ảo khác được xây dựng để tạo nên các trò chơi máy tính, các ứng dụng tương tác xã hội và trong cả hoạt động kinh doanh. Web 3.0 sẽ thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng metaverse trong các doanh nghiệp khi người dùng tìm kiếm các trải nghiệm trực tuyến được cá nhân hóa. Các thiết bị hỗ trợ VR và AR thế hệ tiên tiến, giá cả phải chăng giúp lĩnh vực này mở rộng, trong khi đó metaverse được dự đoán sẽ định hình lại các tương tác kỹ thuật số.
Theo nhandan.vn