Từ món ăn có nguồn gốc ở Campuchia, gà đốt lá chúc được du nhập vào An Giang và nhanh chóng trở thành đặc sản nức tiếng của vùng đất nơi đây, "hút" khách thập phương tới thưởng thức.
Tới An Giang, du khách không chỉ được ghé thăm nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp mà còn thoải mái thưởng thức loạt món ngon nổi tiếng mà chỉ vùng đất này mới có. Bên cạnh những đặc sản được nhiều người biết đến như cháo bò Tri Tôn, tung lò mò, bò cạp Bảy Núi,... ở An Giang còn có món gà đốt lá chúc trứ danh.
Được biết, gà đốt lá chúc có nguồn gốc ở Campuchia nhưng đã du nhập vào An Giang từ lâu. Qua nhiều năm, món ăn này dần trở thành đặc sản mang "thương hiệu" của vùng đất nơi đây. Tới An Giang, du khách có thể thưởng thức gà đốt lá chúc ở nhiều nơi nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là tại Hồ Ô Thum, huyện Tri Tôn.
Để chế biến món gà đốt lá chúc thơm ngon nhất, người dân địa phương thường chọn loại gà đồi được chăn thả tự do, chạy nhảy thường xuyên với trọng lượng vừa phải từ 1,3kg đến 1.8kg. Vì giống gà này chăm hoạt động nên phần thịt săn chắc, khi nướng có độ mềm và ngọt thơm.
Tuy được chế biến từ các nguyên liệu quen thuộc nhưng món gà đốt lá chúc cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từng công đoạn. Thịt gà đem sơ chế sạch, bổ làm đôi rồi tẩm ướp với muối, sả, ớt, tỏi. Ngoài ra không thể thiếu nguyên liệu quan trọng, đóng vai trò quyết định mùi vị thơm ngon của món ăn, đó chính là lá chúc.
Cây chúc là một giống cây đặc hữu của vùng đất Bảy Núi, tỉnh An Giang. Quả chúc khá giống quả chanh nhưng vỏ sần sùi, vị chua hơn và có mùi rất thơm. Quả chúc hay lá chúc đều được người dân địa phương sử dụng như một thứ gia vị đặc biệt để chế biến nên các món ngon trứ danh chỉ có ở nơi đây.
Gà được nướng bằng nồi đất và bếp đốt nên được gọi tên là gà đốt lá chúc. Gà sau khi ngấm đều gia vị sẽ được bôi chút dầu hoặc mật ong ở bề mặt lớp da để khi nướng xong có màu vàng đẹp mắt. Sau đó đặt gà vào chiếc nồi đất đã được lót một lớp lá sả, lá chúc và muối ở dưới đáy.
Theo anh Đạt - chủ một nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản An Giang ở huyện Tri Tôn cho biết, công đoạn nướng gà rất quan trọng, quyết định chất lượng và hương vị món ăn. Khi nướng, phải canh lửa chuẩn xác, giữ lửa thật to lúc đầu rồi giảm lửa nhỏ dần để thịt gà chín đều khắp các mặt, chín từ trong ra ngoài. Quá trình nướng kéo dài khoảng 30-40 phút, tùy trọng lượng gà. Khi thấy gà dậy mùi thơm nức mũi là món ăn đã chín.
Sau khi nướng, gà đốt có lớp da vàng giòn, trông đẹp mắt và dậy mùi thơm đặc trưng của lá chúc. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được độ săn nhưng vẫn mềm, không khô của thịt gà. Món này thường được xé tay hoặc dùng kéo cắt thay vì chặt để giữ trọn được chất lượng và hương vị thơm ngon.
Anh Lê Vinh (sống ở TPHCM) cho biết, dù phải vượt hơn 200km tới An Giang và chờ đợi thời gian chế biến gà đốt lá chúc gần một giờ đồng hồ nhưng vẫn thấy thích thú.
"Dù phải đi xa, chờ lâu để có thể thưởng thức món gà đốt lá chúc nổi tiếng Hồ Ô Thum nhưng mình thấy hoàn toàn xứng đáng, không bõ công sức bỏ ra. Món ăn có hương vị thơm ngon khó tìm thấy ở bất kỳ đặc sản nào hay ở đâu. Phần gà nướng nguyên con có màu vàng ruộm đẹp mắt, ăn kèm cơm rang, cơm trắng hoặc xôi, thêm chút rau sống, dưa leo chống ngấy. Món ăn này có thể chấm với muối tiêu chanh hoặc lá chúc đều đậm đà hương vị", anh Vinh nói.
DT