Phòng chống tác hại của thuốc lá: Cần thay đổi từ nhận thức

Mặc dù qua truyền thông, hầu hết mọi người đều biết tới những tác hại của việc hút thuốc lá nhưng bởi nhiều lý do vẫn còn rất nhiều người duy trì thói quen hút thuốc. Trên thực tế, hút thuốc lá là thói quen khó bỏ nhưng hoàn toàn có thể bỏ được nếu có quyết tâm và sự kiên trì. Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (THCTL) đi vào cuộc sống, quan trọng nhất vẫn  phải nâng cao nhận thức của mỗi người dân về THCTL.

Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai các quy định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống THCTL; xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan; tập trung nhiều biện pháp tuyên truyền tích cực về phòng, chống THCTL… Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá tại nơi làm việc và những nơi công cộng, thậm chí tại những nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: cơ sở y tế, trường học…, vẫn diễn ra khá phổ biến.

Phải nằm điều trị gần 1 tuần tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do bị sốt xuất huyết, với bà Hoàng Thị Vân (tổ 7, phường Lương Khánh Thiện, Phủ Lý) không chỉ chịu sự khó chịu, mệt mỏi vì bệnh mà còn do phải hít khói thuốc lá từ người bệnh cùng phòng. Bà Vân chia sẻ: Được nằm điều trị ở phòng tự nguyện 2 người/phòng, những tưởng sẽ được thoải mái hơn rất nhiều so với điều trị ở phòng bệnh thường nhưng tôi lại như bị “tra tấn” bởi bệnh nhân cùng phòng nghiện thuốc lá. Đã 1-2 lần hút tại phòng bệnh, bị bác sĩ bắt quả tang, nhắc nhở và yêu cầu không được hút trong phòng như thế, bệnh nhân đó vẫn “rình” khi không có ai lại hút trộm hoặc ra ngoài hành lang hút. Vốn là người mẫn cảm và dị ứng với khói thuốc, mùi thuốc lá nên khi các chỉ số về sức khỏe tạm ổn bà phải xin về để điều trị ngoại trú, không thể tiếp tục ở lại vì mùi khói thuốc… Mỗi chúng ta ai cũng có quyền được sống trong môi trường không có khói thuốc lá nhưng ý thức của nhiều người còn nhiều hạn chế.

Phòng chống tác hại của thuốc lá Cần thay đổi từ nhận thức
Học sinh Trường THCS Liêm Cần (Thanh Liêm) tham gia hoạt động tuyên truyền phòng chống thuốc lá điện tử.

Thực tế, không chỉ bà Vân mà không ít bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có nhiều bức xúc khi phải thường xuyên hít khói thuốc lá do những người chăm bệnh, thăm bệnh, thậm chí là chính bệnh nhân hút thuốc. Trong khi tại các cơ sở y tế đều có những khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền trực quan về THCTL cùng những biển cấm hút thuốc lá được gắn ở khắp nơi… nhưng tình trạng hút thuốc còn tồn tại phổ biến.

Ở các không gian, môi trường sống và làm việc khác, tỉ lệ người hút thuốc còn khá cao. Vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin về tác hại của thuốc lá, về các ảnh hưởng của thuốc lá đối với những người trực tiếp sử dụng thuốc lá là rất cần thiết. Trong đó, gia đình được coi là nhân tố quan trọng giúp người nghiện thuốc lá từng bước thay đổi thói quen hút thuốc và cai thuốc thành công. Trên thực tế, không chỉ những người hút thuốc lá dễ mắc các bệnh về phổi, thanh quản, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch… mà ngay cả những người hít phải khói thuốc lá, hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh như: viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, rối loạn khi thai nghén. Từ đó, việc xây dựng mô hình gia đình không khói thuốc thực sự trở nên thiết thực và có ý nghĩa nhằm giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực về sức khỏe, thiệt hại về tài chính do ốm đau, bệnh tật có liên quan đến thuốc lá. Làm được điều này không dễ nhưng có thể thành công nếu có ý thức và sự kiên trì của mỗi cá nhân. Trong đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống THCTL, bản thân mỗi người dân và mỗi gia đình cũng phải tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia phòng chống THCTL. Hiện nay, từ phong trào xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do Hội Phụ nữ các cấp phát động, triển khai và duy trì thực hiện gắn với xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thực hiện không hút thuốc lá trong các đám hiếu, đám hỉ… là những cách làm khá hiệu quả trong tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá. Được biết, toàn tỉnh có gần 75% hộ gia đình hội viên phụ nữ đạt danh hiệu "5 không, 3 sạch", có trên 90% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Phòng chống tác hại của thuốc lá Cần thay đổi từ nhận thức
Cán bộ, công chức và người dân xã Vũ Bản khi tới làm việc tại bộ phận một cửa đều tuân thủ khá tốt yêu cầu không hút thuốc.

Trong công tác tuyên truyền, việc thông tin cần đa dạng, thường xuyên để cộng đồng dễ nhận biết, dễ liên hệ với tình trạng sức khỏe bản thân trước những tác hại cụ thể của hút thuốc lá thụ động. Đồng thời, tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong từng lĩnh vực của công tác phòng chống THCTL để người dân có thể nhận biết, giám sát hoặc kiến nghị khi cần thiết; nâng cao ý thức tự giác không hút thuốc lá, chung tay xây dựng một môi trường sống an toàn, không khói thuốc lá, bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, khu dân cư cần đưa công tác phòng chống THCTL vào nội quy thi đua khen thưởng hằng năm; nêu cao vai trò gương mẫu của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người thân của họ. Duy trì phong trào xây dựng văn hóa công sở; chú trọng tuyên truyền, trang bị những kiến thức cơ bản về THCTL góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc xây dựng lối sống lành mạnh, nói không với thuốc lá. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy