Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Trẻ em thường hiếu động, kỹ năng sống chưa nhiều. Vì thế, trong sinh hoạt, vui chơi dễ xảy ra tai nạn thương tích (TNTT) khiến không ít trẻ bị tàn phế, tử vong. Nhiều năm qua, việc phòng, chống TNTT cho trẻ trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực. Số trẻ bị TNTT, tử vong do TNTT có giảm. Tuy nhiên, mỗi năm trên địa bàn tỉnh vẫn có hàng trăm trẻ bị TNTT. Để giảm thiểu TNTT rất cần sự quan tâm sâu sát hơn nữa của gia đình, cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của toàn xã hội.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Theo lời kể của một cán bộ  xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, hôm đó là chiều ngày 15/5, thời tiết nóng bức, lại không phải đến trường, một số học sinh lớp 7 rủ nhau ra đầm nước gần trụ sở UBND xã tắm. Trong đó có cháu N.Q.A (SN 2010), mặc dù không biết bơi nhưng cháu vẫn xuống đầm nghịch nước. Trong lúc tắm có 3 cháu bị sa vào hố nước sâu dưới đầm, 2 cháu biết bơi thoát lên được, nhưng cháu N.Q.A không biết bơi, vùng vẫy và chìm dần. Lúc đó các cháu còn lại cũng có kêu cứu nhưng do là khu vực xa khu dân cư, vắng người qua lại nên không có ai ứng cứu. Cháu N.Q.A đã bị tử vong do đuối nước, nỗi đau quá thương tâm với gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm. Trên địa bàn xã Chuyên Ngoại trong tháng 5 còn có một cháu sinh năm 2008 bị tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Cháu mượn xe đạp điện và đi chơi ở Lý Nhân cách nhà khoảng 3-4 km và bị TNGT, tử vong trên địa bàn huyện Lý Nhân.  

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ emCũng chỉ trong thời gian ngắn cuối tháng 5, đầu tháng 6, trên địa bàn xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên cũng có 2 trẻ em tử vong do TNTT. Một cháu sinh năm 2017 ở Hoàn Dương, tử vong do đuối nước. Một cháu có anh trai chở bằng xe đạp đi chơi và bị TNGT, người em ngồi sau tử vong, anh thì bị thương.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), từ ngày 1/1-12/6/2023, toàn tỉnh có 279 trẻ em bị TNTT, trong đó có 14 trẻ tử vong. Đây là con số hết sức đau lòng. Trong số các cháu bị TNTT, nhiều nhất là trẻ bị ngã, 131 trẻ; kế đó là bị các vật, thiết bị cắt, đâm 52 trẻ; TNGT 36 trẻ; súc vật cắn 14 trẻ; bỏng, cháy 10 trẻ; đuối nước 8 trẻ;… Một số tai nạn gây nên hậu quả nghiêm trọng, cướp đi tính mạng trẻ. Ví dụ đuối nước cả 8/8 trẻ bị đều tử vong, TNGT 5/36 trẻ tử vong.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Trẻ bị đuối nước. Hình ảnh minh họa

Năm 2022 toàn tỉnh cũng có 252 trẻ bị TNTT, trong đó có 29 trẻ tử vong. Trong số trẻ tử vong nhiều nhất vẫn là bị đuối nước (17 trẻ), kế đến là TNGT (3 trẻ).

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Nhiều năm qua thực hiện các chương trình phòng, chống TNTT trẻ em, nhiều hoạt động đã được triển khai, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Phổ biến cách phòng, chống TNTT cho trẻ, nhất là các loại tai nạn gây tử vong nhiều ở trẻ như TNGT, đuối nước. Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ trẻ em ở gia đình, cộng đồng cho cán bộ làm công tác trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Các ngành, hội, đoàn thể như giáo dục; văn hóa, thể thao và du lịch; đoàn thanh niên; hội phụ nữ;… cũng có các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về phòng, chống TNTT cho trẻ, dạy bơi, tập huấn Luật Giao thông đường bộ. Phong trào xây dựng ngôi nhà an toàn, nhà trường an toàn, cộng đồng an toàn đã được quan tâm. Việc tăng cường kỹ năng phòng, chống TNTT cho trẻ em cũng được quan tâm qua các lớp dạy bơi, cứu đuối, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Tuyên truyền và hướng dẫn kĩ năng phòng chống đuối nước tại trường THCS Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam.

Nhờ đó số trẻ bị TNTT, tử vong do TNTT có giảm. Kết quả thực hiện các mục tiêu của Quyết định 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt và vượt. Ví dụ theo kế hoạch đến năm 2020 tỷ suất trẻ em bị TNTT giảm xuống còn 600/100.000 trẻ em, Hà Nam thực hiện năm 2019 còn 126/100.000 trẻ em. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do TNTT, mục tiêu tại Quyết định 234/QĐ-TTg là 17/100.000 trẻ em, Hà Nam thực hiện giảm còn 10/100.000 trẻ em năm 2019.

Những năm qua, thực hiện Kế hoạch 2543/KH-UBND của UBND tỉnh về Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030, các đơn vị cũng triển khai nhiều hoạt động, đặc biệt tập trung vào việc dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng, tránh đuối nước, TNGT- hai loại TNTT gây tử vong nhiều nhất ở trẻ. Các ngành chức năng, địa phương đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy bơi, cứu đuối cho trẻ, trang bị cho trẻ kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Công tác phòng, chống TNTT cho trẻ nhờ đó cũng có kết quả khả quan hơn.

Theo Kế hoạch thực hiện Quyết định 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chương trình phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025 tỷ suất trẻ em bị TNTT giảm xuống còn 300/100.000 trẻ em. Tỉnh Hà Nam thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 còn 130/100.000 trẻ em. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do TNTT năm 2025 xuống còn 15/100.000, 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Hà Nam thực hiện giảm còn 7/100.000 em.

Tuy đã giảm, nhưng nhiều ca TNTT vẫn xảy ra với trẻ, có những ca tử vong rất thương tâm. Thực tế nhiều gia đình luôn quan tâm đến việc tạo môi trường an toàn cho con em tại chính ngôi nhà của mình. Tuy nhiên vẫn không ít gia đình vì bố mẹ, người chăm sóc chưa nhận thức thấu đáo vấn đề, không có đầy đủ kiến thức về phòng, chống TNTT cho trẻ, cộng với việc bận rộn, kinh tế eo hẹp, nên chưa có sự quan tâm tạo môi trường an toàn cho con em ở nhà. Ví dụ nhà có ao nhưng chưa làm rào chắn. Không để vật sắc nhọn ngoài tầm tay của trẻ, hoặc với trẻ lớn không dạy trẻ cách sử dụng vật nhọn an toàn. Trong sinh hoạt hằng ngày không chú ý nguy cơ từ nước sôi, lửa khiến trẻ bị bỏng. Nuôi động vật, như chó, mèo,… không chú ý bảo đảm sự an toàn cho trẻ dẫn đến trẻ bị vật nuôi cắn. Số trẻ bị TNTT xảy ra ở nhà vẫn nhiều, trong đó có những ca lấy đi tính mạng trẻ.

Đặc biệt ngoài cộng đồng, những nguy cơ có thể gây TNTT cho trẻ còn nhiều. Ví dụ như có khá nhiều hồ, ao, đầm mực nước sâu nhưng không có hàng rào bảo vệ, hoặc có nhưng không đầy đủ. Có những vị trí đã từng xảy ra đuối nước nhưng không được cắm biển cảnh báo, hoặc có cắm nhưng chỉ được một thời gian, biển cảnh báo không còn nhưng không được kiểm tra để cắm lại.

Trong số những ca xảy ra TNTT trong 6 tháng đầu năm 2023, địa điểm xảy ra TNTT ở nhà là nhiều nhất, 136 trẻ, trong đó có 3 trẻ tử vong. Kế đến là tại cộng đồng, có 107 trẻ, 11 trẻ tử vong. Ở trường học có 36 trẻ bị TNTT, không có trẻ tử vong. Năm 2022, trong số 29 trẻ tử vong do TNTT có 8 ca xảy ra ở nhà, trong đó có 5 ca đuối nước; 21 ca xảy ra ở cộng đồng, trong đó 17 ca đuối nước, 3 ca TNGT.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Ở các vùng quê vẫn còn tình trạng trẻ em tự xuống hồ nghịch nước, rất nguy hiểm.

Một lý do nữa khiến ở một số địa phương công tác trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời, đó là cán bộ phụ trách công tác trẻ em kiêm nhiệm nhiều việc. Hiện tại cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cấp xã, phường, thị trấn do cán bộ LĐ,TB&XH kiêm nhiệm. Bà Vũ Thị Loan, Phó Trưởng phòng LĐ,TB&XH thị xã Duy Tiên cho biết, lĩnh vực LĐ,TB&XH rất nhiều đầu việc nhất là cấp xã. Hiện mỗi cán bộ LĐ,TB&XH cấp xã phụ trách hàng chục đầu việc, trong đó có những việc tốn rất nhiều thời gian như phụ trách đối tượng người có công, bảo trợ xã hội,... nên nhiều khi công tác tham mưu, thực hiện công tác trẻ em trên địa bàn quản lý còn hạn chế.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Duy Tiên là một địa phương khá tích cực trong công tác phòng, chống TNTT cho trẻ, đặc biệt là việc phối hợp tổ chức các lớp bơi, cứu đuối, tuy nhiên 6 tháng đầu năm địa phương vẫn có tới 5 trẻ tử vong do TNTT trong đó có 2 ca đuối nước. Ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng phòng LĐ,TB&XH thị xã cho rằng, để phòng, chống, giảm thiểu TNTT ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho bố mẹ, người chăm sóc trẻ, thì cần tăng cường hơn nữa việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ, tạo sân chơi an toàn cho trẻ, nhất là trong dịp hè.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Một lớp dạy bơi miễn phí hè 2023 dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở thị xã Duy Tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, hiện trẻ ở các khu đô thị, được tiếp cận nhiều với các lớp dạy kỹ năng sống, các lớp học năng khiếu trong dịp hè cũng như trong năm học. Nhưng trẻ ở nông thôn cách xa trung tâm, bố mẹ thu nhập mức độ, lại bận đi làm, trẻ gần như không có chỗ chơi an toàn. Với các cháu nhỏ có người chăm sóc, nhưng với các cháu lớn hơn không thể suốt ngày bắt các cháu ở nhà. Vì thế cần có các hoạt động bổ ích, sân chơi an toàn để các cháu tham gia, cũng là phòng, tránh TNTT có thể xảy ra.

Chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa đến việc loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ trong cộng đồng. Cùng với việc đẩy mạnh xã hội hóa cũng cần có nguồn đầu tư xây dựng, bố trí điểm vui chơi, tạo những sân chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ ở khu vực nông thôn, đặc biệt trong dịp hè.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Trẻ em cần có các điểm vui chơi an toàn và có sự giám sát của người lớn. (Trẻ em vui chơi tại Trung tâm Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh)

Về các giải pháp cụ thể, theo đại diện Sở LĐ,TB&XH, để giảm thiểu TNTT trẻ em, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình về phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước trẻ em bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Tuyên truyền số điện thoại tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, tổng đài hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tỉnh Hà Nam (số 1900.571.208) tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh về các vấn đề, vụ việc, nhu cầu trẻ em cần hỗ trợ.

Cùng với đó, rà soát, phát hiện kịp thời các nguy cơ gây TNTT trẻ em, đặc biệt là khu vực hố nước, hồ, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm, hệ thống thoát nước, đập nước thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Cụ thể như làm rào chắn, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn, phòng, chống TNTT trẻ em. Tăng cường hướng dẫn trẻ em các kỹ năng an toàn phòng, chống TNTT, phòng, chống đuối nước và dạy bơi an toàn cho trẻ em. Triển khai các can thiệp phòng, chống TNTT trẻ em thường gặp như: phòng, chống tai nạn giao thông, ngã, bỏng, súc vật cắn...

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em
Trẻ em ở xã Phù Vân, Phủ Lý hào hứng với trò chơi thả diều.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống TNTT và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phối hợp với ngành giáo dục, đoàn thanh niên thực hiện tốt công tác quản lý và bàn giao trẻ em về gia đình, địa phương trong dịp hè. Vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em các nguy cơ gây TNTT và đuối nước, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Trong thời đại công nghệ, việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức chủ động và linh hoạt. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích thì internet, mạng xã hội cũng chứa đầy những rủi ro tiềm ẩn nếu chúng ta không kiểm soát được, đặc biệt với đối tượng là trẻ em còn rất non nớt, chưa biết cách chọn lọc thông tin, tự bảo vệ mình. Ngoài những nguy cơ mà trẻ dễ gặp phải như bị rối loạn tâm trí, nghiện game, nghiện facebook, sa lầy vào thế giới ảo khiến trẻ bị hạn chế giao tiếp, xa rời cuộc sống thật, trẻ em cũng dễ dàng bị bắt nạt trực tuyến, lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng, hoặc bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật theo các video bạo lực, khiêu dâm.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động, sản phẩm về thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên internet dành cho trẻ em và liên quan đến trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sản phẩm thông tin dành cho trẻ em có nội dung đồi trụy, kích động bạo lực. Thường xuyên theo dõi các thông tin trên mạng xã hội và thực hiện các giải pháp để chủ động phòng ngừa, kịp thời nắm bắt, phát hiện và xử lý các hành vi sử dụng môi trường mạng xâm hại trẻ em. Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông chính thống; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân.

Thực hiện công tác tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, bao gồm các kỹ năng: sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời chú trọng công tác truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Trong dịp hè, trẻ em ở nông thôn hiện đang thiếu các sân chơi an toàn mà hầu hết tự chơi, dễ dẫn đến nguy cơ TNTT. Trẻ nhỏ có người trông nom, nhưng các cháu từ khoảng 8-9 tuổi trở lên thường tụ tập chơi ngoài cộng đồng, có khi chơi ở sân nhà một bạn nào đó, hay ở ngõ xóm, đạp xe ngoài đường, rủ nhau xuống hồ, đầm nghịch nước,… Ở thành phố, thị trấn có các lớp học năng khiếu, học võ, dạy kỹ năng sống. Ở nông thôn không có hoặc nếu có thì rất ít các lớp như thế này, chủ yếu do mức thu nhập của người dân còn mức độ không có điều kiện cho con em theo học. Thiết nghĩ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần có sự đầu tư kinh phí, xã hội hóa để tổ chức được các lớp dạy kỹ năng sống, dạy năng khiếu với mức học phí phù hợp cho con em nông dân, ít nhất là trong dịp hè, để các em có những sân chơi an toàn, bổ ích, phòng tránh TNTT.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Nội dung: Đỗ Hồng.

Thiết kế: Đức Anh.

www.baohanam.com.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy