Từ chuyến chinh phục đỉnh Everest lần đầu vào năm 1953, lượt người leo núi đặt chân lên nóc nhà thế giới tính đến năm 2022 là hơn 11.000 lượt.
Năm 1992, nhà leo núi người Nepal Kami Rita lần đầu chinh phục đỉnh Everest, anh phải đi bộ gần một tháng mới đến được trại căn cứ Everest (Everest Base Camp). Đây là trại nền, điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest, nằm ở độ cao khoảng hơn 5.000 m.
Khi đó, không có chuyến bay nào đến Lukla, thị trấn nhỏ ở đông bắc Nepal mà ngày nay là điểm xuất phát đến Everest Base Camp để lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Kami Rita cho biết nhóm anh phải đi bộ vài tuần trên con đường mòn từ thị trấn Jiri, cách Lukla khoảng 190 km, và đi tiếp 60 km mới đến trại căn cứ. Hầu như không có khách sạn hay hàng quán nào dọc con đường này. Các thành viên đoàn thám hiểm phải tự nấu ăn bằng dầu hỏa, thức ăn là gia súc địa phương. Chuyến thám hiểm thời đó thường kéo dài tới 90 ngày đi bộ.
Ngày nay, người leo núi có thể bay từ thủ đô Kathmandu, Nepal, đến sân bay Lukla, sau đó đi bộ đường dài 62 km lên trại căn cứ Everest. Việc thương mại hóa ngành công nghiệp leo núi trong bối cảnh các công ty du lịch đổ xô khai thác thám hiểm Everest đã khiến hoạt động chinh phục nóc nhà thế giới dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các dịch vụ ở nơi cao nhất thế giới có chi phí lên đến hàng trăm nghìn USD, tương đương hàng tỷ đồng và không phải du khách nào cũng đủ khả năng chi trả.
Hiện những người leo núi thông qua dịch vụ trọn gói phải chi trả trung bình 40.000 USD, khoảng 950.000 triệu đồng, cho mỗi chuyến thám hiểm, bao gồm phí làm giấy phép, phí hướng dẫn, đồ ăn, chỗ ở và các chi phí thuê dịch vụ địa phương.
Chính phủ Nepal đưa ra mức phí 11.000 USD, khoảng 260 triệu đồng, cho giấy phép leo đỉnh Everest từ phía biên giới của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc quy định mức phí cao hơn đối với giấy phép leo lên đỉnh Everest từ Tây Tạng.
Các công ty du lịch cung cấp dịch vụ leo Everest thiết kế các gói dịch vụ khác nhau, chi phí càng cao dịch vụ càng tiện lợi. Chi phí một chuyến gói VVIP có thể lên tới 100.000 USD. Chuyến đi có đầu bếp riêng, chỗ ở sang trọng, trực thăng dự phòng trong ngày, nhiều người trợ giúp, ngoài ra còn có nhiếp ảnh gia và người vác hành lý lên tới 200 kg.
Mỗi ngày có hàng chục chuyến bay đến Lukla. Dịch vụ ngày càng đầy đủ với hàng loạt khách sạn, hàng quán mọc lên, trực thăng luôn sẵn sàng cứu hộ. "Các chuyến thám hiểm Everest ngày nay hiếm khi kéo dài quá 45 ngày", nhà leo núi Kami Rita nói.
Dịch vụ tại các điểm dừng trong hành hành leo Everest cũng phát triển nhiều hơn xưa. Thành phố Kathmandu ngày nay là điểm du lịch có đầy đủ hàng quán và các khách sạn từ bình dân đến 5 sao. Trại căn cứ Everest ở độ cao hơn 5.000 m cũng đầy đủ dịch vụ từ chỗ ở thoải mái, hàng quán, Internet và như ở trung tâm thủ đô Nepal.
Mặc dù đắt đỏ, các chuyến thám hiểm Everest ngày nay thu hút nhiều người leo núi. Ba thập kỷ đầu tiên sau chuyến leo núi thành công đầu tiên của Tenzing Norgay và Edmund Hillary vào tháng 5/1953, chỉ có 158 người, gồm 30 hướng dẫn viên, đã leo lên đỉnh thành công. Đến năm 2022, lượt người leo đến đỉnh Everest tăng lên 11.340 lượt, bao gồm 5.721 lượt được thực hiện bởi các Sherpa (hướng dẫn viên leo đỉnh Everest) từ Nepal và Trung Quốc.
