Dịp nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thời tiết thuận lợi nên các lễ hội văn hóa, thể thao, sự kiện du lịch diễn ra sôi động, thu hút hàng vạn người dân và du khách. Tổng lượng du khách đến với Cố đô Huế trong và sau Tết Nguyên đán tăng cao.
Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, lượng khách đến Huế du Xuân rất đông. Một số hãng lữ hành tổ chức tour đưa các đoàn khách từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... đến tham quan Huế. Từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 2/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đón hơn 115.000 lượt khách tham quan các điểm di tích, danh lam thắng cảnh. Doanh thu từ du lịch hơn 160 tỷ đồng.
Bà Trần Ngọc Bích, du khách từ Mỹ đến thăm Đại Nội Huế chia sẻ cảm nhận khi đến Huế dịp đầu năm mới: “Tôi từ Mỹ về Việt Nam, thăm từ Nam ra Bắc rồi thăm Huế, đi thăm những công trình mà ngày xưa học trong lịch sử. Tôi rất thích thú, nếu có dịp về một lần nữa thì tôi sẽ đi thăm chi tiết, khi đi du lịch tự túc thì sẽ thăm nhiều nơi hơn”.
Để tạo điều kiện cho người dân, du khách tham quan, du xuân, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết Giáp Thìn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa miễn vé tham quan tại các điểm di tích do đơn vị này quản lý. Riêng ngày mùng 3 Tết là ngày cao điểm nhất, các điểm di tích đã đón 49.000 lượt khách.
Chị Trần Thanh Huyền, du khách từ TP.HCM đến Huế cho biết: “Đặt chân tới Huế thì tôi thấy lượng khách năm nay khá đông so với mọi năm. Tình hình kinh tế đang khó khăn nhưng tôi thấy lượng khách những điểm tham quan cũng khá là đông vui. Thứ nhất là về ẩm thực, tôi thấy ẩm thực Huế rất hấp dẫn, rất nhiều món ăn truyền thống và có sự đặc trưng riêng của miền Trung và cũng là của Huế nói riêng. Thứ hai là nơi đây có nhiều kiến trúc lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc biệt là sự bình yên đặc trưng của Huế. Đó là lý do du khách muốn tới Huế để tìm sự yên tĩnh”.
Tại Đại Nội Huế, vào những ngày Tết diễn ra nhiều hoạt động trong chuỗi kích cầu du lịch năm 2024. Đó là các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, phục vụ miễn phí khách tham quan. Nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo người dân, du khách. Qua lễ hội đã góp phần gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống vùng đất cố đô. Nhiều lễ hội như: Lễ dựng nêu và hạ nêu, Lễ hội đền Huyền Trân, vật Thủ Lễ, vật làng Sình trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, thu hút đông đảo du khách đến Huế.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết hiện mỗi ngày khu di sản Huế đón hơn 10.000 lượt khách. “Năm nay lượng khách gần gấp đôi năm ngoái, đạt 105.000 lượt trong cả 3 ngày Tết, những ngày tiếp theo thì trung bình cũng 14.000 - 15.000 lượt khách. Chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo để đón khách. Thứ nhất là trưng bày 2 ngôi điện quan trọng là điện Kiến Trung và điện Thái Hòa, kèm theo là những hoạt động trải nghiệm, trò chơi nghệ thuật, diễn xướng, những dịch vụ mang tích chất đặc thù của Hoàng cung. Du khách đánh giá rất cao sức hấp dẫn của Huế năm nay”.
Đến du xuân Huế trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết du khách rất ấn tượng với những chương trình có tính tương tác, trải nghiệm văn hóa truyền thống chào đón khách. Các hoạt động đón Xuân của vùng đất Cố đô Huế đáp ứng nhu cầu khách du lịch và cộng đồng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh Thừa Thiên Huế có chính sách miễn vé tham quan đối với khách nội địa trong 3 ngày đầu năm. Đây cũng là hình thức kích cầu du lịch rất hiệu quả, tạo sự thu hút đối với du khách nội địa và quốc tế đến với Thừa Thiên Huế trong dịp Tết.
“Dịp Tết truyền thống của Việt Nam, lượng du khách đến Huế rất đông, không chỉ khách nội địa mà khách quốc tế, bởi vì đây là thời điểm của mùa đón khách inbound. Hiện nay du khách nội địa, nhất là từ các thành phố lớn cũng tổ chức các chương trình tour đến Huế tham quan trải nghiệm. Các doanh nghiệp điểm đến như là doanh nghiệp khách sạn để có những hình thức đón tiếp khách khi đến Huế trong dịp Tết để tạo một ấn tượng của du khách đối với vùng đất và con người Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc nói.
Theo vov.vn