Với sự phát triển, mở rộng mạnh mẽ về quy mô, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thu hút lực lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh vào làm việc. Vì mưu sinh, nhiều cặp vợ chồng trẻ đã và đang phải gửi con ở quê nhà cho ông bà nội, ngoại chăm sóc, dạy dỗ. Tất cả họ đều có một mơ ước chung, đó là có việc làm ổn định và có tăng ca để kiếm đủ tiền nuôi gia đình, thuê một căn phòng đủ rộng để cả gia đình cùng sum vầy, chung sống.
Khu nhà trọ cho thuê của gia đình ông Lại Hoàng Đam (Đường Trần Quang Khải, Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) hiện có khoảng 20 lao động làm việc ở Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) đang thuê trọ. Hầu hết là lao động ngoại tỉnh đến từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La. Trong đó, có 4 cặp vợ chồng trẻ. Tất cả các cặp vợ chồng đều đang có con nhỏ và gửi ở quê cho người thân chăm sóc. Hơn 10 năm cho thuê trọ, ông Lại Hoàng Đam đã gắn bó, chứng kiến những vui, buồn, sự trưởng thành, vượt khó của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ.
Ông Đam cho biết: Khu nhà trọ của tôi đã chào đón rất nhiều em bé chào đời. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên các bé cứ được tầm 6 tháng đến 1 tuổi là bố mẹ lại cho về quê ở với ông bà nội, ngoại để nhờ ông bà chăm sóc. Một số gia đình thì khi con vào lớp 1 là đón con xuống ở cùng bố mẹ để cho con đi học. Khi đó họ lại tìm thuê phòng trọ khác rộng rãi hơn để ở. Thấy được những khó khăn, thiếu thốn đủ bề của công nhân lao động xa nhà, nhiều năm nay tôi không tăng giá cho thuê phòng.
Tại khu nhà trọ của ông Đam, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với vợ chồng chị Khuất Thị Hậu, quê ở tỉnh Hòa Bình hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Châu Sơn. Để tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, vợ chồng chị Hậu thuê một phòng trọ nhỏ tại dãy trọ của gia đình ông Đam với diện tích khoảng 12m2, có giá thuê là 600.000 đồng/tháng. Năm 2020, sau khi sinh con đầu lòng được 6 tháng, chị Hậu đã phải cai sữa sớm cho con rồi gửi con ở Hòa Bình cho ông bà nội chăm sóc và trở lại Hà Nam làm việc. Đến nay, con của chị đã gần 3 tuổi và thường xuyên khóc đòi đi cùng với bố mẹ mỗi dịp bố mẹ về thăm nhà. Xa con từ khi con mới 6 tháng tuổi và còn đang khát sữa, nhiều hôm chị Hậu trằn trọc cả đêm không ngủ được, phần vì tức sữa, phần do quá nhớ thương con. Càng khó khăn, chị Hậu càng cố gắng trong công việc. Hai vợ chồng chị động viên nhau làm tăng ca mỗi ngày để khuây khỏa nỗi nhớ con và có chút vốn tích lũy, sau này về quê lo cho con cái học hành cũng như tìm kế sinh nhai.
Chị Hậu bộc bạch: Nhiều khi nhớ con như đứt từng khúc ruột, tôi chỉ muốn về quê ngay để đón con xuống Phủ Lý ở cùng bố mẹ. Thế nhưng, vợ chồng tôi tăng ca thường xuyên, phòng trọ lại quá chật hẹp. Tôi cũng không có đủ điều kiện để thuê người trông con. Để có tiền nuôi con, mỗi ngày, vợ chồng tôi đều làm tăng ca để kiếm thêm thu nhập, sớm thì làm đến 7 giờ tối, muộn thì 9-10 giờ tối mới về. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công ty gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, lượng đơn hàng giảm sút nên thời gian tăng ca đã bị cắt đi. Với đồng lương công nhân eo hẹp của hai vợ chồng, tôi dành hơn 60% thu nhập để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày và gửi về quê cho ông bà chăm con, số còn lại vợ chồng tôi dành dụm tiết kiệm để chuẩn bị cho việc sinh em bé thứ hai. Có bầu đã được khoảng 3 tháng rồi nhưng vợ chồng tôi cũng chưa tính được sau khi sinh thì lo cho con như thế nào. Có lẽ tôi phải nghỉ việc về quê ở một thời gian cho tới khi con cứng cáp mới gửi ông bà chăm sóc để quay lại đây làm việc tiếp.
Không riêng vợ chồng chị Hậu, rất nhiều gia đình công nhân trẻ làm việc tại các khu công nghiệp đang trong tình trạng “một cảnh hai quê”, thậm chí là “một cảnh ba quê” do con lớn thì gửi ông bà nội, còn con nhỏ lại gửi bà ngoại chăm sóc. Làm việc tại Công ty cổ phần Casablanca Việt Nam (Khu công nghiệp Châu Sơn), vợ chồng chị Cáp Hồng Ngọc, quê ở Nghệ An đã phải sống xa 2 con nhiều năm nay. Vì nhà xa nên chỉ các dịp lễ, Tết trong năm vợ chồng chị Ngọc mới tranh thủ về quê thăm gia đình, thăm con. Năm nay, con lớn của chị đã lên lớp 6, con nhỏ vào học lớp 2. Sống xa bố mẹ quá lâu, ở độ tuổi ẩm ương này, chị Ngọc lo lắng con sẽ đi chệch hướng nếu thiếu vắng sự quan tâm, gần gũi, chỉ bảo thường xuyên của bố mẹ. Do đó, mới đây, vợ chồng chị Ngọc đã quyết định đón 2 con từ Nghệ An ra thành phố Phủ Lý và thuê thêm một phòng trọ rộng trên 10 m2 ở ngay bên cạnh để các con có không gian sinh hoạt, học tập.
Chị Ngọc cho biết: Tôi rất muốn thuê một căn phòng rộng rãi, tiện nghi hơn hoặc thuê riêng một căn nhà cấp bốn nho nhỏ để thuận tiện cho sinh hoạt của cả gia đình. Thế nhưng giá thuê nhà như vậy chi phí khá cao, thấp nhất cũng phải 2-3 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước sinh hoạt. Trong khi đó, tôi chỉ cần bỏ ra 1,4 triệu là thuê được 2 phòng trọ nho nhỏ sát cạnh nhau. Cộng cả tiền điện, nước, ga, mỗi tháng cũng đến 2 triệu đồng rồi. Dù khó khăn, bất tiện nhưng cả gia đình luôn động viên nhau cố gắng khắc phục. Mong ước lớn nhất của tôi là được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình công nhân được hỗ trợ về nhà ở. Có như vậy, chúng tôi mới yên tâm gắn bó với công việc.
Trò chuyện với những công nhân lao động xa nhà đang sinh sống tại các xóm trọ quanh khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới thấy những khó khăn, nỗi niềm mà họ luôn cất giữ trong lòng. Đi làm nơi đất khách, họ chấp nhận xa gia đình, xa những đứa con còn thơ dại để có tiền lo cho cuộc sống. Với họ, ngoài giấc mơ an cư, gia đình được sum vầy còn có nỗi lo về công việc, thu nhập. Mong rằng, những khó khăn sớm qua đi, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả để người lao động ổn định với công việc, thu nhập được cải thiện giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Nguyễn Oanh