Các chuyên gia chỉ ra nhóm chất ô nhiễm mới nổi sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, dệt may, mỹ phẩm rình rập sức khỏe con người, gây rối loạn nội tiết, dậy thì sớm.
Thông tin được chia sẻ tại hội thảo quốc tế "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người", do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Quỹ VinFuture tổ chức sáng 19/6. Chương trình thuộc chuỗi sự kiện kết nối khoa học công nghệ InnovaConnect năm 2024. Đây là sáng kiến của Quỹ VinFuture nhằm tăng cường giao lưu học thuật, trao đổi chuyên môn và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học uy tín thế giới với các viện, trường hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tại hội thảo, GS Ming Hung Wong, Đại học Giáo dục Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo về tác động tiềm ẩn chất hai hóa chất Bisphenol A (BPA) và phthalates trong nhựa dùng hàng ngày gây hại sức khỏe. Ông cho hay, BPA là một thành phần chính trong nhựa, trong khi phthalates được thêm vào để tăng độ bền và tính dẻo. Trước đây BPA thường được tìm thấy trong chai nước, bình sữa em bé (hiện nay đã ít hơn), hộp đựng thực phẩm và lớp lót của lon thực phẩm và đồ uống. Phthalates có trong nhiều sản phẩm như sàn nhựa vinyl, đồ chơi nhựa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân (kem dưỡng da, dầu gội, son môi), thậm chí một số đồ uống như chất tạo độ đục.
Tại Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 15 năm trước, việc có chất phthalates được phát hiện có trong đồ uống từng gây quan ngại lớn. "Chúng từng được cho thêm vào đồ uống như trà sữa vì giá rẻ và tạo ra vẻ ngoài có màu đục hấp dẫn", ông Ming Hung Wong nói. Phthalates được ưa chuộng vì hiệu quả về chi phí, song điều quan ngại là các hóa chất này có thể ngấm vào đồ uống và thực phẩm con người tiêu thụ. Các hóa chất này đều được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết, can thiệp vào chức năng nội tiết tố gây ảnh hưởng khả năng sinh sản ở người và động vật. Chúng cũng đồng thời gây ra các vấn đề về phát triển như dậy thì sớm ở trẻ em gái, chậm lớn ở bé trai. Bên cạnh đó các hóa chất này gây tác động đến sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch, tác động gan, thận, phổi...
Thông qua kết quả từ ba dự án, giáo sư đầu ngành lĩnh vực khoa học môi trường chỉ ra những các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng quá mức và sử dụng sai mục đích nhựa và các hóa chất độc hại. Ông dẫn ví dụ về túi nhựa đi kèm đồ uống và thực phẩm, như túi đựng bánh mì, bánh ngọt và bánh bao, hay việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa... có thể làm tăng nguy cơ các hóa chất này "ngấm" vào thức ăn, đồ uống.
GS Ming Hung Wong cho hay cần thực hiện các biện pháp quản lý bền vững nhằm giảm thiểu tác động bất lợi các hóa chất này. Ông gợi ý giảm ô nhiễm công nghiệp bằng cách đặt ra các quy định, áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn và cải thiện hệ thống quản lý chất thải.
"Chúng ta nên đặt mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và tái chế chất thải trong điều kiện an toàn. Đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và giáo dục công chúng cũng là những bước quan trọng", ông nhấn mạnh.
PGS. TS Từ Bình Minh, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội, đồng tình. Ông dẫn kết quả nghiên cứu phát hiện hàm lượng cao của nhóm chất mới nổi EDCs như Phthalates, siloxanes, bisphenols A được sử dụng trong nhiều sản phẩm nhựa, dệt may, mỹ phẩm (dầu gội đầu, chất tạo bóng) hay phụ gia nhiên liệu.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học tự nhiên thực hiện quan trắc bằng cách thu thập 9 loại mẫu môi trường, thu thập hơn 2.650 mẫu tại điểm nóng ô nhiễm. Nghiên cứu sàng lọc hơn 900 chất ô nhiễm hữu cơ trong mẫu không khí bị động và bụi lắng bằng phương pháp định tính và định lượng tự động dùng có sở dữ liệu khối phổ (GC-MS). Kết quả chỉ ra các hóa chất dân dụng (phthalates, chống oxi hóa...) chiếm hàm lượng cao trong không khí. Nhóm chất phthalates và siloxanes trong không khí trong nhà gấp 2-6 lần so với ngoài trời, đặc biệt cao vượt trội tại các tiệm làm tóc, nhà ở.
"Liều lượng hấp thu của các nhóm chất này đối với trẻ em cao hơn so với người lớn do trọng lượng cơ thể thấp, cho thấy mức rủi ro phơi nhiễm cao hơn đối với nhóm trẻ em", ông nói.
GS Minh cũng cho hay Việt Nam đặc biệt quan tâm nghiên cứu về hợp chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) và các chất gây rối loạn nội tiết (EDCs). Việt Nam đã huy động thành công hơn 16 triệu USD trong nâng cao năng lực xử lý chất ô nhiễm thông qua hàng loạt dự án. Đặc biệt chương trình nghiên cứu Quan sát Vẹm Xanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giúp làm sáng tỏ bức tranh tổng thể về ô nhiễm POPs, cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu DDTs cao trong hầu hết các mẫu môi trường ở Việt Nam. Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy các khu vực thu gom tái chế thủ công chất thải rắn như chất thải điện tử, nhựa và phương tiện giao thông cũ là nguồn phát thải đáng kể của các chất chống cháy PBDEs và nhóm PAHs với hàm lượng cao trong mẫu môi trường và mẫu sinh phẩm người.
Theo ông kinh nghiệm thu được từ chương trình nghiên cứu toàn cầu thành công cho thấy xu hướng cần ưu tiên là tập hợp mạng lưới các phòng thí nghiệm chất lượng cao trong quy mô khu vực và toàn cầu.
GS Kenneth Leung, Đại học Thành phố Hong Kong (Trung Quốc) giới thiệu giải pháp giám sát các chất gây ô nhiễm ưu tiên và các chất gây ô nhiễm hóa học đáng lo ngại mới (CEC). Với nguyên tắc "đo lường để cải thiện", ông dẫn chứng thành tựu nghiên cứu ô nhiễm biển và độc học sinh thái ở Hong Kong trong 30 năm qua, đồng thời nêu trường hợp thực tế cho thấy cải thiện chất lượng môi trường thành công nhờ các biện pháp can thiệp quản lý đối với các chất gây ô nhiễm ưu tiên (chất ô nhiễm nguy hại) và mới nổi.
Theo Kenneth Leung, ngày nay việc giám sát ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường có tiến bộ đáng kể nhờ thúc đẩy bởi các công nghệ và công cụ mới. "Những tiến bộ này đã cách mạng hóa khả năng phát hiện và định lượng các chất gây ô nhiễm CEC ở nồng độ cực thấp và cho phép phát triển các công cụ để theo dõi nguồn chất gây ô nhiễm và đánh giá rủi ro môi trường", ông cho hay.
PGS. TS Từ Bình Minh kỳ vọng thông qua sự kết nối của VinFuture, các nhóm nghiên cứu trong nước có cơ hội hợp tác với Giáo sư Kenneth Leung người đứng đầu chương trình Giám sát cửa sông Toàn cầu (GEM). Chương trình này liên quan đến việc thu thập các mẫu trầm tích và nước từ các cửa sông trên toàn thế giới, với hơn 100 quốc gia tham gia.
Theo vnexpress.net