Các Sherpa và công ty du lịch mạo hiểm cho hay đỉnh Everest thu hút những người đam mê thể thao, không ngại chinh phục các thử thách. Ngoài ra, một số người đến vì tiếng tăm lừng lẫy của ngọn núi này. Đối với người làm nội dung kỹ thuật số mảng du lịch, leo Everest cũng là một cách kinh doanh nội dung, kiếm quảng cáo. Chinh phục thành công đỉnh Everest như một thành tích mà nhiều người leo núi hướng đến.
Những năm gần đây, đỉnh Everest nóng hơn với số lượng người leo núi ngày càng tăng và tình trạng "tắc đường" gần đỉnh núi xảy ra thường xuyên hơn. Bộ Du lịch Nepal cho biết đã cấp phép leo Everest cho 325 nhà núi vào năm 2022. Đến tháng 5/2023, con số tăng lên 478 người.
Khimlal Gautam, nhà leo núi từng làm sĩ quan liên lạc điều chỉnh các hoạt động leo núi trên Everest, cho biết ngày càng nhiều người leo núi tiếp cận được Everest vì các công ty thám hiểm thiết kế chuyến đi an toàn hơn, lên kế hoạch tốt hơn nhiều năm trước. Các dịch vụ thám hiểm Everest có khả năng phát triển hơn nữa trong tương lai.
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ cao cấp tăng cao đã dẫn đến tình trạng "khát" Sherpa, những người bản địa có kinh nghiệm dẫn đường lên đỉnh Everest.
"Trước đây, các công ty thám hiểm chỉ thuê những hướng dẫn viên leo núi chuyên nghiệp. Ngày nay, lực lượng lao động thiếu hụt đến mức họ phải đặt hướng dẫn viên trước sáu tháng và sử dụng cả những người dân địa phương chưa có kinh nghiệm leo Everest", Kami Rita, Sherpa ở Nepal từng chinh phục Everest 28 lần cho hay.
South China Morning Post đã khảo sát 4 Sherpa ở Nepal và cho biết hiện mỗi hướng dẫn viên địa phương có thu nhập khoảng 3.780 - 11.340 USD mỗi mùa, tùy thuộc vào kinh nghiệm. Nhiều Sherpa cho rằng con số này chưa tương xứng với công việc nguy hiểm dẫn đường cho người leo núi chinh phục nơi cao nhất thế giới.
"Những ngày đầu làm hướng dẫn viên, chúng tôi thậm chí không kiếm nổi vài nghìn rupee (tương đương vài trăm nghìn đồng). Cách đây khoảng 20 năm, số tiền ít đó có giá trị hơn và chúng tôi có thể làm rất nhiều việc với nó. Ngày nay có thể kiếm được hơn một triệu rupee (hơn 400 triệu đồng) nhưng đồng tiền rớt giá, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống", Kami Rita bày tỏ.
Lượng khách đến Everest ngày một tăng là tín hiệu vui với du lịch Nepal nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tối. Dân địa phương có công ăn việc làm nhờ công việc khuân vác đồ, dẫn đường cho người leo núi. Nhưng rủi ro từ công việc này luôn chực chờ, nhiều người thậm chí tử vong trên đường lên đỉnh Everest. Nguyên do đến từ nhiều yếu tố như cạn kiệt oxy dự trữ, thảm họa thiên nhiên tuyết lở và băng trôi.
Theo cơ sở dữ liệu của Himalaya, từ năm 1953 đến năm 2022, có tới 299 nhà leo núi, bao gồm 113 Sherpa chết trong các chuyến thám hiểm Everest. Chuyến chinh phục nóc nhà thế giới lần đầu được chính thức công nhận là vào năm 1953. Một số dữ liệu cho rằng những năm trước đó có thể nhiều Sherpa đã thiệt mạng khi tìm đường lên đỉnh Everest.
Năm 1924, nhà leo núi người Anh George Mallory đã biến mất ở khu vực gần đỉnh núi và thi thể của ông mãi đến năm 1999 mới được tìm thấy.
Dịch vụ du lịch phát triển cũng kéo theo nhiều vấn đề về môi trường. Gautam, người từng phục vụ trong Ủy ban chính phủ Nepal nhằm cải thiện các cuộc thám hiểm, nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy định tốt hơn trong hoạt động leo núi để tăng cường an toàn và bảo vệ Everest cũng như các ngọn núi khác khỏi ô nhiễm và biến đổi khí hậu, tránh gây ra thảm họa thiên nhiên.
Theo vnexpress.net