Thanh Hải là một trong các xã, thị trấn của huyện Thanh Liêm bị ảnh hưởng nặng bởi hoàn lưu cơn bão số 3 với 6/7 thôn và trên 1.000 hộ nằm trong vùng bị ngập lụt. Nhiều hộ bị ngập lụt sâu phải di dời đến nơi an toàn. Hơn một tuần nay, ngay sau khi nước rút, xã Thanh Hải đã tích cực chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ người dân sau mưa, lũ, giúp người dân sớm ổn định lại đời sống, sản xuất.
Với phương châm, phải bằng mọi cách để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho nhân dân do mưa, lũ gây ra, xã Thanh Hải đã làm tốt công tác nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị ngập lụt triển khai nhanh chóng, kịp thời các giải pháp ứng phó với mưa, lũ ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua. Theo đó, toàn bộ tài sản có giá trị cũng như tổng đàn vật nuôi của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng bao gồm 2.000 con gia súc và gần 23.000 con gia cầm được di dời đến nơi an toàn trước khi xảy ra ngập lụt nặng. Bên cạnh đó, xã Thanh Hải cũng đã thành lập ban cứu trợ tiếp nhận, cấp phát các nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng lũ. Đồng thời mua nước lọc, mỳ tôm để cấp phát hỗ trợ người dân trong vùng bị cô lập do nước ngập sâu.
Theo báo cáo của UBND xã Thanh Hải, đến thời điểm này, cơ bản tại các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị, điểm công cộng bị ngập lụt, nước đã rút hoàn toàn. Ngay sau khi nước rút, với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng xung kích, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã Thanh Hải, trên 98% số hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu trong diện sơ tán hiện đã trở về nhà. Tỷ lệ đàn vật nuôi di dời trước đó được hỗ trợ đưa về nhà đạt trên 80%. Để sớm ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân sau mưa, lũ, ngay sau khi nước rút, Đảng ủy, UBND xã Thanh Hải đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân dọn dẹp, xử lý môi trường, làm sạch nguồn nước sau bão, lũ. Xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể huy động hội viên, đoàn viên phối hợp với lực lượng công an, quân sự giúp nhân dân vùng bị ngập lụt kê lại đồ đạc, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, tiến hành sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng do mưa, lũ. Đồng thời, chỉ đạo trạm y tế phun khử khuẩn ở tất cả các vị trí công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, cơ sở tôn giáo nằm trong vùng bị ngập lụt; đặc biệt huy động lực lượng hỗ trợ người dân 2 thôn bị ngập lụt sâu là Trung Hiếu Thượng, Trung Hiếu Hạ triển khai các giải pháp làm sạch môi trường, thu dọn các bao tải cát đã sử dụng để chống lũ, bảo đảm không để phát sinh các ổ dịch truyền nhiễm…
Ông Trần Văn Tùng, Trưởng thôn Trung Hiếu Hạ cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thôn Trung Hiếu Hạ có gần 400 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu bị ngập lụt. Hiện, một số hộ dân nằm trong các ngõ nhỏ, sâu vẫn bị ngập nước. Đối với các trục đường đã rút nước hoàn toàn, thôn chỉ đạo các chi hội, đoàn thể phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai xã ra quân dọn dẹp vệ sinh các địa điểm công cộng, vớt rác xung quanh khu dân cư, hỗ trợ người dân làm sạch nhà cửa, vệ sinh và sửa chữa lại các hạng mục chuồng trại bị hư hỏng để di chuyển đàn vật nuôi về an toàn. Đến nay, cơ bản các hộ đã ổn định đời sống, duy trì hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ cây, con giống cho người dân bị thiệt hại nặng khôi phục sản xuất.
Được biết, ảnh hưởng của mưa, lũ lần này đã khiến cho trên 100 ha lúa ở xã Thanh Hải bị đổ và mất trắng. Mưa, bão, lũ cũng làm thiệt hại khoảng 30 ha hoa màu, cây ăn quả và khoảng 90 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân trên địa bàn xã. Ngoài ra, một số tuyến đường tại các thôn cũng bị sạt lở; một số hộ dân bị tốc mái nhà, đổ tường bao và sập chuồng trại chăn nuôi…
Ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Hiện nay nước vẫn đang tiếp tục rút. Các tuyến đường giao thông chính của các thôn gần như đã rút hết nước, nhân dân đi lại bình thường. Còn một số tuyến đường ngõ hiện vẫn đang ngập. Theo đó, xã Thanh Hải đang chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp khắc phục hậu quả của mưa, lũ. Trong đó tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm theo phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh ngay tới đó. Thời điểm này, xã vẫn đang huy động tối đa lực lượng tổ chức dọn rác thải, bùn đất, tiến hành khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước tại các khu vực dân cư bị ngập nước; tuyên truyền, chỉ đạo các thôn, các hội, đoàn thể của xã kêu gọi, điều động hội viên tham gia giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất sau mưa, lũ. Đặc biệt, chỉ đạo trạm y tế xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục phun khử khuẩn các khu vực bị ngập lụt trên địa bàn.
Nhờ chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp ứng phó với mưa, bão, lũ nên về cơ bản, các tài sản có giá trị lớn, đàn vật nuôi của các hộ dân trên địa bàn xã Thanh Hải được bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, mưa lũ vẫn gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi trồng thủy sản và gieo cấy lúa với diện tích lớn. Do vậy, xã Thanh Hải đang chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác mức thiệt hại của các hộ dân trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ, khắc phục phù hợp, hiệu quả để người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất sau mưa, lũ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân ngay sau khi sắp xếp, dọn vệ sinh, ổn định lại nhà cửa, tiến hành tổ chức lại sản xuất cây vụ đông và nuôi trồng thủy sản để bảo đảm thu nhập.
Nguyễn Oanh