Nằm trong lòng đầm Thị Nại, cù lao Cồn Chim (thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) được ví như "kho báu" sinh thái với hàng trăm loài cá, tôm, chim trời.
Sống hòa thuận với thiên nhiên
Đầm Thị Nại rộng 5.000 ha, với hệ thống rừng ngập mặn lên đến 1.000 ha. Giữa đầm có 3 cồn nổi, tên gọi lần lượt là Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái Cồn Chim, diện tích 480 ha), nơi đây còn được mệnh danh là "ốc đảo xanh" của Bình Định.
Ở xứ Cồn Chim (xã Phước Sơn) hiện có xóm vạn chài với chừng trên 100 nóc nhà, với khoảng trên 1.000 nhân khẩu, chuyên nghề chài lưới và nuôi thủy hải sản bán tự nhiên.
Lão ngư Phạm Đình Lương (55 tuổi, xóm Cồn Chim, thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) kể, xưa kia chủ yếu là dân vạn chài sống trên sông nước nay đây mai đó, nương nhờ theo con nước để mưu sinh. Về sau đã dần hình thành khu dân cư ở Cồn Chim, cho đến nay trải qua hàng trăm năm dân cư sống ổn định, hòa thuận với thiên nhiên.
"Người dân Cồn Chim sống thân thiện, che chở, bảo vệ rừng ngập mặn, ngăn cấm nạn săn bắt, tận diệt chim trời. Nhờ vậy, mỗi năm các loại chim trời về sinh sôi thêm nhiều giống loài lạ", ông Lương kể.
Theo ông Lương, mỗi hộ dân ở Cồn Chim đều có khoảng 2 - 3 ha ao đìa ven các rừng ngập mặn để thả nuôi tôm cá tự nhiên, kiểu gối vụ, đa loài. Hàng năm, thường vào đầu xuân, hè người dân khai thác cua, cá giống sinh sản trong vùng rừng ngập mặn đem thả vào ao nuôi. Hoặc đến các trang trại buôn bán con giống như tôm bạc, tôm sú… về nuôi bổ sung.
"Chúng tôi thả nuôi gối đầu nên thời điểm nào cũng có cua cá thu hoạch, đặc biệt cá tôm nuôi ở Cồn Chim chất lượng không thua kém với cá ngoài tự nhiên. Đến mưa lũ là bà con thu hoạch hết, kết thúc vụ vì sợ lũ và triều cường cuốn trôi hoặc tôm, cá bị sốc chết", ông Lương nói.
Ông Huỳnh Ngọc Biên (trưởng thôn Vinh Quang 2), chia sẻ từ ngày rừng ngập mặn phục hồi, thủy sản sinh sôi nhanh chóng, các loài chim kéo từng đàn về Cồn Chim kiếm ăn, trú ngụ đông đúc. Người dân nơi đây nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thuận lợi nên có cuộc sống ổn định. Đặc biệt, người dân ở xóm Cồn Chim sống rất đoàn kết. Bây giờ ai cũng thích sống ở đây bởi không khí trong lành, mát mẻ và chẳng ồn ào".
Sản vật trong lòng đầm Thị Nại
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trong quần thể sinh thái Thị Nại, phải kể đến khu vực sinh thái Cồn Chim với khoảng 480 ha.
Đây là khu vực ảnh hưởng hai hệ thống sông Kôn và sông Hà Thanh nên có sự phân bố hệ thống rừng ngập mặn, thảm cỏ biển lớn, tạo nên vùng cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị.
Ở đây, có 25 loài cây ngập mặn, trong đó 18 loài cây chủ yếu tạo rừng, còn 7 loài cây tham gia và 5 loài cỏ biển (diện tích 50 ha).
"Ở vùng Cồn Chim có nguồn lợi thủy sản rất phong phú, có giá trị kinh tế, sản lượng lớn thường tập trung trong nhóm cá, giáp xác và thân mềm", ông Nhựt cho hay.
Ông Nhựt cho biết thêm, từ năm 2006 đến nay, chính quyền cùng với người dân khu vực Cồn Chim đã trồng mới được gần 50 ha rừng ngập mặn, với các giống cây: đước, bần trắng, mắm trắng... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm, chắn sóng, gió.
Ngoài ra, chính quyền cũng áp dụng cơ chế giao khoán cho cộng đồng bảo vệ, gìn giữ được hàng trăm ha rừng ngập mặn phụ cận, tạo hành lang bảo vệ các làng mạc, khu dân cư ven đầm.
"Rừng ngập mặn được phục hồi tạo sinh kế cho dân cư trong vùng Cồn Chim, người dân có thể khai thác thủy hải sản dưới tán rừng ngập mặn. Đặc biệt vai trò của rừng ngập mặn tại Cồn Chim như một lá phổi cho cuộc sống trong lành của TP Quy Nhơn và vùng lân cận", ông Nhật cho hay.
TS Trần Văn Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định nhìn nhận, đầm Thị Nại trong đó có Cồn Chim được mệnh danh là "kho báu" sinh thái cực kỳ giá trị. Nếu được bảo tồn phát triển đúng hướng nó sẽ trở thành "lá phổi" của Bình Định.
"Thời gian tới, ngành chức năng Bình Định nên can thiệp mạnh mẽ hơn với những giải pháp thiết thực để loại bỏ bằng được nạn đánh bắt thủy sản hủy diệt bằng xung điện trên đầm Thị Nại. Cùng với đó, cần có chính sách tốt để bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn, đàn chim trời, sinh thái đầm Thị Nại. Bằng cách thúc đẩy ngành kinh tế, du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour tham quan, học tập, nghiên cứu để tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại hệ sinh thái đầm", TS Trần Văn Vinh nêu quan điểm.
DT