kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định

Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định

Bánh tráng, bánh hồng, bánh trụng... của người dân Hoài Nhơn đều có nguyên liệu là nước cốt dừa, hoặc cơm dừa.

Từ sân nhà ra đến ven đê, những trảng dừa mướt mắt tạo thành tấm lá chắn tự nhiên cho đất Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) khỏi nắng gió, bão bùng... Dừa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Tam Quan, có lẽ vì thế người dân nơi này lưu giữ hương dừa trong mọi món ăn. Từ bánh tráng dừa, bánh hồng, bánh ít đến bánh trụng..., ít nhiều đều có nguyên liệu là nước cốt dừa, hoặc cơm dừa, để bánh luôn thoảng vị quê hương.

Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định
Những rặng dừa bao quanh đầm sen ở Hoài Nhơn. Ảnh: Quin Quin

Bánh tráng nước dừa

Nguyên liệu chính để làm bánh tráng nước dừa là bột mì. Củ mì lột vỏ, xay nhuyễn thành hỗn hợp nước bột. Để một lát cho nước lắng lại thì gạn phần nước trong bên trên bỏ đi, lấy bột bên dưới tiếp tục ngâm với nước, lắng rồi gạn. Cứ làm như vậy cho đến khi bột hết cặn và chua. Phần bột lắng cuối cùng đem pha với nước sạch theo một tỷ lệ nhất định, pha thêm một số nguyên liệu khác để làm bánh.

Bánh tráng dừa đương nhiên không thể thiếu dừa. Chọn quả dừa không quá già mà cũng không quá non, lúc này cơm dừa sẽ ngọt, dày, mềm mà không bị chai. Trộn cơm dừa nạo nhuyễn, nước cốt dừa sánh đặc cùng một số gia vị, hành, tiêu... vào nước bột mì, thế là đã xong mẻ bột tráng bánh.

Trước đây, bánh tráng dừa Tam Quan khá to. Nhưng sau này, để tiện cho việc vận chuyển và sử dụng, kích thước đã được thu nhỏ, dù vậy vẫn to và dày hơn các loại bánh tráng khác, cần nướng lên mới ăn được. Trên bếp than hoa lửa hồng tí tách, miếng bánh tráng phồng lên, lát hành tím và mè chín dậy mùi thơm phức, hòa với hương dừa ngọt ngào.

Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định
Mùi vị dân dã gây thương nhớ nên trong túi hành lý rời quê của người dân Tam Quan thường không thể thiếu ràng bánh tráng dừa làm quà. Ảnh: Việt An

Bánh trụng

Người dân Bồng Sơn không ai không biết món bánh trụng, hay còn gọi là bánh hòn. Chỉ cần ba, bốn cái cho bữa xế là bụng đã lưng lửng. So với các loại bánh khác, bánh trụng ít được biết đến hơn, một phần vì khó bảo quản hơn. Đây là loại bánh nấu xong ăn liền, nếu để qua một buổi sẽ dễ bị thiu.

Vỏ bánh trụng được làm từ bột mì nhứt. Nhào bột thật kỹ sao cho dẻo và không dính tay. Nhão quá thì bột sẽ chảy mà khô quá thì bánh sẽ bị vỡ. Lấy ít bột vo viên rồi cán dẹt, cho nhân vào và bọc lại. Nhân bánh trụng là dừa bào sợi, đậu đen, hành tỏi, tiêu, gia vị... Đậu đen đã được hầm từ trước cho mềm rồi mới trộn với các nguyên liệu còn lại cho thấm. Sau đó bánh được đem đi luộc hoặc hấp cách thủy khoảng 10-15 phút, khi nào vỏ bánh chuyển màu trong là được.

Có lẽ cái cái tên "bánh trụng" xuất phát từ chính khâu chế biến dân dã này, nấu chín bằng cách trụng bánh. Sau đó, vớt bánh ra, quét lớp dầu hành hoặc dầu hẹ lên trên. Lớp dầu này vừa thơm, vừa giúp bánh không bị dính vào nhau.

Bánh trụng có lớp vỏ mỏng gần như trong suốt, dai nhẹ nhờ vỏ bột mì. Nhân đậu vừa bùi vừa mềm, thêm miếng dừa giòn nhẹ hòa quyện với các gia vị khác rất vừa miệng.

Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định
Bánh trụng Bồng Sơn mặn, nhưng trong nhân vẫn pha vị ngòn ngọt của dừa và đậu đen rất dịu. Đây là món ăn vặt khá thú vị. Ảnh: Việt An

Bánh hồng

Nói đến đặc sản đất Hoài Nhơn, chắc chắn không thể bỏ qua món bánh hồng. Bánh hồng được làm từ bột nếp và dừa xắt sợi. Chọn loại nếp ngon, phải là nếp ngự, nếu không thì cũng nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương. Bột nếp ướt được nhồi với ít nước cho dẻo rồi cho vào chảo nước đường nấu lên. Công đoạn này đòi hỏi người nấu phải quấy đều và chắc tay để bột không bị chỗ chín, chỗ sống. Khi nào bột dẻo lại thì cho dừa đã sên đường từ trước đó vào trộn chung. Đến lúc cả bột lẫn dừa quánh lại thành cục và không dính chảo nữa thì lấy ra, hơ bột trên lửa nhỏ cho bột trong và bóng như ý muốn.

Đến đây vẫn chưa xong. Người thợ phải rắc ít bột năng đã rang chín lên khuôn, cho bột nếp ra khuôn và ép xuống, lại áo thêm một lớp bột năng bên ngoài để bánh khỏi dính.

Bánh hồng không thể để nguyên miếng to mà cắn vì sẽ dễ nghẹn, lớp bột năng bên ngoài cũng dễ làm lấm lem. Vì vậy phải đợi bánh nguội, cắt miếng vuông nhỏ rồi thưởng thức. Bên tách trà mạn, ăn miếng bánh hồng thoảng hương dịu nhẹ của gạo nếp, béo thơm sần sật của dừa, vừa dẻo vừa mềm thì mới thấm được độ tao nhã và tinh tế của món đặc sản này.

Ba đặc sản của xứ dừa Bình Định
Bánh hồng đã được cắt thành từng miếng nhỏ xinh. Ảnh: Bánh hồng Bình Định

VNE

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy