Xác định vi phạm nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (TNGT), thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Từ sự quyết liệt, quyết tâm của lực lượng CSGT, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đã đem lại hiệu quả rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân được nâng lên.

Năm 2023 được Bộ Công an xác định là năm trọng điểm thực hiện xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu giảm thiểu TNGT. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo đó, thời gian qua, lực lượng CSGT, Công an tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng xã hội, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã triển khai in trên 1 nghìn pa nô, áp phích với thông điệp “Đã uống rượu bia, không lái xe” cấp phát cho lực lượng CSGT toàn tỉnh để niêm yết ở những vị trí thích hợp, thuận lợi, nhiều người có thể quan sát, nhất là tại các cơ sở kinh doanh ăn uống để tuyên truyền, khuyến cáo thực khách nhận thức rõ trong việc điều khiển phương tiện mà trong người đã có nồng độ cồn. Cùng với đó, vận động các chủ quán ăn, nhà hàng trên địa bàn ký cam kết nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Lực lượng CSGT toàn tỉnh còn chủ động  phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng trên 300 tin, bài, ảnh tuyên truyền sâu rộng về kế hoạch cao điểm để định hướng dư luận, giúp người dân nhận thức sâu sắc: việc uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chính bản thân cũng như người tham gia giao thông. Lực lượng công an các đơn vị, địa phương cũng đã phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức 185 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nội dung không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư; yêu cầu trên 1.200 chủ bến, chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm không có ngoại lệ”
Lực lượng CSGT, Công an Hà Nam tuyên truyền và lập biên bản xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Song song với công tác thông tin, tuyên truyền, lực lượng CSGT, Công an tỉnh còn huy động tối đa nhân lực, phương tiện kỹ thuật, thành lập các chốt, tăng cường TTKS khép kín, xử lý nghiêm, dứt điểm đối với những trường hợp vi phạm. Nhờ những biện pháp đồng bộ, phù hợp này, đa số người dân ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Trung tá Nguyễn Duy Nam, Phó Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự (TT), Công an thành phố Phủ Lý cho biết: Với mục tiêu kiềm chế, kéo giảm TNGT có liên quan đến rượu, bia, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT - TT Công an thành phố xây dựng kế hoạch, tăng cường TTKS và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm. Do đó, đến nay ý thức người điều khiển phương tiện đã có chuyển biến rõ rệt. Số người vi phạm nồng độ cồn giảm nhiều.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm không có ngoại lệ”
Lập biên bản xử lý đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Cũng từ sự quyết tâm, quyết liệt của lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, thay vì tìm cách “đối phó”, “né tránh” các chốt kiểm tra nồng độ cồn, nhiều người đã chọn cách gọi taxi hoặc gọi người nhà chở đến địa điểm giao lưu, ăn uống và đi về. Đây là giải pháp an toàn, được nhiều người lựa chọn.

Anh Nguyễn Minh Đức, phường Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Sau mỗi tuần làm việc, nhóm bạn của anh thường gọi nhau đến một quán ăn hoặc tập trung tại nhà riêng một thành viên của nhóm để giao lưu. Trước đây, anh thường tự đi xe máy, nhiều khi uống nhiều anh vẫn tự lái xe về nhà. Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, khi theo dõi trên phương tiện truyền thông, tất cả mọi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đều bị lực lượng chức năng xử lý. Từ đó, anh dần thay đổi suy nghĩ, đã liên hoan, uống bia rượu thì không lái xe, trước hết để an toàn cho bản thân, người xung quanh và không ảnh hưởng đến kinh tế gia đình khi bị xử phạt.

Cùng chung suy như anh Đức, anh Lê Văn Đoàn, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) cũng bày tỏ sự đồng tình với việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn. Theo anh, nhờ việc xử lý nghiêm mà bản thân anh dần hình thành nên ý thức “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Giờ đây, mỗi khi có việc cần “giao lưu” anh lựa chọn dịch vụ taxi để di chuyển. Không chỉ hình thành thói quen cho bản thân, trong bữa ăn anh cũng khuyên bạn bè, người thân không tự lái xe sau khi đã uống rượu, bia.

Tại khu vực cầu Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) - địa điểm Tổ công tác Phòng CSGT, Công an tỉnh phối hợp cùng Đội CSGT - TT Công an thành phố Phủ Lý thường xuyên duy trì chốt kiểm tra nồng độ cồn, trung bình sau 2 giờ lập chốt, tổ công tác tiến hành kiểm tra trên 300 lượt người điều khiển phương tiện giao thông, kết quả đo nồng độ cồn thường phát hiện hơn 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (bao gồm cả lái xe ô tô, xe gắn máy). Trong số này, có nhiều trường hợp vi phạm ở mức cao từ 0,4-0,8 miligam/ lít khí thở. Mặc dù viện nhiều lý do nhưng các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm.

Cụ thể, gần đây tài xế N.V.T (sinh năm 1985, trú ở Hưng Hà, Thái Bình) điều khiển xe ô tô biển kiểm soát (BKS) 30A- 4158X có nồng độ cồn ở mức 0,135 miligam/ lít khí thở. Với mức vi phạm này, anh N.V.T bị lập biên bản xử phạt 17 triệu đồng, tước quyền giấy phép lái xe (GPLX) 18 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tương tự, tài xế L.V.G (sinh năm 1990, ở Nam Định) điều khiển xe ô tô BKS 18B-2059X, kiểm tra nồng độ cồn ở mức 0,045 miligam/lít khí thở, bị xử phạt 7 triệu đồng, tước quyền GPLX 11 tháng, tạm giữ phương tiện 5 ngày.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm không có ngoại lệ”
Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định đối với lái xe kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách.

Trong quá trình tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, không ít người khi bị dừng xe kiểm tra và biết mình vi phạm đã rút điện thoại “gọi người thân trợ giúp”, tuy nhiên tất cả những trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử lý đúng quy định. Trước đó, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh khi TTKS tại quốc lộ 21 (tuyến Phủ Lý - Nam Định) đã kiểm tra phát hiện Đ.V.L (trú quán Trực Ninh, Nam Định) điều khiển xe ô tô tải BKS 18T- 1081X trong hơi thở có nồng độ cồn 0,467mg/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế Đ.V.L 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Thượng tá Phạm Minh Trường, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Năm 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với tài xế khi lái xe. Qua đó, chấn chỉnh những trường hợp vi phạm và dần hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia, không lái xe” với mọi người dân. Để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia, ngoài lập chốt kiểm tra, các tổ công tác còn liên tục thay đổi hình thức, phương thức TTKS tại các tuyến đường, nhất là vào buổi trưa, buổi chiều tối, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ.

Phòng CSGT còn thành lập tổ công tác phối hợp với công an các huyện, thị xã, thành phố tập trung xử lý một số hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn. Quan điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã và đang giúp lực lượng CSGT xử lý nghiêm minh, không bỏ sót, lọt hành vi vi phạm. Những trường hợp không chấp hành kiểm tra, cản trở, hoặc có hành vi lăng mạ, chống đối… đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm không có ngoại lệ”
Nhân viên Công ty Honda Việt Nam hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn và tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ và các tình huống khi tham gia giao thông cho đoàn viên, công nhân lao động.

Sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả từ lực lượng chức năng trong việc xử lý hành vi vi phạm liên quan đến TTATGT đã, đang góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn. Kết quả, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm 16.829 trường hợp, xử phạt với số tiền gần 50 tỷ đồng, tước GPLX 3.065 trường hợp, tạm giữ 4.371 phương tiện. Riêng chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, đo nồng độ cồn trên 200 nghìn lái xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, trong đó, phát hiện, lập biên bản xử lý 3.439 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 18,3 tỷ đồng, tạm giữ 3.218 nghìn phương tiện, tước GPLX 2.553 trường hợp.

Thời gian qua, việc “mạnh tay” xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT, nhất là xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng chức năng đã dần thay đổi ý thức của người dân tham gia giao thông và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Đa phần người dân đồng tình với việc lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” với những vi phạm và cho rằng điều đó thể hiện đúng nguyên tắc của pháp luật.

Bác Nguyễn Văn Hồi (ở phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên) cho rằng: “Quy định xử lý vi phạm nồng độ cồn bị giữ xe, tước GPLX, phạt tiền rất nặng sẽ giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc đã uống rượu, bia còn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chính bản thân cũng như người tham gia giao thông. Do đó, tôi đồng tình với việc lực lượng công an xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định pháp luật về vi phạm về nồng độ cồn để hạn chế TNGT”.

Cùng chung quan điểm này, anh Nguyễn Văn Sáng (ở xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn. Bản thân tôi luôn ý thức chấp hành tốt Luật GTĐB và không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm ATGT nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng”. Cũng như bác Hồi, anh Sáng, đa phần người dân từ thành thị đến nông thôn, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên đều đồng tình, nhất trí cao với việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người còn kiến nghị ngành chức năng cần triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn quyết liệt hơn nữa, duy trì lâu dài để tạo thành thói quen tích cực trong văn hóa giao thông. Đa số ý kiến người dân cho rằng để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, triệt để, ngoài xử phạt, lực lượng chức năng cần chú trọng giáo dục ý thức chấp hành văn hóa giao thông, tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức pháp luật về ATGT, nhất là quy định liên quan đến vi phạm về nồng độ cồn.

Xử lý vi phạm nồng độ cồn “không có vùng cấm không có ngoại lệ”
Trường hợp lái xe vi phạm nồng cồn khi tham gia giao thông bị Công an thành phố Phủ Lý lập biên bản xử phạt.

Cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều hội họp, gặp mặt, giao lưu, đám tiệc, dẫn đến số người sử dụng rượu, bia tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, TNGT. Để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc do TNGT gây ra, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, đặc biệt là công an xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn gắn với duy trì, thực hiện quyết liệt chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đồng thời, bố trí, phân công lực lượng lập chốt kiểm soát gắn với duy trì TTKS lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chuyên đề này, cùng với duy trì những giải pháp đã triển khai, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền việc bán, sử dụng rượu, bia tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động và yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm quy định của Luật GTĐB. Các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đoàn viên, hội viên thay đổi nhận thức khi sử dụng rượu, bia.

Đặc biệt, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở từng địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sử dụng rượu, bia, nhất là sử dụng rượu, bia trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng thì việc chủ động, tự giác nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông là yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không lái xe sau khi uống rượu, bia chính là một trong những hành động thể hiện tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, qua đó thiết thực góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT, bảo đảm an ninh trật tự, hình thành thói quen tích cực, bền vững trong văn hóa giao thông.

Nội dung: Trần Ích

Thiết kế: Đức Huy

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy