kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
NASA phóng vệ tinh nghiên cứu hệ sinh thái Trái Đất

NASA phóng vệ tinh nghiên cứu hệ sinh thái Trái Đất

Ngày 8/2, vệ tinh khí tượng mới nhất của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã được phóng thành công lên quỹ đạo, với mục đích theo dõi các đại dương và bầu khí quyển Trái Đất một cách chi tiết nhất từ trước tới nay.

NASA phóng vệ tinh nghiên cứu hệ sinh thái Trái Đất
Tên lửa đẩy Falcon 9 mang theo vệ tinh PACE rời bệ phóng tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida, ngày 8/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, công ty SpaceX đã phóng thành công vệ tinh PACE trị giá 964 triệu USD lên quỹ đạo Trái Đất. Vệ tinh sẽ dành ít nhất 3 năm nghiên cứu bầu khí quyển cũng như đại dương từ khoảng cách 676 km, trong đó sử dụng hai thiết bị khoa học quét toàn bộ Trái Đất mỗi ngày và một thiết bị khoa học còn lại để thực hiện các phép đo hàng tháng.

PACE được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giới khoa học cải thiện khả năng dự báo bão và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác, nêu chi tiết những thay đổi của Trái Đất mỗi khi nhiệt độ gia tăng và dự đoán tốt hơn thời điểm xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa. Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi mật độ tế bào vi tảo phát triển đến hàng triệu tế bào/lít, gây ra rất nhiều vấn đề cho hệ thống thủy sinh. Các nhà khoa học nhiều khả năng sẽ bắt đầu nhận được dữ liệu từ PACE trong khoảng 1 - 2 tháng tới.

Tuy NASA đã sở hữu hơn 20 vệ tinh và thiết bị quan sát Trái Đất trên quỹ đạo, song PACE sẽ mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về các hiện tượng ảnh hưởng đến bầu khí quyển như ô nhiễm, tro núi lửa hay các cách sinh vật biển như tảo, sinh vật phù du tương tác với nhau.

Theo nhà khoa học thuộc dự án Jeremy Werdell, đây sẽ là một góc nhìn “chưa từng có” về hành tinh của con người. Giám đốc khoa học Trái Đất của NASA Karen St. Germain nhận định góc nhìn của PACE sẽ rất khác so với những gì các vệ tinh khác quan sát được.

PACE là sứ mệnh tiên tiến nhất từng được triển khai phục vụ nghiên cứu về sinh học đại dương. Theo Werdell, các vệ tinh quan sát Trái Đất hiện nay chỉ có thể nhìn thấy 7 hoặc 8 màu, song với PACE là 200 màu sắc. Điều này cho phép các nhà khoa học xác định chi tiết các loại tảo dưới biển và các loại hạt tồn tại trong không khí.

NASA đang hợp tác phát triển một vệ tinh quan sát Trái Đất tiên tiến khác với Ấn Độ. Vệ tinh với tên gọi Nisar này sử dụng radar để đo lường tác động của tình trạng nhiệt độ gia tăng đối với các dòng sông băng và bề mặt băng giá đang tan chảy khác, dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay.

Theo baotintuc.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy