Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2008-2020, Hà Nam đã thực hiện 30 dự án công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, với tổng công suất thiết kế hơn 100.000m3/ngày đêm. Hiện 29 công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động, được giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác. Đến thời điểm này, hầu hết các công trình nước sạch tập trung nông thôn đã phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Toàn tỉnh đã có khoảng 88% hộ sử dụng nước từ các công trình nước sạch tập trung. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, công tác quản lý vận hành các công trình nước sạch nông thôn ở nhiều địa phương đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Tại khu vực các xã phía Bắc huyện Lý Nhân, hiện có 3 nhà máy nước sạch tập trung do Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam đang quản lý và vận hành, gồm: Nhà máy nước sạch tập trung xã Nguyên Lý (cấp cho xã Nguyên Lý và Đức Lý), Nhà máy nước sạch tập trung xã Hợp Lý (cấp cho xã Hợp Lý, Văn Lý, Chính Lý và Công Lý), Nhà máy nước sạch tập trung xã Chân Lý (cấp cho xã Chân Lý, Trần Hưng Đạo, Bắc Lý và Đạo Lý). Các nhà máy này đang cấp nước sạch sinh hoạt cho trên 90% số hộ dân trong vùng phục vụ.

Công trình cấp nước sạch tập trung xã Nguyên Lý có công suất thiết kế 2.000 m3/ngày đêm, áp dụng công nghệ lọc ngược tiên tiến, được xây dựng từ năm 2013. Nhà máy đã lắp đặt 80 km đường ống nước phủ kín địa bàn dân cư của xã Nguyên Lý và Đức Lý. Hiện đã có 5.500 hộ tại hai địa phương lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch của nhà máy, chiếm trên 90% tổng số hộ. Mỗi tháng, Nhà máy nước sạch tập trung Nguyên Lý cung cấp bình quân 50 nghìn m3 nước sinh hoạt, đạt bình quân 9,5 m3/hộ/tháng.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Để kiểm soát tốt chất lượng nước, nhà máy đã ký hợp đồng nội kiểm với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế). Định kỳ hằng tháng, trung tâm sẽ lấy các mẫu nước xét nghiệm, gồm: Mẫu nước tại nhà máy, tại đường phân phối và hộ dân bất kỳ. Tất cả các mẫu nước xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn các chỉ tiêu cho phép.

Ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam cho biết: Các nhà máy của doanh nghiệp đều lấy nước nguồn từ sông Hồng giúp bảo đảm chất lượng đầu vào. Trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn chủ động kiểm soát bảo đảm người dân được sử dụng nước sinh hoạt tốt nhất. Nhà máy có số điện thoại đường dây nóng trực tiếp của giám đốc để giải quyết kịp thời mọi ý kiến của người dân.

Từ khi có những công trình cấp nước sạch tập trung, tỷ lệ các hộ sử dụng nước sạch ở các địa phương ngày càng tăng. Hệ thống giếng khoan trước đây một phần bị loại bỏ, những hộ còn giữ lại chỉ lấy nước phục vụ sản xuất (tưới cây, rửa chuồng trại chăn nuôi). Tại xã Nguyễn Úy (Kim Bảng), hiện 100% người dân trên địa bàn sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước sạch tập trung của Công ty cổ phần Cấp nước Hà Nam. Được biết, thời gian qua, để nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn, doanh nghiệp đã thay thế toàn bộ đường ống dẫn nước đạt tiêu chuẩn đến tận hộ. Chị Đoàn Thị Cúc, thôn Cát Thường, xã Nguyễn Úy hiện đã sử dụng hoàn toàn nước máy từ công trình cấp nước sạch tập trung cho sinh hoạt gia đình. Bình quân mỗi tháng, gia đình chị dùng khoảng 20 m3 nước sạch.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Theo số liệu của Sở NN&PTNT, thực hiện chương trình nước sạch khu vực nông thôn, trong giai đoạn 2008 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung. Đã có 30 dự án công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn (công suất lớn hơn 1.000 m3/ngày đêm), với tổng công suất 100.000 m3/ngày đêm. Trong đó, 29 công trình đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Các nguồn vốn được huy động đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, Ngân hàng Thế giới và vốn doanh nghiệp. Cụ thể, ngân sách nhà nước đầu tư 100% có 6 công trình; ngân sách nhà nước (60%) và doanh nghiệp (40%) có 13 công trình; vay Ngân hàng Thế giới (Trung ương hỗ trợ 60%, tỉnh vay lại Chính phủ 30%, nhân dân đóng góp 10%): có 10 công trình; doanh nghiệp đầu tư 100% có 1 công trình. Ngoài ra, còn 17 công trình cấp nước tập trung nhỏ lẻ do UBND các xã quản lý.

Đánh giá về hiệu quả sau đầu tư của các công trình, ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT) khẳng định: Các công trình cấp nước sạch tập trung duy trì hoạt động khá tốt. Chất lượng nước cơ bản được bảo đảm theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế qua việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Những công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, tăng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thay đổi bộ mặt nông thôn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và từng bước xây dựng nông thôn mới nâng cao trên toàn tỉnh… Hiệu quả đem lại từ các nhà máy nước sạch tập trung khu vực nông thôn của Hà Nam đã được khẳng định, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt gần 90%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, quá trình hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Trước tiên, về cơ chế chính sách, theo các quy định của Chính phủ (Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 về một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn) và của các bộ, ngành gồm: Thông tư 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính trước năm 2017 (khi Thông tư 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực) quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch (bao gồm dự án xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp) và quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch theo hệ thống tập trung, phục vụ cho sinh hoạt và các mục đích khác của cộng đồng dân cư nông thôn, đối tượng ưu tiên áp dụng bàn giao là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập, hợp tác xã, tổ hợp tác, tư nhân.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định với chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn cho doanh nghiệp và giao quản lý vận hành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên sau khi Thông tư 76/2017/TT-BTC ngày 26/7/2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực và gần đây Chính phủ ban hành Nghị định 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định các doanh nghiệp không còn được ưu tiên giao tài sản mà chỉ được thực hiện bằng phương thức bán tài sản theo hình thức đấu giá, dẫn đến việc quyết toán vốn đầu tư và giao tài sản (các công trình được đầu tư hoàn thành dự án trước năm 2017 và đầu tư mở rộng sau năm 2017 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán) cho các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều vướng mắc. Trong khi đó, các quy định cụ thể hỗ trợ bù giá nước từ nguồn ngân sách cho giá nước sạch được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ trong quá trình khai thác, sản xuất, phân phối, tiêu thụ và có lợi nhuận theo các quy định của pháp luật đến nay vẫn chưa được ban hành.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Được biết, đến thời điểm này, các công trình nước sạch tập trung sau đầu tư đã được UBND tỉnh giao cho các đơn vị quản lý, vận hành cơ bản bảo đảm theo quy định Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 04/5/2013 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại sau khi được giao quản lý khai thác công trình các doanh nghiệp hầu hết chưa xây dựng hoặc chưa phê duyệt được phương án sản xuất kinh doanh (phương án giá). Một số dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành cung cấp nước sạch chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành.

Cũng theo ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN & PTNT): Trong giai đoạn 2009 - 2016, vai trò quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn đã được khẳng định, công tác xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn được đẩy mạnh. Đặc biệt, đã khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, nhất là công trình cấp nước tập trung. Dựa trên các quy định cơ quan quản lý nhà nước chỉ giữ vai trò tư vấn, giao cho nhà thầu là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty tư nhân đảm nhiệm thông qua đấu thầu cạnh tranh, hình thành thị trường các dịch vụ cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn theo đúng định hướng. Vì vậy, với việc giải thể Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, chuyển nhiệm vụ quản lý các hợp đồng thuê khoán; quản lý tài sản các nhà máy nước sạch nông thôn cho cơ quan chuyên môn về nước sạch (Sở NN&PTNT) đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Thêm vào đó, công tác quản lý giám sát sau đầu tư cũng đang tồn tại một số khăn nhất định. Một số nhà máy đầu tư xây dựng theo cơ chế 60% và 40% chủ đầu tư tự mở rộng vùng cấp nước, điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình sau đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý nước không tuân thủ quy định của Luật Xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan. Các dự án nhà máy cung cấp nước sạch tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng trong thời gian qua đa số được hình thành một phần vốn từ ngân sách nhà nước vào đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xây dựng, các nhà máy này đều đã được giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác, do đó việc hạch toán kinh doanh do các doanh nghiệp tự chủ tự chịu trách nhiệm hạch toán báo cáo với cơ quan thuế, việc giám sát các hoạt động kinh doanh từ các khoản thu chi của các doanh nghiệp không có cơ quan kiểm soát, giám sát. Hơn nữa, trách nhiệm của chính quyền địa phương và trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị cung cấp nước không có sự ràng buộc chặt chẽ dẫn đến tình trạng nhiều địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, giám sát đối với các nhà máy nước sạch trên địa bàn.

Qua rà soát, tại một số thời điểm còn một số doanh nghiệp, chính quyền địa phương vận hành công trình chưa đạt hiệu quả cao dẫn tới chất lượng nước cung cấp có một số chỉ tiêu chưa bảo đảm. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nước thô đầu vào của một số nhà máy khai thác từ sông Châu, sông Sắt,… đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, một số nhà máy được đầu tư từ lâu, công trình bị xuống cấp, dây chuyền công nghệ đã lạc hậu như: nhà máy nước sạch xã Bồ Đề, nhà máy nước sạch Thanh Lưu. Năng lực quản lý, vận hành của cán bộ, nhân viên của một số nhà máy nước còn nhiều hạn chế, quá trình thi công các công trình hạ tầng giao thông làm vỡ đường ống, bục mối nối nên có thời điểm nước bẩn xâm nhập vào trong đường ống dẫn đến nước sạch cung cấp cho người dân bị đục và có cặn bẩn, dụng cụ chứa nước của các hộ dân lâu ngày không được thau rửa thường xuyên.

Điển hình là Nhà máy nước sạch xã Bồ Đề do UBND xã Bồ Đề quản lý vận hành. Theo kết quả giám sát chất lượng nước sạch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Hà Nam) thì các mẫu nước lấy tại nhà máy và trên mạng lưới đường ống phân phối đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định (QCVN 01-1:2018/BYT). Nguyên nhân theo ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, là do chất lượng nguồn nước đầu vào tại sông Châu, sông Sắt nhiều lúc chưa đạt yêu cầu do bị ô nhiễm. Hơn nữa, Nhà máy nước Bồ Đề đã được đầu tư từ lâu (năm 2006) đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu khi hỏng hóc khó tìm được phụ tùng thay thế; hệ thống đường ống hay bị hỏng, vỡ gây thất thoát nước lớn. Từ năm 2006 đến nay, Nhà máy nước sạch Bồ Đề nợ thuế của Nhà nước khoảng 670 triệu đồng và hiện nay không có khả năng trả nợ do hoạt động của nhà máy thường xuyên thua lỗ, trong khi địa phương không thể cân đối được nguồn kinh phí để cải tạo và nâng cấp nhà máy…

