Ngày 26/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1686/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một trong những vấn đề mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam hết sức quan tâm.
Quy hoạch nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; phương hướng phát triển các ngành quan trọng; phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; phương án phân bổ và khoang vùng đất đai; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Về mục tiêu phát triển: Phấn đấu đến năm 2030 đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 11,2%/năm Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 21 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu có 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo Quy hoạch, đến 2030, tỉnh Hà Nam có 09 đô thị gồm:
Phấn đấu thành phố Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó tập trung xây dựng phát triển đô thị Bắc Châu Giang là đô thị xanh, thông minh, có hạ tầng hiện đại, hạt nhân phát triển của thành phố Phủ Lý và đồng thời là trung tâm hành chính – chính trị của tỉnh.
Thị xã Duy Tiên là đô thị loại III tiến tới thành lập thành phố Duy Tiên.
Huyện Kim Bảng là thị xã, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III.
Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các đô thị loại V (Phố Cà, Nhân Mỹ, Hòa Hậu, Thái Hà) làm tiền đề xây dựng 02 đô thị loại IV cấp tỉnh: đô thị Thanh Liêm, đô thị Lý Nhân (tiến tới thành lập thị xã).
Xây dựng 02 đô thị loại IV thuộc huyện Bình Lục: thị trấn Bình Mỹ (mở rộng theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ), đô thị Chợ Sông (thành lập thị trấn).
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển các đô thị loại V (An Lão, Tiêu Động) hướng tới phát triển và nâng cấp đô thị trên địa bàn huyện Bình Lục.
Về sắp xếp đơn vị hành chính, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Thành phố Phủ Lý dự kiến sắp xếp: sáp nhập xã Tiên Hiệp với xã Tiên Tân thành lập 01 phường mới; sáp nhập xã Tiên Hải với phường Lam Hạ thành lập 01 phường mới; sáp nhập 04 phường Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo thành 01 phường mới; sáp nhập xã Liêm Tuyền với xã Liêm Tiết thành lập 01 phường mới.
-Thị xã Duy Tiên dự kiến sắp xếp sáp nhập xã Mộc Bắc và xã Mộc Nam thành 01 xã mới.
-Huyện Kim Bảng dự kiến sắp xếp sáp nhập xã Nhật Tựu với xã Nhật Tân thành lập 01 phường mới.
Huyện Bình Lục dự kiến sáp nhập xã Bối Cầu với xã Hưng Công và xã An Nội thành 01 xã mới.
Giai đoạn 2026-2030 thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định và một số đơn vị hành chính cấp xã theo yêu cầu thành lập đơn vị hành chính đô thị.
-Khu Công nghệ cao Hà Nam: Quy mô 663ha tại huyện Lý Nhân
-Hệ thống khu công nghiệp (KCN): Ngoài việc nâng cao hiệu quả hoạt động các KCN đã lấp đầy trên 95% (Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Hòa Mạc, Châu Sơn, Thanh Liêm, Thái Hà giai đoạn I), đẩy mạnh thu hút đầu tư để lấp đầy 02 KCN đã có chủ trương đầu tư (Đồng Văn I mở rộng về phía Đông đường cao tốc và Thái Hà giai đoạn II), tỉnh tiếp tục xây dựng và thành lập mới 04 KCN đã được Thủ tướng chấp thuận bổ sung quy hoạch (Kim Bảng I, Châu Giang I, Đồng Văn V, Đồng Văn VI). Đến năm 2030, ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các KCN có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng thu hút các nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh gồm: Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I (Thanh Bình IA, Thanh Bình IB, Thanh Bình IC), Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III. Các KCN Châu Giang II, Thái Hà II, Đạo Lý sẽ được thành lập mới tùy theo nhu cầu phát triển KT-XH thực tế của địa phương trong thời kỳ quy hoạch.
-Hệ thống Cụm công nghiệp (CCN): Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 05 CCN theo hiện trạng và giữ nguyên diện tích gồm các CCN: Nam Châu Sơn, Thanh Hải, Cầu Giát, Nhật Tân và Bình Lục.
Điều chỉnh mở rộng 03 CCN hiện có: Kim Bình, Thi Sơn và Trung Lương.
Thành lập mới 14 CCN gồm: Yên Lệnh, Trác Văn, làng nghề Nha Xá, làng nghề Tiên Sơn, Đồng Hóa, Lê Hồ, Thi Sơn I, Đức Lý, Tiến Thắng, Thái Hà, Thanh Liêm I, Thanh Liêm II, Trung Lương 2 và La Sơn.
-Khu Đại học Nam Cao gồm tổ hợp các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng đồng bằng sông Hồng.
-Khu du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf gồm: Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, huyện Kim Bảng; khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng; khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí và sân golf. Trong đó đầu tư nâng cấp 02 Khu phức hợp thể thao, giải trí, sân golf hiện có tại huyện Kim Bảng. Thu hút đầu tư xây dựng mới Khu phức hợp thể thao, giải trí, sân golf đồi Hoa Sen tại huyện Kim Bảng và Khu phức hợp thể thao, giải trí, sân golf đồi Con Phượng tại huyện Thanh Liêm…
Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với điều kiện đặc điểm tự nhiên, sinh thái; hình thành các vùng trồng trọt tập trung, trọng tâm là vùng sản xuất lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao tập trung tại các huyện: Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm và Kim Bảng.
Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung vào chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa, dê và gia cầm.
Phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu Giang và các vùng chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản hiện có.
Hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Thanh Liêm, Lý Nhân và Bình Lục.
Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phục vụ cho việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân, tạo nền tảng để phát triển du lịch bền vững.
Quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, con người Hà Nam với bạn bè trong nước và quốc tế.
www.baohanam.com.vn