kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đột phá từ ứng dụng khoa học-công nghệ

Đột phá từ ứng dụng khoa học-công nghệ

Những kết quả mang lại từ việc ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho Thành phố Hồ Chí Minh. Các thành tựu này còn tạo ra tiền đề để địa phương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đột phá từ ứng dụng khoa họccông nghệ
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Những năm gần đây, hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 đã xác định “phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động” là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để phát triển thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo để xây dựng thành phố thông minh, phục vụ chương trình chuyển đổi số, cải cách hành chính; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục…

Điển hình là nghiên cứu “Công nghệ bê-tông in 3D dùng cho công trình xây dựng” của các nhà khoa học Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học tạo ra vật liệu bê-tông in 3D tạo hình hướng đến ứng dụng cho xây dựng ở hai mảng: In 3D tường công trình xây dựng dân dụng; in 3D tạo hình mặt dựng trang trí công trình.

Để tạo ra vật liệu bê-tông in 3D, nhóm sử dụng hệ nguyên liệu bao gồm xi-măng PC50, tro bay loại F, silicafume (SF), sợi Polypropylene (PP), cát, nước, phụ gia điều chỉnh độ nhớt (VMA) và phụ gia siêu dẻo. Sản phẩm công nghệ vật liệu bê-tông in 3D có lợi thế hơn so với công nghệ thi công truyền thống về tiến độ (nhanh hơn gần 80%) và giá thành xây dựng (giảm khoảng 20%) khi thi công phần thô trên cùng một thiết kế công trình xây dựng.

Ngoài ra, công nghệ in bê-tông 3D có điểm nổi bật là có thể thi công được những công trình có thiết kế nghệ thuật và phức tạp mà việc thi công truyền thống hầu như không thể thực hiện được, giảm đáng kể chất thải xây dựng, có thể tận dụng các chất thải rắn (tro xỉ nhiệt điện, xà bần xây dựng, thạch cao...).

Một nghiên cứu khác của Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kỹ thuật thương mại Nhất Tinh (Nhất Tinh), Quận 4, mang tính thực tiễn ứng dụng cao cho ngành cơ khí đúc chính xác, đó là “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý cổ rót và làm sạch ba-via biên dạng 3D chi tiết đúc”.

Sản phẩm của nghiên cứu này bao gồm những máy công cụ (gia công cơ khí), điều khiển CNC (điều khiển số), robot ứng dụng trong công nghiệp gia công đúc được tự động hóa với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng, giá thành hợp lý. Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài đánh giá kết quả nghiên cứu góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa làm chủ công nghệ để cạnh tranh và thay thế các nhà cung ứng nước ngoài.

Ưu điểm của “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý cổ rót và làm sạch ba-via biên dạng 3D chi tiết đúc” là có chức năng và thông số kỹ thuật tương đương hệ thống nhập ngoại, giá thành thấp hơn sản phẩm nhập khẩu, có chế độ bảo hành trong nước, có cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở gia công cơ khí thử nghiệm, tìm hiểu trước. Các sản phẩm của nghiên cứu cũng có thể được theo dõi và điều chỉnh để hoàn thiện hơn theo từng quy trình sản xuất cụ thể, qua đó vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần tự động hóa sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở gia công cơ khí.

Đồng thời, doanh nghiệp ứng dụng các sản phẩm cũng dễ có điều kiện cải tiến công nghệ, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành đúc kim loại.

Theo thống kê, hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố là nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. Hiện, thành phố có gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; hơn 100 quỹ đầu tư mạo hiểm, 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…

Từ đó, có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố ngày càng lớn mạnh và đang tiến gần đến tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Đến nay, thành phố được xếp hạng 114/1.000 thành phố có hệ sinh thái năng động toàn cầu, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về giá trị hệ sinh thái, với tác động kinh tế lên đến 5,22 tỷ USD.

Bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Thành phố có ưu thế trong phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bởi có nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm, tập trung nhiều doanh nghiệp, thị trường lớn với nhiều khách hàng sẵn sàng trải nghiệm công nghệ và sản phẩm mới.

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố tập trung vào chính sách nâng cao năng lực cho cộng đồng đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhằm kết nối các thành phần trong hệ sinh thái này, đồng thời chú trọng thực hiện các chương trình ươm tạo và hỗ trợ tăng tốc các dự án ươm tạo thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng theo các chuyên gia, sự phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thật sự bứt phá, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đề ra. Đầu tư của xã hội cho khoa học-công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học-công nghệ. Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được xem là “chìa khóa” để tháo gỡ những khó khăn này.

Nghị quyết số 98 có bốn nhóm được thành phố hỗ trợ trong hoạt động khoa học-công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là nhóm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học-công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn thành phố…; nhóm chính sách thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo; nhóm chính sách hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; nhóm chính sách về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học-công nghệ công lập, thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ .

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy