Xác định rõ, nâng cao thu nhập là mục tiêu quan trọng góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, những năm qua, xã Thanh Tân (Thanh Liêm) tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn.
Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, hiện nay, phần lớn lực lượng trong độ tuổi lao động ở Thanh Tân vào làm việc trong các công ty, doanh nghiệp. Trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp tại địa phương chủ yếu là nông dân độ tuổi từ trung niên trở lên. Chính vì vậy, đẩy nhanh tiến độ đưa cơ giới vào các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại địa phương được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt coi trọng, bởi bên cạnh mục đích giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng thì đây cũng chính là giải pháp đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác ở Thanh Tân.
Là xã có nguồn tài nguyên đá vôi, từ nhiều năm nay Thanh Tân có thuận lợi là có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn xã có 01 nhà máy sản xuất xi măng, 10 công ty khai thác, chế biến đá, thu hút, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã nhiều người có nghề thợ xây, thành lập nên các tổ chuyên đi xây dựng, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân trên 300.000đồng/ngày công. Công nghiệp, xây dựng phát triển chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại dịch vụ phát triển. Hiện trên các trục đường chính của xã, có khoảng 100 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ với đa dạng các mặt hàng, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân quanh vùng…
Theo ông Đào Xuân Ảnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân, những năm qua, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cùng với phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp luôn được xã xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định cuộc sống của người dân. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cơ giới vào sản xuất… nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.
Khai thác lợi thế có diện tích đất màu ven sông Đáy, xã Thanh Tân đã thành lập được HTX rau an toàn, góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác truyền thống, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người trực tiếp lao động trên đồng bãi… Đặc biệt, với diện tích gieo cấy lúa, để khắc phục tình trạng lúa cỏ gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, từ vụ xuân năm 2022 xã Thanh Tân bắt đầu triển khai thực hiện mô hình mạ khay cấy lúa bằng máy. Ngay trong vụ đầu tiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, toàn xã đã cấy lúa bằng máy được 92ha, chiếm tỷ lệ 36,8%, năng suất đạt 72 tạ/ha. Ông Đào Ngọc Toan, Giám đốc HTX DVNN Bắc Tân, cho biết: Qua vụ xuân, nhận thấy rõ lợi ích của cấy lúa bằng máy, đó là: Gần như không còn lúa cỏ; hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật; năng suất, chất lượng lúa được nâng lên… Với những ưu việt trên, vụ mùa này HTX Bắc Tân phấn đấu mở rộng diện tích cấy máy lên 120ha; 15 ha còn lại chủ yếu là vùng trũng, chưa bị ảnh hưởng bởi lúa cỏ người dân vẫn thực hiện gieo sạ.
Cùng với HTX Bắc Tân, vụ mùa 2022 HTX Nam Tân phấn đấu mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên khoảng 70ha, nâng tổng số diện tích cấy lúa bằng máy của toàn xã lên 190ha trên tổng số 240ha đất gieo cấy. Được biết, song song với việc đưa máy cấy vào đồng ruộng người dân Thanh Tân đã đưa công nghệ máy bay không người lái vào phun thuốc trừ sâu nhằm đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất trên đồng ruộng.
Nhờ đẩy mạnh các biện pháp thực hiện phát triển kinh tế, kết quả trong 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Tân đạt 35 triệu đồng, bằng 53,6% kế hoạch năm; số lao động có việc làm mới là 80 người (đạt 53,3% kế hoạch năm); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,93%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%...
Tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao thu nhập bình quân cho người dân, thời gian tới, xã Thanh Tân chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đó là: đẩy nhanh tiến độ đưa cơ giới vào các khâu sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX thực hiện các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất; khuyến khích phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ ở nông thôn, phấn đấu năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; số lao động có việc làm mới là 150 người; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống dưới 1,8%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đời sống mới ở nông thôn.
Phạm Hiền