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn

Theo ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để sớm gỡ khó trong công tác quản lý và vận hành các công trình nước sạch tập trung nông thôn, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định phương án giá của các doanh nghiệp; đồng thời là cơ quan quản lý thu nộp các khoản phải thu của các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn; đẩy nhanh việc thẩm định và phê duyệt quyết toán của các nhà máy nước sạch tập trung nông thôn chưa được phê duyệt quyết toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xử lý các tồn tại đối với  doanh nghiệp được giao quản lý vận hành tiếp tục cho phép thực hiện đầu tư chưa bảo đảm  các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Riêng đối với Sở NN &PTNT chịu trách nhiệm rà soát phân loại các công trình nước sạch tập trung nông thôn theo Nghị định 43 của Chính phủ. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương nghiêm túc thực hiện ký kết thỏa thuận dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước quy định tại Điều 31 văn bản hợp nhất số 12/VBHN-BXD ngày 27/4/2020 của Bộ Xây dựng về quản lý và cung cấp nước sạch; coi đây là cơ sở để các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát đối với các nhà máy nước sạch trên địa bàn…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nước sạch tập trung nông thôn; nâng cao sự phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế, Sở NN & PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác giám sát, bảo vệ chất lượng nước nguồn nước mặt trên hệ thống các sông chính trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BYT ngày 06/6/2022 của Bộ Y tế và Quyết định số 58/2022/QĐ-UBND ngày 21/12/2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tỉnh Hà Nam. Quản lý chặt chẽ việc xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung và nước thải từ các làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời với việc tuyên truyền người dân sử dụng và bảo vệ các công trình nước sạch tập trung; bảo vệ nguồn nước.

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn
Lấy mẫu và kiểm tra thiết bị tại Nhà máy nước Nguyên Lý (Lý Nhân).

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành và doanh nghiệp sớm rà soát lập kế hoạch đầu tư xây dựng và cải tạo nâng cấp các nhà máy nước theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-UBND để bảo đảm cho việc khai thác tối đa nguồn nước cung cấp được lấy từ sông Hồng, sông Đáy thay thế nguồn nước mặt bị ô nhiễm hiện nay. Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các nhà máy đã đầu tư xây dựng từ lâu; đặc biệt chú trọng áp dụng công nghệ xử lý mới phù hợp với chất lượng nguồn nước đầu vào, đảm bảo đầu ra đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo quy định. Về giải pháp  tài chính, theo ông Vũ Kim Hà, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, nhà nước cần tiếp tục bố trí nguồn vốn hỗ trợ theo cơ chế xã hội hóa nước sạch. Hỗ trợ cấp bù giá nước theo quy định của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT (đã được thay thế bằng Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính). Trên cơ sở đó, nhằm huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp để cải thiện chất lượng nguồn nước đầu vào; đầu tư áp dụng các công nghệ xử lý nước hiện đại tại các vùng không có khả năng thay đổi được nguồn nước…

Quản lý vận hành hiệu quả công trình nước sạch tập trung nông thôn
Ở một số nhà máy, móc móc thiết bị đã xuống cấp, công suất thấp ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong vùng.

Riêng đối với Nhà máy nước Bồ Đề (Bình Lục), ông Nguyễn Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục nêu một số đề xuất cụ thể như: Đề nghị Chi cục Thuế khu vực Thanh Liêm - Bình Lục thực hiện thoái thu phần thuế mà UBND xã Bồ Đề nợ từ năm 2006 đến nay; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện nâng cấp cải tạo nhà máy, nhằm nâng cao chất lượng nước phục vụ nhân dân và sớm thực hiện bàn giao toàn bộ nhà máy và hệ thống đường ống nước cho doanh nghiệp quản lý, vận hành…

Thực hiện chủ trương, chuyển đổi sang khai thác nguồn nước sông Hồng đối với các nhà máy đang khai thác nguồn nước mặt ô nhiễm theo qui hoạch đã được phê duyệt, vừa qua, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Minh Khôi tập trung các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành nhà máy nước sạch sông Hồng theo đúng kế hoạch đề ra; hoàn thiện các thủ tục đầu tư, sớm triển khai đầu tư dự án nhà máy nước Đạo Lý…

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phía nhà nước và các doanh nghiệp, thiết nghĩ, mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước.         

Nội dung: Minh Thu – Mạnh Hùng
Thiết kế: Đức Huy

        

baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy