Tiếp tục hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là đẩy nhanh công tác tìm kiếm hài cốt gắn với xác định danh tính liệt sỹ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn đang tiếp tục được triển khai và nâng cao hiệu quả bằng nhiều kênh, nhiều nguồn, nhiều hoạt động với sự chung tay góp sức của cộng đồng.

Những tưởng chiến tranh kết thúc, những gia đình Việt Nam như gia đình bà Trương Thị Xuyến (thôn Nội Rối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân) sẽ không còn phải sống chia ly, mất mát, đau đớn như thế. Nói trong nước mắt, bà Xuyến kể lại: Năm 1986, chồng bà là công nhân khảo sát địa hình của Viện Khảo sát và thiết kế thủy lợi (thuộc Bộ Thủy lợi khi đó). Trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, cơn bão số 5 ập về, càn quét ở xã Giao Thược, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, ông đã hy sinh, để lại 3 con nhỏ cho người vợ trẻ. Cho đến giờ, đơn vị và gia đình ông vẫn chưa tìm thấy thi hài của ông. Bà Xuyến không biết bao nhiêu lần tay nải lên đường tìm hài cốt chồng. Có thời điểm, bà đã phải điều trị tâm thần. Hơn 30 năm trôi qua, nỗi đau mất mát ấy lắng lại trong lòng mẹ con bà, nhưng bà vẫn hy vọng một ngày nào đó tìm thấy hài cốt của chồng. Bà Xuyến nức nở: “Tôi đã đi đến nhiều nơi lắm rồi, chỉ mong được tìm thấy hài cốt ông ấy. Tôi chỉ yên lòng khi hoàn thành việc này để lúc nhắm mắt xuôi tay được thảnh thơi”.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ
Đoàn thanh niên Sở Nội vụ và Trường Đại học Mỏ địa chất thăm, tặng quà tri ân gia đình liệt sỹ tại Bắc Lý (Lý Nhân). Ảnh: Giang Uyên

May mắn hơn gia đình bà Trương Thị Xuyến, gia đình Liệt sỹ Trần Văn Thoa (làng Ô Lữ, thôn Quyết Thắng, xã Đồng Du, huyện Bình Lục) sau hơn 50 năm đi tìm hài cốt người thân cuối cùng cũng thành công. Thân nhân Liệt sỹ Trần Văn Thoa kể lại: Ông Thoa nhập ngũ tháng 12 năm 1966 tại đơn vị Tiểu đoàn bộ, D2, E335-Quân khu Tây Bắc. Trong quân ngũ, ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu, dũng cảm, kiên cường cùng đồng đội giữ vững trận địa, lập nhiều thành tích xuất sắc. Sau đó, ông được Đảng, quân đội cử làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Tây. Ngày 29/7/1967, ông đã hy sinh tại Đồi đất bản Sốp Hùn, huyện Mường Ngòi, tỉnh Luông Pha Băng, Lào. Gia đình hơn 50 năm qua đã đi khắp nơi tìm hài cốt, phần mộ của ông, nhưng không thấy. Đã có lúc rất mệt mỏi, không còn hy vọng, nhưng chẳng ai muốn buông xuôi. Giữa tháng 5/2022, gia đình nhận được thông báo từ Đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 đã tìm thấy mộ ông, niềm vui ấy không thể nào tả xiết.

Ngày đón Liệt sỹ Trần Văn Thoa về quê hương thực sự nhiều cảm xúc. Những dồn nén tình cảm của người thân sau hơn 50 năm đến bây giờ được bật lên. Đại tá Hán Văn Hùng, Đội trưởng đội Quy tập mộ liệt sỹ Quân khu 2 cho biết, sau một thời gian vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thực hiện nhiệm vụ xác minh, tìm kiếm và cất bốc, hồi hương các liệt sỹ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại 6 tỉnh Bắc Lào, tháng 5 năm 2022, đội đã tìm được nơi an táng hai mộ liệt sỹ tại bản Sốp Hùn, huyện Mường Ngòi, tỉnh Luông Pha Băng, Lào, trong đó có Liệt sỹ Trần Văn Thoa. Hiện vật được tìm thấy trong quá trình tìm kiếm gồm có tăng, ni lông. Đội có đủ cơ sở để xác định được chính xác họ tên, quê quán, đơn vị của liệt sỹ.

Hiện nay, trong số hơn 17.500 liệt sỹ của Hà Nam, có gần 6.900 liệt sỹ có mộ đã được tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang liệt sỹ của các địa phương trong tỉnh, còn 10.702 hài cốt liệt sỹ còn thiếu nhiều thông tin, chưa được quy tập hoặc đưa vào nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh. Mặc dù công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được triển khai đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ ngày càng khó khăn. Số lượng liệt sỹ chưa được tìm kiếm, quy tập còn lớn; thông tin về mộ liệt sỹ ngày càng ít; công tác lưu trữ, bàn giao dữ liệu, thông tin liên quan đến liệt sỹ, nhất là liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống Pháp hy sinh trên địa bàn tỉnh không đầy đủ.

Tiếp tục hành trình tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ
Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Luân tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Trung Lương, huyện Bình Lục tháng 7/2023.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo 515) tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Hà Nam có trên 250 liệt sỹ được thân nhân, các tổ chức trong và ngoài quân đội di chuyển từ các nghĩa trang địa phương khác về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Bình Lục, Lý Nhân tiếp nhận 5 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại nước bạn Lào do Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Quân khu 2 bàn giao và tổ chức an táng trọng thể, chu đáo theo quy định của Nhà nước, Quân đội và phong tục tập quán của địa phương. Các hoạt động bàn giao, đón nhận, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, trang trọng, thể hiện lòng thành kính biết ơn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế, được dư luận nhân dân đánh giá cao.

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn được các địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc tìm kiếm, quy tập bằng phương pháp ngoại cảm. Đại tá Trịnh Đức Thiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẳng định: Quân đội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh trong suốt những năm qua với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất. Bởi, không có sự mất mát nào lớn hơn sự mất mát của các gia đình liệt sỹ, đặc biệt với những người nằm lại chiến trường chưa tìm thấy hài cốt, phần mộ. Quyết tâm của chúng tôi chỉ mong làm sao xoa dịu được phần nào nỗi đau chiến tranh, ổn định cuộc sống cho thân nhân liệt sỹ.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là công việc khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nhất là khi quá trình sáp nhập và chia tách địa giới hành chính diễn ra ở hầu khắp các địa phương, việc lưu trữ dữ liệu liệt sỹ của nhiều đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ. Đại tá Trịnh Đức Thiêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Chiến tranh kết thúc đã lâu, những nhân chứng lịch sử và những người tham gia kháng chiến chống Pháp trên địa bàn hầu như không còn hoặc rất già yếu, giảm sút về trí nhớ. Địa hình thay đổi nhiều so với trước nên công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, khảo sát, tìm kiếm xác định vị trí, tọa độ nơi chôn cất liệt sỹ gặp nhiều khó khăn. Đại đa số phiếu cung cấp thông tin là phiếu trống, có trên 1.600 phiếu cung cấp thông tin về liệt sỹ hy sinh tại mặt trận phía Nam, mặt trận phía Tây…

Sau 76 năm thực hiện chính sách thương binh – liệt sỹ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của những gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công ngày càng được nâng lên. Toàn tỉnh có 1.423 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng, trong sâu thẳm nỗi lòng những thân nhân liệt sỹ, nỗi đau không tìm thấy hài cốt chồng, cha, con chẳng bao giờ nguôi ngoai.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy