Tên của các anh đã thành tên đất nước

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Tổ quốc và nhân dân vẫn đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh...

“Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính, mùa xuân ấy ra đi từ đó không về...” – Nghe nhiều đến thuộc lòng từng ca từ, nhưng mỗi lần giai điệu bài hát “Mầu hoa đỏ” của cố nhạc sỹ Thuận Yến vang lên, đặc biệt là trong những ngày tháng 7, tháng có ngày tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc.

Thế hệ chúng tôi sinh ra khi hai miền Nam - Bắc đã thống nhất một nhà, non sông đã liền một dải. Những chiến công oanh liệt và hào hùng, gương những chiến sỹ dũng cảm, kiên trung sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc... chúng tôi được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường; được nghe các chú, các bác cựu chiến binh - những người trực tiếp cầm súng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước kể lại trong những buổi nói chuyện truyền thống; được nghe qua những câu chuyện đầy tự hào của các bậc cao niên trong làng, trong xóm...

Hằng năm, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tổ chức rất nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa với mục đích tôn vinh và tri ân những đóng góp lớn lao của các thương binh, liệt sỹ và những người có công với cách mạng. Các hoạt động này ngày càng “nở rộ” và lan tỏa rộng rãi, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) hằng năm.  

Tên của các anh đã thành tên đất nước
Cán bộ, hội viên CCB phường Liêm Chính (TP Phủ Lý) chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những năm qua, các hoạt động, việc làm cụ thể hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh vô giá của thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, mà còn góp phần phát huy, làm thắm thêm truyền thống nhân văn nghìn đời của dân tộc.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), ngay từ những ngày đầu tháng 7, nhiều hoạt động tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh được tổ chức trang trọng, ý nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng là sôi nổi các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tu sửa, dọn dẹp nghĩa trang, thắp nến tri ân, cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ; nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ các gia đình chính sách khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở; thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng... 

Có thể nói, tháng 7 với nhiều hoạt động nghĩa tình, đầy yêu thương thêm một lần nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng trong việc chung tay chăm sóc, giúp đỡ, động viên gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, nhất là các gia đình chính sách còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.  

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Tổ quốc và nhân dân vẫn đời đời ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh... Trong công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, máu đào của các anh đã đổ xuống tô thắm thêm màu đỏ của lá cờ Tổ quốc, tô thắm thêm trang sử cách mạng truyền thống vẻ vang, đem lại hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân. Trong đoàn người nghiêm trang vào viếng nghĩa trang liệt sỹ, đứng trước tấm bia lớn nổi bật dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, đứng trước những bia mộ ghi dòng chữ “Liệt sỹ chưa xác định được tên” tôi chợt nhớ về những câu thơ hùng tráng của cố nhà thơ Lê Anh Xuân trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”: “Anh tên gì hỡi Anh yêu quý/Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng/Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ/Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong/Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/Tên anh đã thành tên đất nước/Ôi anh Giải phóng quân/Từ dáng đứng của Anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.    

Vâng, tên của các anh đã thành tên đất nước. Sự cống hiến, hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng cho độc lập tự do của dân tộc, cho bình yên và hạnh phúc của nhân dân là vô giá. Các hoạt động nghĩa tình trong những ngày tháng 7 không chỉ khẳng định những cống hiến lớn lao của các anh với dân với nước, mà còn có ý nghĩa giáo dục các thế hệ tiếp nối về truyền thống đánh giặc, giữ nước vẻ vang, oai hùng của các thế hệ cha anh đi trước; về những tấm gương liệt sỹ dũng cảm, kiên trung đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc yêu thương... Từ đó, mỗi người xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm tiếp nối và phát huy tốt truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” tới muôn đời sau.  

Vĩnh Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy