Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt

Theo thống kê của ngành chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm 1 người bị thương (so với cùng kỳ năm 2022: giảm 3 vụ, giảm 2 người chết, bằng số người bị thương). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể và lực lượng chức năng trong tỉnh cũng như ngành đường sắt trong việc triển khai quyết liệt một số biện pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn tuyến đường sắt chạy qua địa bàn.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn xã Liêm Cần (Thanh Liêm) trước đây có rất nhiều đường ngang dân sinh tự phát và luôn được coi là một trong những “điểm đen” về TNGT đường sắt. Nguyên nhân chính là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt của một bộ phận người dân địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số hộ dân sống dọc hai bên đường cố tình vi phạm hành lang ATGT đường sắt, trong đó có những hộ dân kinh doanh đá cảnh đã bất chấp quy định, cố tình bày bán non bộ, tiểu cảnh nặng cả tấn, chỉ cách đường ray tàu vài mét. Nhiều lần ngành chức năng đã phối hợp giải tỏa vi phạm, song chỉ được một thời gian ngắn người dân lại tái lấn chiếm. Trước thực trạng trên, ngành đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa vi phạm, xây dựng gần 600m rào chắn đường sắt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt và làm giảm nguy cơ mất ATGT. 

Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: Chỉ với gần 2km đường sắt qua địa bàn nhưng có thời điểm có tới trên 50 hộ vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Khi nhà nước đầu tư xây dựng rào chắn đường sắt và đường gom dân sinh, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đã giảm đáng kể. UBND xã cũng đã tổ chức giải tỏa, triệt xóa những điểm vi phạm ven tuyến đường sắt, dài khoảng 800m ở 2 thôn Nhất Nhì, Tam Tứ; đồng thời dựng rào chắn tại 21 lối mở tự phát, góp phần bảo đảm ATGT đường sắt trên địa bàn.

Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông đường sắt
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tuyên truyền người dân xã Liêm Cần (Thanh Liêm) chấp hành tốt các quy định về ATGT đường sắt. Ảnh: Quang Huy

Cũng như xã Liêm Cần, tuyến đường sắt chạy qua địa bàn xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý) dài khoảng 2km nhưng có rất nhiều lối mở tự phát qua đường sắt, trong đó 3 lối đi thường xuyên có lưu lượng người, phương tiện qua lại lớn, dẫn đến tiềm ẩn TNGT đường sắt rất cao. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, tuyến đường qua địa bàn xã Liêm Chung luôn được coi là một trong những “điểm đen” về TNGT đường sắt. Trước tình trạng này, năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã Liêm Chung đã chỉ đạo, triển khai xây dựng mô hình “Đoạn đường sắt an toàn”. Điểm nhấn của mô hình là lập “Chốt gác chắn tự quản” tại 3 điểm đường ngang giao cắt với đường sắt có đông lưu lượng phương tiện giao thông qua lại. Các “chốt gác chắn tự quản” được trang bị đầy đủ hệ thống đèn cảnh báo kết hợp bố trí người túc trực, cảnh báo khi có tàu đi qua trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân mỗi khi qua lại các điểm đường ngang.

Theo thống kê của ngành chức năng, tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn tỉnh Hà Nam dài 31,25km, đi qua 4 huyện, thị xã, thành phố (Duy Tiên, Phủ Lý, Thanh Liêm, Bình Lục). Hiện trên tuyến đường sắt này đang tồn tại nhiều vi phạm hành lang ATGT chưa được xử lý dứt điểm. Tuyến đường sắt Bắc – Nam lại nằm song song với các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 21B và qua nhiều khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp nên có khá đông người dân bám mặt đường để kinh doanh, sinh sống, dẫn đến phát sinh nhiều điểm giao cắt đường bộ - đường sắt không đúng quy định. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Hà Nam, năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT đường sắt, làm chết 5 người, bị thương 1 người (tăng 4 vụ, tăng 3 người chết, bằng số người bị thương so với năm 2021). Qua phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn cơ bản đều do lỗi của người tham gia giao thông, như: thiếu chú ý quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn báo, cố tình vượt qua đường sắt mặc dù đã nhìn thấy tàu hỏa đang đến gần…

Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm TTATGT, chủ động giải quyết triệt để nguyên nhân, kéo giảm TNGT đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Ban ATGT tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có tuyến đường sắt đi qua tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường sắt. Vận động, hướng dẫn nhân dân không lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt; tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông đối với những hộ gia đình sống ven tuyến đường sắt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành đường sắt tiến hành giải tỏa hành lang ATGT đường sắt, xóa bỏ hệ thống đường gom tự phát, tổ chức rào chắn tại các đường ngang dân sinh, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt.

Mặt khác, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, rào chắn đúng quy cách, lắp biển báo, đèn tín hiệu tại những điểm có nguy cơ cao dễ gây tai nạn… Kết quả, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành đường sắt phối hợp với các địa phương tiến hành xóa bỏ 85 lối đi trái phép; phát quang trên 500 cây xanh; thu giữ 12 thang bắc qua hộ lan đường sắt, 45 biển quảng cáo không đúng quy cách, cản trở tầm nhìn. Cùng với đó, đầu tư xây dựng gần 1km đường gom, trên 1km rào chắn, lắp đặt 65 biển cảnh báo, đèn tín hiệu. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh cũng đã xử lý 65 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT đường sắt, phạt tiền trên 60 triệu đồng. 

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu năm ATGT 2023, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành đường sắt duy trì thực hiện bảo đảm trật tự hành lang ATGT, xử lý dứt điểm những lối đi tự mở cắt ngang qua đường sắt trên địa bàn tỉnh. Tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn; làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm giao cắt giữa đường huyện, đường xã, đường nội bộ, đường giao thông nông thôn.

Các sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và những địa phương có đường sắt đi qua thực hiện nghiêm giải pháp, kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh qua đường sắt đấu nối trực tiếp vào đường chính, bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt. Cùng với đó, chủ động lập kế hoạch thực hiện lộ trình xóa bỏ đường ngang dân sinh, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, xây dựng đường gom dọc đường sắt. Đồng thời, tăng cường phối hợp với ngành đường sắt triển khai công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, người dân tham gia thực hiện nhiệm vụ cảnh báo và bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại các điểm giao giữa đường bộ với đường sắt, nhất là những điểm giao có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy