Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đến quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung; đồng thời, hình thành mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo sự ổn định, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân. Song để thực hiện liên kết sản xuất hiệu quả cần có sự vào cuộc và chỉ đạo sát sao của chính quyền cơ sở và HTXDVNN. Theo đó, các địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện liên kết; nâng cao vai trò, năng lực hoạt động từ điều hành đến tổ chức các dịch vụ, trong đó chú ý thực hiện tốt dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản của các HTXDVNN.Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp của xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) những năm gần đây có bước phát triển mới, đồng đều, hiệu quả ở cả 2 vụ lúa và vụ đông. Cụ thể, địa phương đã xây dựng được 2 cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống, lúa chất lượng có tổng diện tích trên 60 ha. Cùng với đó, các loại cây trồng hàng hóa giá trị cao trong vụ đông phát triển khá mạnh, như: Ngô nếp, dưa chuột… Do vậy, giá trị sản xuất trên diện tích canh tác của xã đã đạt bình quân trên 120 triệu đồng/ha/năm. Giá trị vùng sản xuất hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp đạt trên 150 triệu đồng/ha/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Sâm, Giám đốc HTXDVNN Tượng Lĩnh, yếu tố quan trọng trong sản xuất là tạo được sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Từ đó, hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Quan trọng hơn, liên kết làm thay đổi suy nghĩ, cách làm, xóa bỏ tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây của người dân địa phương.Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Thực tế, những vụ gần đây HTXDVNN Tượng Lĩnh đều ký hợp đồng với Công ty TNHH Nam Dương (Khu công nghiệp Đồng Văn) sản xuất lúa giống, lúa thuần nguyên chủng ĐT37 và ND502 trên 2 cánh đồng mẫu. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung ứng giống lúa thuần siêu nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm thóc giống (theo hình thức mua thóc tươi ngay tại bờ ruộng). Giá trị đem lại trên diện tích thực hiện liên kết tăng khoảng trên 10% so với sản xuất đại trà.

Với sản xuất vụ đông, diện tích ngô nếp, dưa chuột xuất khẩu đều được ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Như với ngô nếp, do có hợp đồng liên kết, diện tích sản xuất được quy hoạch gọn vùng gần 50 ha. Qua đó, đưa giá trị sản xuất cây ngô nếp đạt gần 125 triệu đồng/ha/vụ. Về phía người dân, khi có hợp đồng chú trọng sản xuất và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Người dân Tượng Lĩnh cho biết: Khi có hợp đồng với doanh nghiệp thông qua HTXDVNN họ rất yên tâm để sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp
Cán bộ HTXDVNN Nguyễn Úy (Kim Bảng) và Công ty TNHH Nam Dương (KCN Đồng Văn) kiểm tra lúa giống ND 502 trước khi thu hoạch.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai liên kết giữa người dân và các đại lý, doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản. Huyện Bình Lục với diện tích lúa đang duy trì 7.800 ha (lớn nhất tỉnh) đã xây dựng các cánh đồng có quy mô sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Chỉ riêng Công ty TNHH lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ) đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa trên diện tích hơn 200 ha tại các địa phương trong huyện. Ngoài ra, một số công ty giống cây trồng (Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Nam Dương) đã liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Bình Lục.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp
Nông dân xã Đồng Du (Bình Lục) liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương sản xuất giống lúa mới tại địa phương.

Còn tại huyện Kim Bảng, các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng. Trong tổng số 18 cánh đồng mẫu của huyện, có 4 cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp với sản lượng khoảng 800 tấn. Cùng với đó, các sản phẩm nông nghiệp khác từ bí đỏ, ngô nếp, đến dưa chuột đều được thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với đại lý và các đơn vị thu mua. Hiện nay, diện tích dưa chuột của huyện Kim Bảng đang duy trì hơn 200 ha vụ xuân và trên 300 ha vụ đông, lớn nhất tỉnh.

Bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) Kim Bảng cho biết: Để phát triển sản xuất, phòng NN & PTNT đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương, HTXDVNN tăng cường việc liên kết trong sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, có biện pháp quản lý hiệu quả trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng các cá nhân, đơn vị không ký hợp đồng vào tranh mua, bán nông sản…

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Các mô hình liên kết sản xuất cho hiệu quả vượt trội so với bên ngoài. Cụ thể, khi thực hiện liên kết, người dân không còn phải lo đến giá cả hay đầu ra cho sản phẩm khi thu hoạch. Giá bán sản phẩm ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá” như sản xuất tự do. Cây dưa chuột xuất khẩu, khi ký hợp đồng liên kết sản xuất đều áp dụng giá sàn và điều chỉnh tăng theo giá thị trường tại từng thời điểm thu mua. Với sản xuất lúa, thường giá bán sản phẩm tại diện tích liên kết tăng 10 – 20% so với bên ngoài. Không chỉ mang lại giá trị cao hơn, khi liên kết sản xuất người dân còn được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc. Nhiều mô hình lúa liên kết áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào các khâu sản xuất…

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Hiệu quả trong liên kết sản xuất đã được thể hiện rõ cả trên lúa và  cây màu. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy diện tích sản xuất có hợp đồng liên kết vẫn còn khá thấp. Như cây lúa mới đạt khoảng 2.000 ha, bằng 8% diện tích, tập trung ở các mô hình cánh đồng mẫu và một số người dân tự tập trung ruộng đất… Vì thế, sản xuất nông nghiệp trên đồng ruộng vẫn chưa thực sự phát huy tốt được tiềm năng, thế mạnh.

Thực tế, sản xuất trên đồng ruộng của tỉnh hiện vẫn còn khá nhỏ lẻ, manh mún. Bình quân ruộng đất của người dân các địa phương khá thấp, chỉ khoảng 2 sào/khẩu. Như vậy, với hộ 4 khẩu, chỉ có chưa đến 1 mẫu (10 sào). Một cánh đồng rộng 20 – 30 ha có ruộng của cả trăm hộ dân. Vì thế, để hình thành vùng sản xuất quy mô tập trung, tạo sự liên kết với doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Trong quá trình hình thành vùng sản xuất tập trung, chỉ cần một số hộ có ruộng không tham gia sẽ rất khó xây dựng… Thực tế đã có thời điểm trên một cánh đồng rộng hơn 10 ha, nhưng được người dân cấy cả chục loại giống khác nhau. Theo nhiều hộ dân qua quá trình tiếp xúc đều có ý kiến: Ruộng nhỏ lẻ, số lượng thóc sản xuất mỗi vụ của các hộ dân không nhiều, nên nhu cầu liên kết tiêu thụ không cao.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp
Mô hình sản xuất lúa giống ND 502 tập trung tại HTXDVNN Nguyễn Úy (Kim Bảng) thực hiện trong vụ xuân 2022.

Việc thực hiện liên kết trong sản xuất cũng gặp hạn chế từ chính người dân trong các vùng sản xuất tập trung. Đã có nhiều cánh đồng cả lúa và cây trồng hàng hóa được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, nhưng người dân không tuân thủ theo hợp đồng, giữ sản phẩm lại bán ra bên ngoài có giá cao hơn. Điển hình, cây dưa chuột xuất khẩu tại nhiều địa phương, vào vụ thu hoạch nhiều hộ dân đã bán sản phẩm cho một số cá nhân không ký hợp đồng và nâng giá thu mua. Khi giá thị trường tự do xuống thấp dưới mức giá sàn mới quay lại bán cho đơn vị ký hợp đồng. Do vậy, dẫn đến thị trường bị thả nổi, đã có tình trạng một số vụ, giá dưa chuột xuất khẩu xuống quá thấp, người trồng thua lỗ.

Với cây lúa, tình trạng người dân phá hợp đồng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cũng diễn ra. Tại HTX nông nghiệp Nhân Mỹ (Lý Nhân) có diện tích 30 ha, hàng vụ đều được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thóc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lượng thóc bán ra theo hợp đồng hàng vụ chỉ đạt khoảng 60%, có vụ còn thấp hơn.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Mỹ cho biết: Hợp đồng đầu vụ được HTX ký với doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm. Tuy nhiên, khi thu hoạch, có khá nhiều lý do người dân đưa ra để không xuất bán, dẫn đến lượng thóc thu mua được theo hợp đồng không đạt yêu cầu. Trước đây, có vụ HTX liên kết với Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An sản xuất giống lúa NA6 trên diện tích 30 ha và xuất bán toàn bộ sản lượng thóc. Nhưng, khi thu hoạch người dân bán ra theo hợp đồng chỉ được một phần nhỏ.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Một vấn đề nữa, nhiều HTXDVNN chưa triển khai được việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp cho người dân. Thực tế, nhìn vào các khâu dịch vụ của các HTXDVNN trong tỉnh, số dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản chưa nhiều. Phần lớn các HTX vẫn tập trung chính vào các dịch vụ thiết yếu, hoặc cung ứng vật tư phân bón, thóc giống. Xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) là địa phương phát triển mạnh cây trồng hàng hóa, như: Ngô nếp, bí xanh, bí đỏ, dưa chuột xuất khẩu… Nhưng việc liên kết trong sản xuất tại địa phương chưa được thực hiện. Người dân tại Nhân Nghĩa đang bán sản phẩm ra thị trường tự do. Vì thế, giá bán nông sản các loại không duy trì ổn định trong cả vụ, thường vào chính vụ (lúc thu hoạch rộ) giá bán xuống thấp ảnh hưởng đến giá trị sản xuất và thu nhập của người dân. Được biết, cách đây hơn 20 năm, khi mới đưa cây dưa chuột xuất khẩu vào trồng, HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa  đã làm dịch vụ tiêu thụ cho sản phẩm của cây trồng này. Tuy nhiên, sau đó dịch vụ này không được tiếp tục triển khai.

Theo ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa, trên địa bàn đã hình thành mạng lưới các đại lý thu mua nông sản, nên người dân quen bán tự do. Về phía HTX đã có năm triển khai dịch vụ tiêu thụ nông sản, nhưng sản phẩm thu mua được không bảo đảm số lượng. Yếu tố chính do việc tăng, giảm giá của tập thể không linh hoạt như đại lý tư nhân bên ngoài, yêu cầu chất lượng sản phẩm cũng chặt chẽ hơn theo hợp đồng... Do vậy, việc triển khai dịch vụ thu mua sản phẩm khó thực hiện được.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Thực tế, việc liên kết đã phát huy được thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế gặp phải lại đang ảnh hưởng một phần đến quá trình phát triển. Đây là vấn đề cần được quan tâm, tháo gỡ trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến tạo thành vùng sản xuất tập trung, nông nghiệp sạch. Trong đó, liên kết trong sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường và nâng cao giá trị. Để tiếp tục mở rộng những mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cần có giải pháp đồng bộ.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp

Xã Chân Lý (Lý Nhân) có diện tích sản xuất dưa chuột xuất khẩu mỗi vụ từ 40 đến hơn 60ha. Đây là số ít địa phương trong huyện Lý Nhân duy trì được việc liên kết sản xuất thông qua hợp đồng với doanh nghiệp.

Theo đó, hằng năm, trước khi vào vụ UBND xã Chân Lý đều tổ chức mời các doanh nghiệp chế biến thu mua nguyên liệu dưa chuột trên địa bàn, các HTX nông nghiệp họp bàn và thống nhất ký hợp đồng thu mua dưa chuột cho người dân. Thuận lợi trên địa bàn xã Chân Lý có 3 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Các HTX nông nghiệp được giao nhiệm vụ quy hoạch vùng, làm tốt dịch vụ sản xuất và tổ chức thu mua sản phẩm cho người dân.

Về phía doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm theo diện tích và giá thu mua đã ký hợp đồng đầu vụ. Riêng về giá thu mua sẽ điều chỉnh tăng theo thực tế thị trường… Do vậy, diện tích sản xuất dưa chuột xuất khẩu tại Chân Lý luôn được duy trì tốt. Cũng từ việc liên kết sản xuất, nhiều hộ dân trong xã có diện tích trồng lớn đã thu được từ 50 – 70 triệu đồng trở lên/vụ.

Ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho biết: Vào mùa vụ, địa phương chỉ đạo sát sao việc liên kết sản xuất cây dưa chuột hàng hóa xuất khẩu giữa người dân với doanh nghiệp. Về phía UBND xã thường xuyên nắm bắt tình hình để can thiệp kịp thời bằng biện pháp hành chính nếu xảy ra tình trạng các cá nhân không ký hợp đồng vào thu mua sản phẩm dưa chuột tại địa phương…

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp
Các bước sản xuất dưa chuột xuất khẩu tại doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn ( Chân Lý, Lý Nhân).

Tìm hiểu tại huyện Kim Bảng, địa phương thực hiện tốt việc liên kết sản xuất lúa và các loại cây trồng hàng hóa là nhờ có sự chỉ đạo sát sao từ huyện đến cơ sở. Theo đó, các xã trong huyện có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn đều phải xây dựng từ 1 – 2 cánh đồng mẫu (trừ thị trấn Ba Sao).

Ngay xã Thanh Sơn và thị trấn Quế có diện tích đất nông nghiệp ít cũng xây dựng mô hình sản xuất tập trung có diện tích 5 ha. Các mô hình này đều hướng đến sản xuất lúa, cây trồng hàng hóa gắn 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông), thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp… Đáng chú ý, sản xuất cây trồng hàng hóa tại các địa phương được quy hoạch gọn vùng để thuận lợi cho quá trình sản xuất, cũng như ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Theo bà Lê Thị Phượng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Kim Bảng, do có sự quy hoạch vùng và tổ chức sản xuất tốt, các doanh nghiệp đặt niềm tin và thực hiện ký hợp đồng thu mua sản phẩm trên địa bàn.

Như vậy, để thực hiện liên kết sản xuất cần có sự vào cuộc và chỉ đạo sát sao của chính quyền cơ sở và HTXDVNN. Theo đó, các địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện liên kết. Đồng thời, nâng cao vai trò, năng lực hoạt động từ điều hành đến tổ chức các dịch vụ, trong đó chú ý thực hiện tốt dịch vụ thỏa thuận tiêu thụ nông sản của các HTXDVNN.

Thực tế cho thấy, tại những địa phương HTXDVNN có dịch vụ thỏa thuận, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm luôn được bảo đảm, thúc đẩy sản xuất phát triển. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Đây là biện pháp hạn chế tối đa tình trạng người dân không tuân thủ hợp đồng, bán sản phẩm ra bên ngoài như đã từng xảy ra.

Tháo gỡ khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp
Hội thảo liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch do Ban Quản lý Khu NNUDCNC phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức. Ảnh tư liệu.

Về phía các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện hơn nữa trong hoạt động thu mua nông sản. Qua tiếp xúc, các doanh nghiệp đều cho biết, sẽ thuận lợi và chủ động hơn rất nhiều cho hoạt động chế biến, kinh doanh khi ký được hợp đồng liên kết tại các vùng sản xuất. Trao đổi về việc liên kết sản xuất, ông Nguyễn Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở NN & PTNT) đánh giá: Hoạt động liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến đáng kể. Các địa phương từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Ngành đang tiếp tục xem xét, nghiên cứu tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ sản xuất phát triển.

Nghị quyết 15 – NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu xây dựng các mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Với những giải pháp đồng bộ được đặt ra, nhất là thực hiện tốt việc mở rộng liên kết trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị và đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành nông nghiệp.

Nội dung: Mạnh Hùng.

Ảnh: Mạnh Hùng, Kim Chi, Thành Nam.

Thiết kế: Đức Anh.

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy