TECHFEST VIETNAM 2024 nhấn mạnh việc đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các chủ đề: tạo tác động xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng như tạo nền tảng thiết lập liên hiệp các quốc gia khởi nghiệp sáng tạo.
Trong khuôn khổ Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo, ngày 19/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phát động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia - TECHFEST VIETNAM 2024.
TECHFEST là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN và một số bộ, ngành trung ương, tổ chức chính trị xã hội hướng đến nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững; khuyến khích cộng đồng chung tay đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KH&CN, chủ đề của TECHFEST mỗi năm đều gắn liền với những vấn đề cần tập trung xử lý trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút sự quan tâm và chung tay của cộng đồng trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả, tức thời.
TECHFEST VIETNAM 2024 sẽ được tổ chức tại Hải Phòng, nhằm tổng kết hoạt động và trình diễn những công nghệ, mô hình kinh doanh nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2024 cũng như trong suốt hành trình 10 năm TECHFEST từ năm 2015. Qua đó, nhấn mạnh việc đưa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế, đặc biệt trong các chủ đề: Tạo tác động xã hội, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng như tạo nền tảng thiết lập liên hiệp các quốc gia khởi nghiệp sáng tạo.
Dự kiến sẽ có gần 150 hoạt động được tổ chức xuyên suốt từ nay đến thời điểm tổng kết tại TECHFEST Quốc gia với sự tham gia của gần 30 làng công nghệ.
Trong khuôn khổ TECHFEST Quốc gia sẽ có Hội nghị thượng đỉnh Khởi nghiệp Công nghệ cao và Kỳ lân Châu Á với sự tham gia của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo kỳ lân (unicorn) và có tiềm năng trở thành kỳ lân (soonicorn) tại Châu Á.
Ngoài ra còn có Hội nghị quốc tế về Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quan trọng từ trung ương đến địa phương, UNDP, ADB, USAID, Worldbank, …
Theo Bộ KH&CN, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái.
Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương. Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia.
Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Việt Nam vẫn chưa xuất hiện thêm kỳ lân mới./.
Theo dangcongsan.vn