Thực hiện Nghị quyết số 12 -NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại- dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, căn cứ vào định hướng phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau hai năm bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Hà Nam đã dần được phục hồi và có bước tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, để ngành du lịch phát triển bền vững, thực sự có chỗ đứng trên bản đồ du lịch trong nước, khu vực và trên thế giới, rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Phát triển du lịch phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn cả, cần định vị thương hiệu du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm thu hút, hấp dẫn và giữ chân du khách.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Hà Nam được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, phong phú, lâu đời, với nhiều di tích nổi tiếng, như: Khu Di tích lịch sử, văn hóa chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang (Duy Tiên); chùa Bà Đanh, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Ngũ động Thi Sơn (Kim Bảng); đền Trần Thương, Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao (Lý Nhân); Từ đường Nguyễn Khuyến (Bình Lục); các địa danh tâm linh nổi tiếng nằm trên địa bàn huyện Thanh Liêm, như: chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Trinh Tiết, chùa Phật Quang, chùa Ninh Tảo, đền Lăng... cùng nhiều lễ hội đặc sắc được phục dựng và bảo tồn. Các làng nghề thủ công truyền thống, các hoạt động văn nghệ, thể thao dân gian, như: hầu đồng, hát Dậm Quyển Sơn, hát Trống quân, hát Lải Lèn… các sản phẩm văn hóa ẩm thực, như: cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng, bánh cuốn chả Phủ Lý… cũng chính là những yếu tố để Hà Nam xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn và tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nam.
Trên cơ sở nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương, 2 năm qua, bám sát quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thành quy hoạch các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia Tam Chúc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đôn đốc, phối hợp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án hạ tầng khung Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cùng tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham mưu điều chỉnh phạm vi, ranh giới, quy mô và bổ sung chức năng cho các khu chức năng trong Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, Hà Nam đến năm 2030; tham gia ý kiến làm cơ sở UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Ba Sao, huyện Kim Bảng; xin chủ trương triển khai đánh giá các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia. Tiếp tục triển khai các bước tu bổ, sửa chữa nhà Bá Kiến thuộc Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân.
Cùng với đó, quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, tăng cường tổ chức các hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao gắn với dịch vụ thương mại và du lịch, như: Tổ chức gian hàng quảng bá du lịch Hà Nam tại Hội chợ Thương mại và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM- Hà Nội; tham gia Festival Tràng An kết nối di sản – Ninh Bình năm 2022; đặc biệt, trong tháng 8 năm 2022 Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND thành phố Phủ Lý, Tập đoàn Sun Group tổ chức khai mạc lễ hội Carnival đường phố Hà Nam năm 2022 tại phố đi bộ - đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý tạo sự điểm nhấn đặc biệt, góp phần đổi mới, tạo điểm nhấn trong hoạt động quảng bá cũng như thúc đẩy các dịch vụ du lịch phát triển, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nam. Nhờ đó, ngành du lịch Hà Nam những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Năm 2022, Hà Nam đã đón hơn 3 triệu lượt khách, đạt 119% so kế hoạch năm. Tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, đạt 121% so kế hoạch năm. Đặc biệt, trong quí I/2023, tổng số khách du lịch đến với Hà Nam tăng kỷ lục, ước đạt 2.690 ngàn lượt khách (đạt 478% so cùng kỳ năm 2022; đạt 70,79% kế hoạch năm 2023). Tổng doanh thu du lịch quý I ước đạt 2.136,6 tỷ đồng (đạt 500% so cùng kỳ năm 2022, đạt 68,72% so kế hoạch năm 2023).
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Xác định đây chính là lợi thế để phát triển du lịch bền vững, trong năm 2022, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh tiến hành khảo sát và đề nghị trình UBND tỉnh công nhận thêm 8 điểm du lịch trong tỉnh, đồng thời để xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Sở đã triển khai nghiên cứu khảo sát, củng cố xây dựng và đẩy mạnh phát triển các tuyến, điểm du lịch theo hướng du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, tín ngưỡng thông qua các hoạt động, như: Đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương lập Quy hoạch tổng thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên và phối hợp tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn. Lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Tiếp tục triển khai Lập hồ sơ di tích trình Bộ VH-TT&DL xem xét xếp hạng Di tích quốc gia Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng di sản đa dạng sinh học và văn hóa thế giới, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt chương trình phối hợp trong công tác nghiên cứu, xếp hạng, ghi danh các di sản văn hóa tiêu biểu thuộc quần thể Di tích và danh thắng Tam Chúc - Lê Chân - Bát Cảnh Sơn, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai kế hoạch kiểm kê, lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể tại quần thể danh thắng Tam Chúc. Ngày 30/1/2023 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 41 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), trong đó Hà Nam có 2 bảo vật, đó là: Trống đồng Tiên Nội I và Bia đá chùa Giầu. Bộ VH-TT&DL cũng đã ban hành các quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao, Di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn (gồm: Đền thờ nữ tướng Lê Chân, núi Giát Dâu, đồi Bụt), danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn. Đây chính là “điểm tựa” để Hà Nam tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù thỏa mãn nhu cầu tham quan và mua sắm của du khách; trong đó, đặc biệt, quan tâm phát triển những sản phẩm du lịch có tính nghệ thuật sáng tạo cao và có sức thu hút du lịch lớn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để du lịch của tỉnh tiệm cận với du lịch trong nước, quốc tế, theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL Hà Nam), các doanh nghiệp du lịch Hà Nam cần phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ số; đồng thời giải các bài toán về nguồn nhân lực, tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn.
Minh Thu