Không chỉ là những triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, buồn bực, khó chịu…, căn bệnh trầm cảm sau sinh còn gây ra hậu quả đau lòng khi người mẹ mắc chứng bệnh này tìm cách tự tử, thậm chí giết hại chính đứa con của mình.
Chăm sóc tốt phụ nữ sau sinh được xem là một giải pháp hạn chế trầm cảm.
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn nguy hiểm có tác động tiêu cực đến phụ nữ và trẻ sơ sinh. Điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con.
Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho 500 phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh cho thấy có tới 17% trầm cảm ở giai đoạn thai dưới 20 tuần tuổi và 11% ở thời điểm 6 tháng trước sinh, thậm chí có tới hơn 80% phụ nữ mang thai đã nghĩ đến cái chết.
Trầm cảm dễ nhầm lẫn với tâm trạng mệt mỏi và căng thẳng do chăm con và càng để kéo dài, tình trạng càng nặng và gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Đối với những người bị trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến người mẹ, tác động tiêu cực đến các mối quan hệ giữa người mẹ và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là đứa con mới sinh.
Câu chuyện người mẹ trẻ ôm con 8 tháng nhảy cầu tự tử; người mẹ 10 năm mòn mỏi mong con song đến khi có con rồi lại chẳng thiết tha gì đến con… là những nỗi đau mà trầm cảm sau sinh gây ra khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Hoá ra sự tổn thương, đau đớn và trầm cảm dài ngày có thể biến một bà mẹ trở thành kẻ giết người chỉ trong tích tắc.
Nhịp sống càng hiện đại, con người càng có xu hướng đối mặt nhiều hơn với những lo âu cá nhân và áp lực cuộc sống, từ đấy nảy sinh những ức chế và trầm cảm chính là hệ luỵ của những dồn nén ấy. Với người phụ nữ, sinh nở là một trong những thay đổi lớn trong cuộc đời.
Khi những người phụ nữ đã có biểu hiện trầm cảm trước đó thì sinh nở là "điều kiện thuận lợi" để bệnh bộc phát. Nhưng có một sự thật rằng, hầu hết những phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh đều từ chối công khai tình trạng của mình. Có nhiều người không hề biết về nó, chấp nhận sống chung với nó và không dám chia sẻ với ai.
Theo lời khuyên của các bác sĩ sản khoa, để người phụ nữ không rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh, ngay từ khi mang thai, cả vợ và chồng cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Người phụ nữ cần tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm để làm mẹ chủ động và học cách thư giãn, nghỉ ngơi tránh căng thẳng trước và sau sinh; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân.
Về phía gia đình, không chỉ chồng mà những người thân xung quanh cần động viên, gần gũi và chia sẻ với người phụ nữ về quá trình sinh nở cũng như chăm sóc em bé. Người mẹ cũng cần cho con bú sau sinh để tăng sự liên kết giữa mẹ và con, khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn. Khi phát hiện người mẹ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa họ tới khám bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao và tránh được nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra.
Hoàng Hải
Hải Yến