Ghé nhà của Pao khi hoa đào nở, thăm nhà Vương nghe chuyện vua Mèo vào một ngày mưa... là những trải nghiệm khó quên.
Hà Giang mỗi mùa đều có những vẻ đẹp riêng. Vùng đất miền biên cương này có lịch sử văn hóa lâu đời, cảnh quan hùng vĩ của những rặng núi, con đèo thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Dưới đây là 10 điều bất kỳ ai ghé Hà Giang cũng nên trải nghiệm, tổng hợp từ lời khuyên, kinh nghiệm của nhiều du khách trên các diễn đàn chia sẻ về du lịch.
1. Ngắm hoàng hôn, bình minh trên đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú. Bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh tuyệt đẹp, rạng rỡ và hoàn mĩ nhất trong đời.
2. Đi Hà Giang vào các mùa hoa. Hà Giang có rất nhiều mùa hoa, mùa nào cũng đẹp, như hoa đào, hoa mận, tam giác mạch, dã quỳ...
3. Đi thuyền trên sông Nho Quế, qua hẻm vực Tu Sản. Vào những ngày có sương mù, từ trên đèo nhìn xuống dòng sông hiện lên mờ ảo, đẹp ấn tượng. Tu Sản được mệnh danh là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, là kỳ quan độc nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn, theo Tổng cục Du lịch. Nơi đây có chiều cao vách đá lên đến 800 m, dài 1,7 km và độ sâu của sông đến 900 m. Tu Sản là một trong những địa điểm để du khách chụp ảnh "sống ảo" đẹp bậc nhất Hà Giang và cả nước.
4. Trekking để chinh phục mốc biên giới số 428. Đây là cột mốc quốc gia, xa nhất về phía bắc trên đường biên giới Việt - Trung, thuộc bản Xéo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột mốc này cách điểm cực bắc khoảng 2 km, cách cột cờ Lũng Cú 4 km. Do đó, bạn có thể kết hợp chinh phục cả hai địa điểm này. Ngoài ra, còn một cột mốc nữa bạn không thể bỏ qua. Đó là cột mốc số 0 (hay Km số 0) ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Cột mốc này là điểm xuất phát của nhiều tuyến đường đi đến các địa danh du lịch của tỉnh như phố cổ, cao nguyên đá, cột cờ, đèo Mã Pí Lèng, núi đôi Quản bạ...
5. Trải nghiệm lái xe qua những con đường đèo hiểm trở và ngoạn mục, một trong số đó là đại đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Theo tiếng H'Mông, Mã (hoặc Mả) Pí Lèng chỉ sống mũi con ngựa, chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi. Dốc Thẩm Mã cũng là một cái tên được nhắc đến đối với những du khách đam mê phượt. Cung đường cần ghé thăm tiếp theo là cung hình chữ M trên cao nguyên đá Đồng Văn, trải dài từ Yên Minh tới Mèo Vạc.
6. Ghé thăm bản Lô Lô Chải, nơi sinh sống của dân tộc Lô Lô Đen và Mông. Đây là ngôi làng cổ, có diện tích hơn 192 ha, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ tốt, đủ điều kiện đón khách du lịch. Đường làng trải nhựa, bê tông, điện lưới, nước sạch và thông tin liên lạc đảm bảo. Lô Lô Chải có khoảng 20 hộ gia đình đón khách lưu trú theo hình thức homestay, 8 hộ phục vụ ăn uống. Tại cổng làng có đầy đủ các thông tin chỉ dẫn. Các ngôi nhà ở đây xây theo lối kiến trúc nhà tường trình, mái lợp ngói máng.
7. Ghé thung lũng Sủng Là, nơi có nhà của Pao. Đây là ngôi nhà cổ của người Mông, được sử dụng làm bối cảnh của bộ phim Chuyện của Pao. Ngôi nhà có hai tầng, được xây theo hình chữ U và sân ở giữa. Trên lối đi dọc vào nhà chính treo các bức ảnh chụp diễn viên đóng trong phim. Bên cạnh đó, thăm nhà Vương để nghe chuyện vua Mèo cũng là một trải nghiệm mà bạn không thể bỏ lỡ.
8. Tham gia 4 chợ phiên lớn cuối tuần là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.o Ngài ra, chợ tình Khau Vai được tổ chức mỗi năm một lần vào 27/3 Âm lịch hay chợ biên giới Xín Cái dịp Tết cũng là một trải nghiệm nhất định bạn phải làm khi đến vùng đất nơi địa đầu tổ quốc này.
9. Lên Đồn Cao ngắm toàn cảnh thị trấn Đồng Văn
10. Ghé thăm phố cổ Đồng Văn, đi chợ đêm, nếm thử mật ong bạc hà và nhâm nhi một cốc cà phê tam giác mạnh nóng hổi vào đêm đông lạnh giá.
VNE