Tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể Công ty cổ phần Elmich (Bình Lục) với tổng số người ăn là 280 người, 43 người bị ngộ độc, 22 người đi bệnh viện điều trị, may mắn không có tử vong. Ngoài ra, còn có 23 người bị ngộ độc thực phẩm trong các vụ khác. Trước thực tế các bếp ăn tập thể ngày càng nhiều, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các bếp ăn tập thể đã được quan tâm nhưng vẫn còn không ít tồn tại, cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa.

Vẫn còn những bất cập

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 466 bếp ăn tập thể với 2 loại hình: Bếp ăn tại các doanh nghiệp và bếp ăn tại cơ sở giáo dục với nhiều hình thức khác nhau như tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp hoặc hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn. Việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được thực hiện hằng năm theo sự phân công, phân cấp tại các tuyến.

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra tại 155 bếp ăn tập thể trong đó 102 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, 53 bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chiếm 33%. Kết quả kiểm tra cho thấy, đối với bếp ăn tập thể tại doanh nghiệp, đa số các công ty đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhà ăn, bếp ăn phục vụ công nhân. Các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến đều có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (hợp đồng hoặc hóa đơn bán lẻ...) và được ghi chép, theo dõi hằng ngày. Các sản phẩm bao gói sẵn được kiểm tra có hồ sơ tự công bố sản phẩm/giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; có nhãn phù hợp với hồ sơ công bố và quy định về ghi nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Không phát hiện nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng.

Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp do thường xuyên có sự thay đổi nhân sự nên người quản lý và người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và khám sức khỏe đầy đủ theo quy định. Chưa thực hiện đúng chế độ kiểm thực 3 bước và thực hành lưu mẫu thức ăn. Một số cơ sở chưa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tại nhà ăn, bếp ăn hoặc khoán cho đơn vị cung cấp suất ăn. Định suất một suất ăn còn thấp (dao động từ 15.000 - 20.000 đồng) tập trung chủ yếu tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm may mặc, hàng mỹ ký. Một số cơ sở sử dụng thực phẩm (rau, thịt, cá…) mua tại chợ của địa phương không có hợp đồng, sổ sách ghi chép nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nên khó truy xuất nguồn gốc thực phẩm nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm.

Đối với bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, 100% trường mầm non công lập tại các xã, phường, thị trấn có tổ chức bếp ăn tập thể (tập trung tại khu trung tâm hoặc tại các điểm trường). Đa số các trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tại bếp ăn, cô nuôi được tập huấn/xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sử dụng để chế biến đều có chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (hợp đồng hoặc hóa đơn bán lẻ...) và được ghi chép, theo dõi hằng ngày.

Tuy nhiên, tại một số điểm trường lẻ được xây dựng đã lâu, khu vực sơ chế, chế biến chật hẹp, xuống cấp, khó vệ sinh, chưa đáp ứng theo nguyên tắc một chiều. Cống rãnh nước thải khu vực chế biến thực phẩm không được đậy kín. Tại các lớp mầm non ngoài công lập qua kiểm tra có khá nhiều bất cập. Tất cả các lớp mầm non ngoài công lập đều tận dụng cơ sở của các gia đình vì vậy rất chật hẹp không phù hợp với số lượng các cháu tại lớp. Trong nấu ăn đều không theo nguyên tắc một chiều trong chế biến thực phẩm. Các trường mầm non chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức ATTP cho giáo viên (có tham gia vào quá trình chia suất ăn và trực tiếp cho học sinh ăn) theo quy định.

Tăng cường kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể
Giờ ăn trưa bán trú của các cháu tại một trường mầm non trên địa bàn thị xã Duy Tiên.
Ảnh: Đan Vũ

Cần tiếp tục có các giải pháp toàn diện

Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, theo quy định hiện tại, mỗi năm ở mỗi doanh nghiệp, đơn vị chức năng chỉ được thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm với cùng một nội dung, đồng thời việc thanh tra, kiểm tra phải thông báo trước đã ảnh hưởng đến việc thực hiện và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ATTP. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát phải được phê duyệt của Thanh tra Sở Y tế, Thanh tra tỉnh. Vì vậy, nếu theo kết quả của năm 2023 phải mất 3 năm mới kiểm tra được 01 lần đối với các bếp ăn tập thể hiện có.

Công tác phối hợp liên ngành chỉ tập trung trong những dịp trọng điểm và vẫn có sự chồng chéo trong quá trình tổ chức triển khai thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt là với các ngành: Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường...

Theo quy định, từ ngày 01/7/2023 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm không còn chức năng thanh tra chuyên ngành về ATTP. Chi cục trưởng không còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Theo quy định tại khoản 5, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện vi phạm, người có thẩm quyền phải lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong vòng 24 giờ. Với quy định như trên đã gây không ít khó khăn, vướng mắc cho đơn vị lập biên bản vi phạm và cơ quan tiếp nhận hồ sơ, xử lý vi phạm do không bảo đảm về thời gian chuyển hồ sơ. Bên cạnh đó, các điều kiện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP còn hạn chế, chưa đồng bộ; chưa có đơn vị thực hiện công tác xét nghiệm thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chưa huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ tổ chức thực hiện.

Cán bộ, công chức thực hiện kiểm tra, hậu kiểm chuyên ngành ATTP hầu hết là kiêm nhiệm; ít được tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm do các cấp, ngành tổ chức. Việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chủ yếu thông qua việc tự nghiên cứu, cập nhật các văn bản có liên quan về quy trình, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xứ lý vi phạm hành chính.

Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 do Sở Y tế vừa tổ chức, ông Nguyễn Thanh Dương đề xuất, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP nói chung và tại các bếp ăn tập thể nói riêng, đối với trung ương cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm về lĩnh vực ATTP. Cùng với đó, tăng cường củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị thực hiện công tác ATTP.

Đối với tuyến tỉnh, huyện và xã, quan tâm bố trí ngân sách và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan chuyên môn, các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm ATTP, tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm ATTP...

Ông Nguyễn Thanh Dương cũng đề xuất cho phép kiểm tra, giám sát ATTP định kỳ, đột xuất tại tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm mà không phải báo trước (giống như kiểm tra chất lượng nước tại các trạm cấp nước tập trung) vì trong bối cảnh ATTP phức tạp như hiện nay mà 3 năm mới kiểm tra một lần sẽ khó bảo đảm ATTP sẽ tốt lên. Ông Dương cũng đề nghị giao lại toàn bộ việc kiểm tra, giám sát ATTP hiện Thanh tra Sở Y tế đang thực hiện về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Thanh tra Sở Y tế chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính nếu cần và xử phạt vi phạm nếu có.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy