Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị "Công bố quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Quyết định phê duyệt quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/1/2024.
Theo quy hoạch này, Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng thông tin và truyền thông là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Đến 2030, xây 3-5 trung tâm bưu chính trên cả nước
Cụ thể, theo quy hoạch, trong lĩnh vực bưu chính, mục tiêu đến năm 2025, tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày; hình thành 3 Trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 350 km; hình thành 14 Trung tâm bưu chính vùng trên cả nước, bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 115 km.
Đến năm 2030, mục tiêu xây dựng 3 - 5 Trung tâm bưu chính khu vực trên cả nước, năng lực khai thác bình quân của Trung tâm bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; các Trung tâm bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.
Về hạ tầng số
Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2025, mạng băng rộng cố định bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s; mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s; 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT; 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Đồng thời, thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.
Đến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế; 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu, nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.
Về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin
Đến năm 2030, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. bMọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Theo Bộ TT&TT, mục tiêu tập trung vào phát triển nền tảng số và coi đây là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Về An toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đến năm 2025, phấn đấu 100% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước được bảo đảm an toàn theo cấp độ hệ thống thông tin; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; 100% thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được cài đặt giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng; 100% người sử dụng Internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ an toàn thông tin mạng cơ bản.
Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tối thiểu 1 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ an toàn thông tin mạng, mỗi người dân có tối thiểu 1 công cụ bảo vệ an toàn thông tin mạng.
Hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam đạt 100% chủng loại, phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á; hình thành được thị trường về bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường an toàn thông tin mạng, an ninh mạng Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam phải trở thành cường quốc an toàn không gian mạng để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo đảm an ninh thông tin, trật tự an toàn xã hội.
Về công nghiệp công nghệ thông tin
Đến năm 2025, hình thành và triển khai đề án, dự án 12 - 14 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm.
Đến năm 2030, hình thành 16 - 20 khu công nghệ thông tin tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm.
Theo đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế như: thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, từ thị trường Việt Nam nhưng luôn hướng vào thị trường toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.
Nhiều giải pháp trọng tâm
Quy hoạch cũng đề xuất các giải pháp thực hiện, trong đó bao gồm một số giải pháp đột phá như:
Dừng triển khai công nghệ viễn thông di động thế hệ cũ theo lộ trình để chuyển đổi việc sử dụng các băng tần cho công nghệ mới, đồng thời quy hoạch bổ sung băng tần mới để phát triển các công nghệ di động thế hệ mới 4G, 5G và các thế hệ tiếp theo.
Từ năm 2025, tập trung phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G). Phân bổ tài nguyên viễn thông (tần số, kho số, tên miền,…) theo cơ chế thị trường đủ để bảo đảm cung cấp chất lượng dịch vụ viễn thông ngang tầm khu vực và thế giới.
Chính sách cho phép trung tâm dữ liệu được áp dụng cơ chế mua điện trực tiếp tại nguồn, cho phép các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub) được áp dụng các cơ chế đặc thù, ưu tiên đặt tại các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của Việt Nam.
Ban hành chính sách khuyến khích và bắt buộc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, thúc đẩy việc kết nối, liên thông dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, tiết kiệm nguồn lực xã hội.
Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm trọng điểm "Make in Viet Nam" phục vụ Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh...
Để Quy hoạch được triển khai theo đúng tầm nhìn và định hướng đã đề ra, Bộ TT&TT cho biết, đơn vị đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch này và đang xin ý kiến góp ý của các đơn vị. Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới để làm sở cứ triển khai Quy hoạch.
PV