Chương trình 60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday 2023 diễn ra từ 0 giờ ngày 1/12 đến 12 giờ ngày 3/12. Với mục tiêu tiếp cận khoảng 10 triệu người tiêu dùng, 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng bán hàng và 3 triệu đơn hàng được chốt, Ban tổ chức kỳ vọng chương trình năm nay sẽ tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh chung của lĩnh vực thương mại điện tử cũng như kinh tế số tại Việt Nam.
Những năm vừa qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng nóng, bình quân 16-30%/năm. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần tập trung định hướng lại cho phát triển thương mại điện tử theo hướng bền vững hơn.
Bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng
Theo báo cáo được Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11 vừa qua, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Ðông Nam Á trong hai năm liên tiếp (2022, 2023) và dự báo sẽ tiếp tục giữ được vị trí này trong năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD năm 2023 lên gần 45 tỷ USD năm 2025. Ðáng chú ý, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.
Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng 16-30%, dự kiến đạt mốc 20,5 tỷ USD vào năm nay. Trong sự phát triển chung này có đóng góp đáng kể từ chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam-Online Friday” do Bộ Công thương đứng ra tổ chức từ 10 năm nay.
Phó Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số (IDEA-Bộ Công thương) Nguyễn Thế Quang thông tin: Từ năm đầu tiên triển khai (2014) với chỉ khoảng 1.000 doanh nghiệp và hơn 3.000 sản phẩm khuyến mãi, tới nay, chương trình đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp với hơn 300 nghìn mặt hàng, sản phẩm giảm giá được cung cấp tới người tiêu dùng.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, gồm các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và các sàn thương mại điện tử như TikTokShop, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Oppo, Nagakawa, Sunhouse; các doanh nghiệp hỗ trợ hạ tầng thương mại điện tử như Viettel Post, VietnamPost, Napas; các ngân hàng và tổ chức thanh toán;… đều tích cực tham gia chương trình.
Năm nay, IDEA đã phối hợp với các bên liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chuỗi các hoạt động diễn ra trong sự kiện, gồm “Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia” với nhiều hội thảo trực tiếp và trực tuyến về thương mại điện tử, công nghệ số cũng như nhiều hoạt động tương tác khác với người tiêu dùng. Hoạt động “60 giờ Ngày mua sắm trực tuyến” cũng tiếp tục được triển khai, cung cấp mã giảm giá mua sắm cho người tiêu dùng toàn quốc.
Ðáng chú ý, chương trình năm nay sẽ tập trung vào hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, hướng đến xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng thông qua các khuyến mại thực chất và sự đồng hành nghiêm túc của các nhãn hàng, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử lớn và các nền tảng hỗ trợ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho rằng: Online Friday là ngày hội không chỉ của người tiêu dùng mà còn cho cả những người làm thương mại điện tử tại Việt Nam. Hashtag #OnlineFriday2023 sẽ được triển khai trong suốt thời gian diễn ra sự kiện và với sự đồng hành của các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, hashtag này hứa hẹn sẽ đạt được 1 tỷ lượt xem trong chiến dịch.
Ðặc biệt, Ban tổ chức đã chốt thông điệp trọng tâm năm 2023 là bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều hội thảo, diễn đàn diễn ra trong khuôn khổ Chương trình đều xoay quanh trọng tâm tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Và khi người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm với thương mại điện tử, sự tăng trưởng lĩnh vực này chắc chắn sẽ có những bước đột phá hơn nữa trong thời gian tới.
Chuyển hướng sang thương mại điện tử xanh
Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (thuộc Bộ Công thương) Nguyễn Quỳnh Anh chia sẻ: “Chúng tôi ý thức việc bảo vệ người tiêu dùng cần triển khai trong toàn bộ quá trình mua sắm trực tuyến. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 vừa được Quốc hội phê chuẩn đã được cập nhật nhiều điểm mới để bắt kịp xu thế tiêu dùng của thương mại điện tử.
Ðó là điều khoản yêu cầu nhiều trách nhiệm hơn từ các sàn thương mại điện tử, nền tảng số và cả người nổi tiếng (bao gồm cả các KOL), cung cấp cho người dân đầy đủ thông tin cần thiết, dấu hiệu nhận biết rõ ràng về sản phẩm, kèm theo các điều kiện giao dịch, thanh toán, vận chuyển, hoàn trả cụ thể”.
Trong quá trình thực hiện giao dịch, cơ quan quản lý nhà nước cũng có các hoạt động phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang để bảo vệ người tiêu dùng.
Theo chiều dọc, từ Bộ Công thương đến các sở công thương địa phương đều có bộ phận quản lý thương mại để hỗ trợ giải quyết thắc mắc của người tiêu dùng; các Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng thành lập ở 55 tỉnh, thành phố, giúp người tiêu dùng có thể liên hệ bất cứ lúc nào để tìm hiểu thông tin về hàng hóa.
Theo chiều ngang, giữa các đơn vị của Bộ Công thương như IDEA, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia,… luôn phối hợp để tạo thành mạng lưới hỗ trợ người tiêu dùng bất cứ lúc nào trong quá trình mua sắm.
Sau giao dịch, cơ quan quản lý đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán hàng phải thiết lập kênh tiếp nhận thông tin khiếu nại của người tiêu dùng. Riêng Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng có tổng đài 1800.6838 hoạt động từ năm 2022 và đến nay đã nhận khoảng 1.500 khiếu nại. “Con số này tuy còn ít, nhưng các doanh nghiệp đều đã xử lý tương đối tốt các khiếu nại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”, bà Quỳnh Anh thông tin.
Phó Cục trưởng IDEA Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết: Ðể tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, IDEA đã triển khai nhiều nhóm giải pháp tổng thể, xuyên suốt nhằm quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử.
Nhóm thứ nhất là tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Nhóm thứ 2 xúc tiến hợp tác quốc tế trong quản lý hoạt động thương mại điện tử. Nhóm thứ 3 là xây dựng công cụ quản lý ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường hiệu lực quản lý. Nhóm thứ 4 là thanh tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cuối cùng là nhóm đẩy mạnh triển khai các dịch vụ hỗ trợ trong thương mại điện tử như giảm chi phí logistics, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường liên kết vùng hay tổ chức các chương trình lễ hội mua sắm như Online Friday.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Trần Văn Trọng nhận định: Thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển nhanh, có nhiều lợi thế nhưng không thể “nóng” mãi được. VECOM đang phối hợp cùng IDEA xây dựng chiến lược giai đoạn mới của thương mại điện tử là phát triển bền vững, tập trung vào 3 trọng tâm trụ cột.
Trụ cột thứ nhất là sẵn sàng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử bởi khi nhu cầu ứng dụng thương mại điện tử và kinh tế số tăng thì nhu cầu nguồn nhân lực cho các hoạt động này chắc chắn tăng theo. Trụ cột thứ 2 là phát triển thương mại điện tử nhằm thu hẹp khoảng cách số.
Theo thống kê, quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 70%); 30% phân bổ cho 61 tỉnh, thành phố còn lại. Nhưng chính các địa phương này lại có đông dân số và nhu cầu thương mại rất lớn. Dư địa cho phát triển thương mại điện tử chính là ở các địa phương còn “đi sau” này và phải có cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tại đây ứng dụng, tiếp cận thương mại điện tử.
Trụ cột thứ 3 là phát triển thương mại điện tử xanh. Thực tế, cuộc sống hiện hữu quanh đời sống con người, thương mại điện tử đã và đang tạo ra lượng lớn rác thải nhựa hoặc khí thải từ các phương tiện giao nhận hàng hóa.
Vì thế, chuyển đổi xanh phải đến từ hai phía, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen sử dụng và mua sắm hàng hóa theo hướng xanh, tạo ra tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Theo nhandan.vn