kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid -19

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Để phòng, chống dịch Covid-19, phương châm được đặt ra hiện nay là thực hiện “5K + vắc-xin + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”. Trong đó, công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ góp phần thực hiện hiệu quả hơn quy định 5K, hỗ trợ các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đồng thời đây cũng là phương tiện để người dân chủ động phối hợp với ngành y tế, chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế, chủ động theo dõi sức khỏe, chung tay thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”: vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, việc chấp hành nghiêm quy định “5K” + vắc-xin và tích cực ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch là hết sức cần thiết. Theo đó, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã  chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch như: Khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm bằng mã QR, NCOVI; ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; triển khai các giải pháp khám, chữa bệnh từ xa nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; tuyên truyền, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone (ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19); cài đặt và sử dụng sổ sức khỏe điện tử để khai báo y tế điện tử; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid -19 theo hình thức điện tử trực tuyến…

Chị Trần Thị Thảo, phường Thanh Châu (TP Phủ Lý) cho biết: Không chỉ ứng dụng các nền tảng công nghệ trong việc khai báo y tế điện tử, tôi còn được cơ quan, cán bộ Trạm Y tế phường tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử. Sau khi sử dụng, tôi thấy đây là ứng dụng mang lại rất nhiều tiện ích, giúp tôi tự quản lý thông tin về sức khỏe, chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân. Ngoài ra, với việc cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tôi có thể đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid -19; cung cấp các thông tin y tế về tình trạng sức khỏe, các triệu chứng xảy ra nếu có sau khi được tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để được hướng dẫn cách xử lý; chứng nhận đã tiêm vắc-xin Covid -19; đặt lịch khám tại cơ sở y tế… Tôi cũng đã vận động, hướng dẫn bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình cài đặt các ứng dụng công nghệ để chủ động trong việc khai báo, theo dõi, bảo vệ sức khỏe cho chính mình, giảm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Nhìn lại 2 năm ứng phó với đại dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh mới thấy, chưa có khi nào các nền tảng công nghệ lại liên tục được ra mắt và ứng dụng rộng rãi đến như vậy. Từ mỗi người dân cho đến các cơ sở y tế, các phần mềm công nghệ đều được cài đặt, ứng dụng hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh. Chẳng hạn như phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS do VNPT Hà Nam nghiên cứu, triển khai hiện cũng đã được ứng dụng phổ biến  tại 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và khẳng định hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Việc liên thông được với các hệ thống khác như máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thiết bị y tế cá nhân, VNPT-HIS giúp rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí, tạo thuận lợi cho cả bác sĩ và bệnh nhân trong quá trình nhập viện, xuất viện, chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế còn ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản, quản lý thuốc, vật tư, văn phòng phẩm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào tất cả các khâu từ đón tiếp bệnh nhân đến quá trình điều trị bệnh, làm thủ tục xuất viện. Thay vì phải nộp sổ cho nhân viên tiếp nhận rồi chờ đợi lấy số thứ tự khám bệnh như trước đây, người bệnh đến khám bệnh tại các cơ sở y tế được lấy số tự động và chờ tuần tự đến lượt vào đăng ký tại quầy đón tiếp. Qua đó, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh cũng như giảm áp lực cho cán bộ y tế.

Về vấn đề này, ông Phan Anh Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam khẳng định: Ứng dụng công nghệ để nhiều người bệnh được cứu sống hơn, chống dịch nhanh, hiệu quả hơn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh có số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh mỗi ngày nên điều này càng trở nên cấp thiết. Hiện nay, bệnh viện đang thực hiện đồng bộ các phần mềm ứng dụng về quản lý bệnh viện HIS kết hợp với phần mềm kết nối máy xét nghiệm LIS, hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế PACS. Bệnh viện Đa khoa Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi số và thực hiện bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy. 

Theo Sở Y tế Hà Nam, hiện nay, 100% đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã trang bị máy tính có kết nối internet, đáp ứng yêu cầu về trao đổi thông tin, dữ liệu với các đơn vị trong và ngoài ngành. Các bệnh viện cũng đã sử dụng phần mềm VNPT Care phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ xa trong bối cảnh đại dịch Covid -19. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý hệ thống tiêm chủng, hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm cũng được triển khai hiệu quả ngay tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài việc sử dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đã chủ động lắp đặt hệ thống lăn vân tay để theo dõi giờ làm việc của cán bộ y tế; lắp đặt hệ thống camera tại nhiều vị trí nhằm thuận tiện hơn trong việc kiểm soát các hoạt động của bệnh viện, bảo đảm sự công khai, minh bạch trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, kinh doanh dịch vụ, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động, phục vụ tốt cho người  dân, doanh nghiệp. Có thể kể đến như, ngành bảo hiểm xã hội triển khai hình thức kê khai, nộp bảo hiểm xã hội qua hình thức điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi giao dịch; thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu cho một số đối tượng thông qua tài khoản ngân hàng nhằm hạn chế tập trung đông người, bảo đảm sức khỏe, an toàn phòng dịch cho người dân. Ngành giáo dục và đào tạo ứng dụng hiệu quả CNTT để giảng dạy, học tập trong điều kiện học sinh phải nghỉ học tại các thời điểm thực hiện giãn cách xã hội và trong điều kiện số ca nhiễm Covid -19 tăng nhanh trong trường học thời gian gần đây. Các trường học, cơ sở giáo dục áp dụng hình thức dạy học trực tuyến qua internet, khuyến khích giáo viên sử dụng ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook để giao bài tập, hướng dẫn, kiểm tra học sinh học tập tại nhà.

Cô giáo Trần Ánh Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 5D, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý cho biết: Đã trải qua 2 năm với nhiều đợt triển khai học trực tuyến trên các phần mềm Zoom, Microsoft Teams, đến nay, học sinh trong toàn trường nói chung, học sinh lớp 5D nói riêng đã sử dụng rất thành thạo các phần mềm để học tập và đạt kết quả tốt. Kết thúc buổi học, tôi giao bài tập về nhà cho học sinh làm trên nhóm zalo của lớp và học sinh nộp bài tương đối đầy đủ. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tổ chức họp trực tuyến với phụ huynh để thông báo, đánh giá ý thức, kết quả học tập của học sinh, tạo sự  phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong việc rèn luyện, giáo dục học sinh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân qua hình thức online tăng cao, các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã đẩy mạnh ứng dụng máy móc, công nghệ để thực hiện tự động chia, phân loại hàng hoá, nhận đơn hàng trực tuyến và đến lấy hàng trực tiếp tại các cửa hàng; phát triển hiệu quả dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Các đơn vị viễn thông triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ để hỗ trợ chính quyền các cấp, các đơn vị và người dân làm việc, học tập trực tuyến như: Tăng dung lượng data các gói cước; cung cấp miễn phí dịch vụ phần mềm họp trực tuyến cho các cơ quan, đơn vị; triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện; phát triển phần mềm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng tích cực cài đặt ứng dụng quét mã QR Code hay quẹt thẻ ATM để khách hàng thanh toán nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện nộp hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính với Sở xuyên suốt 24 giờ/ngày tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Người nộp hồ sơ cũng có thể  được cung cấp kịp thời và chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ và chi tiết. Đặc biệt, đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, nhận kết quả tại nhà nếu có nhu cầu mà không cần mất thời gian đi lại, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian qua, Sở đã chủ động hướng dẫn các ngành, địa phương xây dựng và triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bảo đảm phù hợp định hướng chung của tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh như sử dụng tin nhắn, cổng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội để người dân chủ động tiếp cận thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện khuyến cáo phòng, chống dịch của Bộ Y tế và chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp. Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông bảo đảm điều kiện về kỹ thuật, đường truyền để duy trì hệ thống thông tin truyền thông của tỉnh hoạt động liên tục, ổn định và an toàn phục vụ tốt nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngày 17/8/2021, UBND tỉnh đã  ban hành Quyết định số 1484/QĐ-UBND thành lập Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam bao gồm gần 20 thành viên là lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, lãnh đạo  UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh…

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thường xuyên trao đổi, liên lạc thông qua các nền tảng mạng xã hội với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia để báo cáo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp khắc phục những khó khăn, tồn tại, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác triển khai, ứng dụng các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19. Tham mưu, triển khai và áp dụng các giải pháp công nghệ để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thống nhất chung trong toàn tỉnh. Yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức tuyên truyền, đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý cài đặt và sử dụng ứng dụng phòng, chống dịch PC-Covid trên điện thoại thông minh với tần suất tối thiểu 2 lần/ngày. Chỉ đạo Đài truyền thanh cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh về việc đề nghị, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng PC-Covid trên điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, Tổ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện gửi tin nhắn tới tất cả các số thuê bao điện thoại di dộng trong tỉnh để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, phần mềm quản lý di biến động VNEID để khai báo di chuyển nội địa; bảo đảm thông tin liên lạc, chất lượng đường truyền internet, đáp ứng yêu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đề nghị Tỉnh đoàn Hà Nam chỉ đạo đoàn thanh niên các huyện, thị xã, thành phố và đoàn trực thuộc tích cực tham gia tuyên truyền, đề nghị đoàn viên và người thân cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Kết quả, trong các đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh, hệ thống phòng họp trực tuyến tại 109 xã, phường, thị trấn kết nối 2 chiều với Trung ương được sử dụng hiệu quả phục vụ các cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ tới UBND tỉnh và cấp huyện, xã trong tỉnh. Đến nay, số lượt cài đặt ứng dụng PC- Covid trong toàn tỉnh là 233.391 lượt trên tổng số 469.303 điện thoại thông minh (đạt tỷ lệ 49,73%); số điểm đăng ký mã QR là 19.488 điểm. Đối với việc áp dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, tỉnh Hà Nam đã cập nhật dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng quốc gia được 1.737.225 mũi trên tổng số 1.787.843 mũi tiêm thực tế (đạt 97,17%)…

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhấn mạnh: Các nền tảng ứng dụng CNTT đã giúp cho các cơ quan quản lý cập nhật số liệu kịp thời, bảo đảm chính xác, khoa học, được đông đảo người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh áp dụng và thực thi có hiệu quả, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid -19.

 Là thành viên của Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam, ông Hồ Việt Hưng, Giám đốc Viettel Hà Nam khẳng định: Xác định được tầm quan trọng của CNTT trong công tác phòng, chống dịch, Viettel Hà Nam luôn đồng hành với chính quyền địa phương trong triển khai, tuyên truyền ứng dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, giúp các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, người dân đạt hiệu quả cao nhất trong quản lý, điều hành, học tập, công tác, bảo  đảm an toàn phòng, chống dịch. Trước mắt, Viettel Hà Nam tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống: “Sổ sức khỏe điện tử”, “Khám chữa bệnh từ xa-Telehealth”, “Giám sát bệnh truyền nhiễm”… Qua đó, nhằm thiết lập kênh giao tiếp và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin tiêm chủng, thông tin y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng và đơn giản nhất.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid -19 của tỉnh, trong thời gian tới, Tổ Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ tiến hành họp tổng kết, đánh giá kết quả, khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ; kết quả ứng dụng các phần mềm, nền tảng CNTT trong phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp viễn thông triển khai các giải pháp công nghệ mới, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trên các lĩnh vực: quản lý, điều hành, thực thi công vụ, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp và người dân sử dụng các nền tảng công nghệ để khai báo y tế điện tử, đăng ký tiêm chủng vắc - xin phòng Covid-19; quét mã QR Code để kiểm soát người ra vào các cơ quan, đơn vị…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong “cuộc chiến” chống dịch Covid 19

Có thể khẳng định, việc phát huy tối đa ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị. Qua đó, đã giúp công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai công việc của các cấp ủy, chính quyền được kịp thời, sâu sát, nhất là trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ sẽ chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi có sự tự giác của mỗi người dân, sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động cài đặt, sử dụng các phần mềm hỗ trợ đã được hướng dẫn để tạo nên sức mạnh tổng hợp ứng phó, chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện nội dung: Nguyễn Oanh

Thiết kế đồ họa: Trương Dũng

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy