Với mục tiêu thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự công cộng (TTCC), trật tự đô thị (TTĐT), mỹ quan đô thị, ngày 10/4/2023, UBND thành phố Phủ Lý triển khai Đề án 01 về thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo (Đề án 01). Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, Đề án 01 đã phát huy hiệu quả thiết thực, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương, tạo sự thông thoáng, an toàn trên mỗi tuyến đường, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Thành phố Phủ Lý là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nên mật độ giao thông luôn đông đúc. Vài năm trở lại đây, thành phố được coi là điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), TTATGT, TTCC, TTĐT. Trước thực trạng đó, thời gian qua, các đơn vị, lực lượng chức năng thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), song do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tình hình ANTT, TTATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Ngay sau khi Đề án 01 của UBND thành phố được ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Phủ Lý đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, bài bản nhằm quyết tâm xây dựng đô thị văn minh, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại I trước năm 2030.
Khi triển khai thực hiện đề án, thành phố xác định phải có lộ trình, bước đi phù hợp; cách thức triển khai bài bản, khoa học kết hợp hài hòa giữa thông tin tuyên truyền, vận động, hướng dẫn với thực thi các biện pháp hành chính, tránh cực đoan, nhũng nhiễu, tiêu cực gây mất ANTT, ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
Để chính quyền, các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân cùng đồng thuận chung tay thực hiện các giải pháp đặt ra trong Đề án 01, thành phố Phủ Lý đã ban hành 16 văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT. Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án theo từng nội dung, giai đoạn, chuyên đề cụ thể; UBND các xã, phường thành lập tổ công tác, phân công 1 đồng chí lãnh đạo UBND là tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT tại địa phương.
Sau 1 năm thực hiện đề án, toàn thành phố đã xây dựng hàng năm tin, bài, phóng sự tuyên truyền đậm nét những quy định của pháp luật về TTATGT, TTCC, TTĐT; chỉ đạo công an thành phố phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo, ban giám hiệu các trường học và một số doanh nghiệp tổ chức 58 buổi tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về TTATGT; hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho gần 32 nghìn giáo viên, học sinh; tặng trên 500 mũ bảo hiểm cho học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Các cấp, ngành hữu quan cũng đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với 80 tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện vận tải về chấp hành quy định pháp luật về TTATGT, không chở hàng quá tải, cơi nới thành thùng xe, không điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia; tuyên truyền, ký cam kết với 119 chủ cơ sở kinh doanh ăn uống về chấp hành quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; tuyên truyền, ký cam kết với 50 chủ kinh doanh vật liệu xây dựng, 213 hộ kinh doanh, buôn bán trên các tuyến đường về chấp hành nghiêm quy định TTATGT, TTCC, TTĐT; xây dựng mới và duy trì có hiệu quả 63 mô hình “Cổng trường ATGT”.
UBND các phường, xã tổ chức 215 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định về TTATGT, TTCC, TTĐT thông qua các cuộc họp thôn, tổ phố, sinh hoạt đoàn thể. Các cấp, ngành của thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền gắn với rà soát, xử lý hiệu quả những bất cập, thiếu sót về hạ tầng và tổ chức giao thông; quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải.
Thực hiện Đề án 01, hơn 1 năm qua, các cấp, ngành, lực lượng chức năng của thành phố Phủ Lý đã tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý những vi phạm nhằm bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn. Lực lượng công an thành phố đã huy động, phân công trên 50 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện cắm chốt tại một số nút giao thông trọng điểm, tăng cường tuần tra, kiểm soát (TTKS) lưu động tại các tuyến đường.
Thông qua TTKS, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 3.407 trường hợp vi phạm (438 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 757 trường hợp vi phạm về không đội mũ bảo hiểm, 377 trường hợp vi phạm khi tham gia giao thông dừng đỗ, 290 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn điều khiển giao thông, 110 trường hợp vi phạm tốc độ… ), phạt tiền trên 6 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 647 trường hợp, tạm giữ 521 phương tiện.
Lực lượng công an thành phố cũng thường xuyên tăng cường TTKS công khai kết hợp với hóa trang, thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những trường hợp xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, bốc đầu, gây rối TTCC, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến ANTT.
Qua 1 năm thực hiện Đề án 01, lực lượng công an thành phố đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 4 vụ, xử lý hình sự 52 đối tượng, xử lý hành chính 4 đối tượng; thông báo 10 trường hợp cán bộ, đảng viên (CBĐV) vi phạm quy định về TTATGT, đề nghị cơ quan, đơn vị xử lý theo quy định của Đảng.Đối với công tác bảo đảm TTCC, TTĐT, giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, UBND thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với UBND các phường, xã tổ chức nhiều đợt ra quân cưỡng chế, xử lý giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè trái quy định để kinh doanh và sử dụng vào mục đích khác, vi phạm TTATGT, TTCC, gây mất mỹ quan đô thị.
Kết quả: đã nhắc nhở 521 trường hợp; tạm giữ trên 1 nghìn tang vật vi phạm (biển quảng cáo, bàn, ghế, ô che và nhiều vật dụng khác); tiến hành tháo gỡ 110 lều lán, quán tạm, mái che, mái vẩy; giải tỏa 35 lượt chợ cóc, 50 điểm tập kết vật liệu xây dưng; ký cam kết không vi phạm lòng đường, vỉa hè đối với 2.447 hộ, cơ sở kinh doanh hàng hóa; lập biên bản xử lý 92 trường hợp, phạt tiền trên 41 triệu đồng, tạm giữ 18 phương tiện, đồ vật. Đồng thời, phối hợp với ngành đường sắt tiến hành xóa bỏ 11 lối đi tự mở trái phép; lắp đặt cọc tiêu, biển báo “cấm ô tô” tại 15 lối đi tự mở, 3 đường ngang qua đường sắt.Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống điểm đỗ xe tĩnh, đỗ xe công cộng, bãi, điểm gửi xe trên địa bàn thành phố được chú trọng. Công tác tổ chức giao thông được tổ chức khoa học, hợp lý, khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ.
Cụ thể: đã tổ chức điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu tại 28 nút giao; phối hợp, thực hiện xử lý 4 “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT; thực hiện bổ sung thiết bị ATGT, vạch sơn kẻ đường, thiết bị cảnh báo ATGT tại 14 điểm tiềm ẩn TNGT. Điểm nổi bật trong công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn thành phố qua hơn 1 năm thực hiện Đề án 01 là việc ứng dụng khoa học – công nghệ trong triển khai các dự án, nâng cấp mở rộng tiện ích Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo lắp đặt 68 camera giám sát giao thông, giám sát an ninh 24/24 giờ tại một số tuyến đường, nút giao thông trọng điểm để tăng cường quản lý xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm, xử lý phạt nguội đối với người điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT. Kết quả, thông qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 349 trường hợp vi phạm về ATGT (chủ yếu ở các hành vi: vượt đèn đỏ; không chấp hành vạch kẻ đường; không đội mũ bảo hiểm; dừng, đỗ xe không đúng quy định...); xử phạt gần 1,3 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ tháng 10/2023, thành phố đưa hệ thống phản ánh hiện trường “Phuly-S” vào hoạt động bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, được người dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Đến nay, toàn thành phố có 8.192 lượt cài đặt App “Phuly-S”. Trung tâm điều hành đô thị thông minh đã tiếp nhận, xử lý 285 phản ánh của người dân, doanh nghiệp được gửi đến thông qua APP Phuly-S và website https://paht-phuly.vn.
Có thể khẳng định, sau 1 năm triển khai Đề án 01, việc thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, rõ nét. Tư duy, nhận thức của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT có chuyển biến tích cực; tác phong, lề lối làm việc, quy trình công tác TTKS, xử lý vi phạm, tiếp xúc, tuyên truyền, hướng dẫn vận động nhân dân, doanh nghiệp được thực thi đồng bộ, bài bản; ý thức người tham gia giao thông được nâng lên, văn hóa giao thông được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. TNGT vẫn tăng 2 tiêu chí (số vụ, số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước (tăng 17 vụ, tăng 24 người bị thương); đặc biệt TNGT đường sắt tăng 100%, chưa đạt mục tiêu đề ra; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, họp chợ, đậu đỗ phương tiện cơ giới gây mất TTATGT và mỹ quan đô thị vẫn diễn ra ở một số tuyến đường, khu dân cư; tình trạng thanh thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, bốc đầu xe gây bức xúc dư luận vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu gia tăng của phương tiện giao thông. Đáng chú ý là cấp ủy, chính quyền một số phường, xã chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến TTATGT, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Để tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương TTATGT, TTCC, TTĐT, thời gian tới, UBND thành phố Phủ Lý xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của trung ương, của tỉnh về công tác bảo đảm TTATGT. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, TTCC, TTĐT. Trong quá trình xử lý đề cao phương châm tuyệt đối thượng tôn pháp luật “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nghiêm cấm CBĐV can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, TTCC, TTĐT, phấn đấu kiềm chế, kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí 5-10%.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi đối tượng; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng khu vực, địa bàn, lứa tuổi, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên… nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT.
Thực hiện hiệu quả việc phân luồng, chỉ huy, hướng dẫn giao thông; tổ chức TTKS khép kín địa bàn 24/24 giờ, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT (vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, không chấp hành đèn tín hiệu giao thông...).
Giải quyết dứt điểm tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng. Vận hành, khai thác tối đa hiệu quả tiện ích của Trung tâm điều hành đô thị thông minh phục vụ giám sát tình hình ANTT, TTATGT, TTCC, TTĐT. Nâng cao chất lượng xây dựng các công trình giao thông; khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT. Duy trì hoạt động các mô hình tự quản đang có hiệu quả để tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành nghiêm quy định về TTATGT.
Việc bảo đảm TTATGT, TTCC, TTĐT không chỉ tạo sự văn minh cho đô thị, giảm thiểu ùn tắc, va chạm, TNGT mà còn từng bước hình thành văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân. Do vậy, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành quy định về TTATGT, TTCC, TTĐT vì sự an toàn của chính mình và xã hội.
Thực hiện: Trần Ích
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn