Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có thể xác nhận sự sống ngoài hành tinh vào năm 2030 khi phóng con tàu trị giá 178 triệu USD lên mặt trăng của Sao Mộc.
Theo tờ Daily Mail, vào tháng 10 tới, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ sẽ phóng tàu Europa Clipper trong hành trình kéo dài 5,5 năm rưỡi tới Europa - một trong nhiều mặt trăng của Sao Mộc. Tại đây, các nhà khoa học sẽ dành 4 năm để nghiên cứu mặt trăng băng giá này.
Một nghiên cứu mới đã phân tích các thiết bị trên tàu Europa Clipper và phát hiện ra rằng chúng có khả năng thu thập tế bào sống trong một hạt băng nhỏ từ các đại dương trên Europa.
Cụ thể, nhóm nhà nghiên cứu do Đại học Washington dẫn đầu đã xác định rằng các công cụ này có thể phát hiện vi khuẩn ở một trong số hàng trăm nghìn hạt băng, và xác định các hóa chất là thành phần chính của sự sống trên Trái Đất.
Ông Fabian Klenner, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi đã nhận định rằng ngay cả một phần nhỏ tế bào cũng có thể được xác định bằng máy quang phổ khối trên tàu vũ trụ. Kết quả nghiên cứu giúp chúng tôi tự tin hơn rằng bằng cách sử dụng các công cụ sắp tới, chúng tôi sẽ có thể phát hiện các dạng sự sống tương tự như trên Trái Đất có khả năng hiện diện trên các mặt trăng chứa nước”.
Nghiên cứu mới tập trung vào một loại vi khuẩn phổ biến mang tên Sphingopyxis alaskensis, được tìm thấy ở vùng biển ngoài khơi Alaska. Các nhà nghiên cứu đã chọn mẫu vật này vì nó cứng và có khả năng cao tồn tại trong môi trường lạnh giá với ít chất dinh dưỡng. Đây đều là những đặc điểm cần thiết để sinh tồn trên Europa.
Dự kiến máy phân tích bụi SUrface (SUDA) của Europa Clipper sẽ thu thập các hạt băng và xác định thành phần hóa học.
"SUDA có khả năng độc đáo trong việc phát hiện muối trong bụi/hạt băng. Tốc độ và hướng của các hạt băng này sẽ cho SUDA biết nguồn gốc của chúng trên bề mặt Europa”, NASA cho biết trong một tuyên bố.
Tác giả cao cấp Frank Postberg, giáo sư khoa học hành tinh tại Đại học Freie Berlin, cho biết: “Với thiết bị phù hợp, chẳng hạn như SUDA trên tàu thăm dò không gian Europa Clipper của NASA, việc tìm thấy sự sống hoặc dấu vết của sự sống trên các mặt trăng băng giá có thể dễ dàng hơn chúng ta nghĩ”.
NASA đã chọn nghiên cứu Europa vì mặt trăng này chứa nhiều nước và các chất dinh dưỡng cụ thể chứng minh rằng mặt trăng này hỗ sợ sự sống.
Trước đó, các nhà khoa học đã xác định rằng để tồn tại sự sống, hành tinh đó cần có 3 yếu tố chính: nhiệt độ cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, sự hiện diện của các phân tử dựa trên carbon và năng lượng đầu vào, chẳng hạn như ánh sáng Mặt Trời. Và Europa dường như sở hữu tất cả những yếu tố đó.
Europa có đường kính 3.100 km, bằng khoảng 90% đường kính Mặt Trăng của Trái Đất.
Tổng cộng có 5 tàu vũ trụ đã đến thăm hành tinh xa xôi này. Tuy nhiên, tàu Europa Clipper trang bị những thiết bị mạnh mẽ nhất và được phát triển với mục tiêu tìm kiếm sự sống.
Phần thân chính của Europa Clipper là một mô-đun đẩy khổng lồ cao hơn 3 mét, do Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (APL) ở Maryland thiết kế và chế tạo. Tàu vũ trụ này sẽ được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy thuộc công ty của Elon Musk từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida.
Theo baotintuc.vn