Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 khu du lịch và 12 điểm du lịch cấp tỉnh. Đây đều là các khu, điểm du lịch được nhiều người biết đến và khá ấn tượng đối với du khách khi đến với Hà Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và khai thác tiềm năng du lịch của các khu, điểm du lịch trên còn cần nhiều sự quan tâm với các giải pháp thiết thực và hữu hiệu hơn nữa.
Hai điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận sớm nhất (năm 2009) là đền Trúc – Ngũ Động Sơn (thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn) và chùa Bà Đanh - núi Ngọc (thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn) đều của huyện Kim Bảng.
Đền Trúc tọa lạc dưới chân núi Cấm. Tương truyền, khi đưa quân đi chinh phạt Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt có dừng chân nơi đây và được thần linh đất này âm phù. Sau khi thắng giặc trở về ông đã tổ chức khao quân và dạy dân múa hát các làn điệu hát Dậm mừng chiến thắng. Ngày nay, nhân dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được những làn điệu hát Dậm riêng có của mình. Đền mở hội từ mùng 10 Tết Nguyên đán đến 10/2 âm lịch. Nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc là hát Dậm và đua thuyền. Cảnh đẹp của đền là rừng trúc xanh ngắt với những con đường nhỏ quanh co ngắm cảnh sông Đáy, những bậc thang lên đỉnh núi Cấm, hoặc tham quan những hang động dưới chân núi với những nhũ đá thiên tạo kỳ thú.
Cách đền Trúc không xa là chùa Bà Đanh. Chùa thờ Phật và thờ Pháp Vũ – một trong tứ pháp của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng quy mô, nguyên vẹn kiến trúc cổ truyền, có sân trước vườn sau. Cạnh chùa là núi Ngọc do nhiều tảng đá cứng xếp chồng lên nhau soi bóng xuống sông Đáy. Trên núi cỏ cây chen nhau mọc, có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Toàn bộ di tích mang một vẻ đẹp nên thơ, yên bình. Sau khi được công nhận điểm du lịch cấp tỉnh, hai địa điểm trên đã được mở mang, trùng tu, hằng năm thu hút khá đông du khách đến chiêm bái, vãng cảnh.
Hai điểm được công nhận tiếp theo vào năm 2017 là đền Lảnh Giang (thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên) và đền Trần Thương (thôn Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân). Đây là hai địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Nam. Đền Lảnh nằm bên bờ sông Hồng đối diện với đền Mây của một thời đô hội Phố Hiến phồn hoa xưa. Đền thờ tam vị danh thần thời Hùng Vương thứ 18 cùng Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa.
Đền Trần Thương – Di tích quốc gia đặc biệt là một trong 3 nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hai di tích trên của Hà Nam đều lưu giữ được những giá hầu đồng truyền thống góp phần cùng 20 tỉnh, thành trong cả nước đưa hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bốn điểm du lịch trên trong một thời gian dài đã trở thành những điểm du lịch trọng điểm của Hà Nam. Đến nay, đã có nhiều điểm du lịch của các địa phương đầu tư xây dựng, quảng bá trở thành những điểm đến hấp dẫn.
Để công tác quản lý và tổ chức các hoạt động du lịch phát huy hiệu quả, ngày 22/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2363/QĐ-UBND công nhận 9 khu, điểm du lịch cấp tỉnh, gồm: Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng) và các điểm du lịch: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn (thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên); đền Lăng (thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần) và chùa Địa Tạng Phi Lai (thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn) của huyện Thanh Liêm; Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn (thôn Cao Cát, thị trấn Bình Mỹ), Khu Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến (thôn Vị Hạ, xã Trung Lương) của huyện Bình Lục; Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu), Khu Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Vĩnh Trụ (Số 62, Đường Trần Nhân Tông, Tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ) của huyện Lý Nhân; Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Hà Nam và Đền thờ 10 nữ Liệt sỹ dân quân phòng không (tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý).
Các địa điểm này đều có tài nguyên du lịch, đó là có di tích vật thể gắn liền với văn hóa phi vật thể là các lễ hội, hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, những phong tục, tập quán, lễ thức đi cùng. Những di tích trên đều có kết cấu hạ tầng, các dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch, như có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; có điện, nước sạch, biển chỉ dẫn và thuyết minh về điểm du lịch; có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Trong đó, có nhiều khu, điểm du lịch mới đã được du khách biết tới và là địa điểm thu hút đông khách du lịch, như: Khu Du lịch Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, Khu tưởng niệm Nhà văn – Liệt sỹ Nam Cao, chùa Đọi Sơn. Các điểm du lịch mới còn lại ít nhiều không mang tính chất dành cho khách du lịch phổ thông, nhưng cũng là điểm đến của nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên đến điền dã và sinh hoạt ngoại khóa.
Việc công nhận các điểm du lịch mới để nhân dân và du khách nhận diện rõ hơn về du lịch Hà Nam; để công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đi vào trọng tâm, trọng điểm và để việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch Hà Nam phong phú hấp dẫn hơn. Để thu hút đông du khách hơn nữa, ngoài việc trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng quy định, các điểm du lịch cấp tỉnh cần nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống, mua sắm của du khách. Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn; công khai số điện thoại của tổ chức quản lý khu, điểm du lịch; có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch. Lắp đặt các biển chỉ dẫn, quảng bá điểm du lịch tại các điểm chưa lắp đặt, như: Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện động viên cán bộ và nhân dân Hà Nam chống hạn; chùa Địa Tạng Phi Lai; đền Lăng… Và đặc biệt phải tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về nhân vật thờ, ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa và phong cảnh hữu tình của các khu, điểm, quần thể du lịch tới nhân dân và du khách thập phương.
Chu Bình